Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Toát Yếu
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

 

- Phần 1: Tuyên Xưng Đức Tin

- Phần 2: Cử Hành Mầu Nhiệm Kitô Giáo

- Phần 3: Đời Sống Trong Đức Kitô

- Phần 4: Kinh Nguyện Kitô Giáo

 

 

Kompendium des Katechismus der Katholischen Kirche

Bản dịch của UB Giáo Lý Ðức Tin Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

 

 

Phần IV

Kinh Nguyện Kitô Giáo

 


Mọi thời gian đều thuận tiện để cầu nguyện. Dù vậy, Hội thánh đề nghị các tín hữu nên dành thời gian cho việc cầu nguyện liên tục : Kinh sáng và kinh tối; kinh nguyện trước và sau khi dùng cơm, Phụng vụ các giờ kinh, cử hành Thánh lễ ngày Chúa nhật, chuỗi Mân côi, các lễ trong năm Phụng vụ. 

 

Ảnh thánh lấy lại trình thuật Thánh Kinh về ngày Hiện Xuống: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4). 

Trong ảnh thánh, từ chim bồ câu, tượng trưng Chúa Thánh Thần, chúng ta thấy một cột trụ ánh sáng dày đặc đổ xuống, phủ trên Đức Maria và các Tông đồ. Đó là ánh sáng chiếu soi tâm trí các Tông đồ khi trao ban cho họ các hồng ân kiến thức, khôn ngoan, thông suốt các thực tại thiêng liêng, nhưng cũng có những hồng ân đạo đức, sức mạnh, an ủi và kính sợ Thiên Chúa. 

Ngoài ra, trên đầu họ có những lưỡi lửa, như muốn nói lên tình yêu tràn đầy của Thiên Chúa thúc đấy họ trở thành những người rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Thật vậy, nhờ được tràn đầy ân sủng, mọi người có thể hiểu được các Tông đồ; tiếng nói của tình yêu mang tính phổ quát và có thể đến với mọi người. Để chữa trị việc chia rẽ ngôn ngữ giữa các dân tộc, lễ Hiện Xuống đã  đưa ra phương thuốc giúp các dân tộc hợp nhất với nhau. 

Giữa bức tranh, Đức Maria ngự trị như người Mẹ của Hội thánh, Nữ hoàng của các Tông đồ và của những ai cầu nguyện trọn hảo. Chính trong tình yêu của Chúa Thánh Thần, các tín hữu có thể dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện đầy tình hiếu thảo, như lời của Thánh Tông đồ : “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : “Ábba, Cha ơi !” (Gl 4,6).    

Tranh thánh của người Copte về ngày Lễ Hiện Xuống.
 

 


ĐOẠN THỨ NHẤT
KINH NGUYỆN TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Mọi thời gian đều thuận tiện để cầu nguyện. Dù vậy, Hội thánh đề nghị các tín hữu nên dành thời gian cho việc cầu nguyện liên tục : Kinh sáng và kinh tối; kinh nguyện trước và sau khi dùng cơm, Phụng vụ các giờ kinh, cử hành Thánh lễ ngày Chúa nhật, chuỗi Mân côi, các lễ trong năm Phụng vụ.

Tranh thánh cho thấy một vài lễ chính thức trong năm Phụng vụ, đánh dấu kinh nguyện của Hội thánh. Ở trung tâm trình bày mầu nhiệm Vượt qua : cuộc Phục sinh và lên trời của Chúa  Giêsu. Từ đại lễ này là chóp đỉnh của cầu nguyện Phụng vụ, các ngày lễ khác kính Chúa và Mẹ Maria  rút được ý nghĩa và hiệu quả cứu độ của mình.   

Tranh thánh của Phụng vụ Byzantine về các ngày lễ chính của Phụng vụ. 

534.  Cầu nguyện là gì ?
2558-2565
2590
Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là dâng lời cầu lên Thiên Chúa để xin những ơn lành phù hợp với thánh ý của Ngài. Cầu nguyện luôn là một hồng ân của Thiên Chúa, Đấng đến gặp gỡ con người. Cầu nguyện theo Kitô giáo là một liên hệ cá nhân và sống động của con cái với Cha là Thiên Chúa vô cùng nhân lành, với Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn họ. 

 


CHƯƠNG MỘT
MẠC KHẢI VỀ CẦU NGUYỆN

535.  Tại sao mọi người đều được mời gọi cầu nguyện ?
2566-2567
Chỉ vì Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự từ hư không và vì con người, sau khi phạm tội, vẫn còn khả năng nhận biết Đấng Sáng Tạo của mình, nên vẫn khao khát hướng về Đấng đã tạo dưng nên mình. Mọi tôn giáo, và đặc biệt trong toàn bộ lịch sử cứu độ, làm chứng cho sự khao khát Thiên Chúa nơi con người. Nhưng chính Thiên Chúa đã đi bước trước, không ngừng lôi kéo mỗi người đến gặp gỡ Ngài cách huyền nhiệm trong việc cầu nguyện. 

 


MẠC KHẢI VỀ CẦU NGUYỆN TRONG CỰU ƯỚC

536.  Ông Ábraham là mẫu gương về cầu nguyện như thế nào ?
2570-2573
2592
Ông Ábraham là mẫu gương về cầu nguyện bởi vì ông bước đi trước nhan Thiên Chúa, Đấng ông lắng nghe và vâng phục. Lời cầu nguyện của ông là một cuộc chiến đấu của đức tin, vì ngay khi bị thử thách, ông vẫn xác tín vào sự trung thành của Thiên Chúa. Ngoài ra, sau khi đón tiếp Chúa trong lều của mình và được Ngài cho biết các kế hoạch, ông cả dám chuyển cầu cho các kẻ tội lỗi với một lòng tin tưởng táo bạo. 


537.  Ông Môsê đã cầu nguyện thế nào ?
2574-2577
2593
Lời cầu nguyện của ông Môsê tiêu biểu cho lời cầu nguyện chiêm niệm. Thiên Chúa, Đấng đã gọi ông từ Bụi Gai bốc cháy, thường xuyên tiếp xúc lâu giờ với ông, “mặt giáp mặt như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11). Trong tình thân mật với Thiên Chúa, ông Môsê rút được sức mạnh để kiên trì chuyển cầu cho dân mình : như vậy, lời cầu nguyện của ông tượng trưng cho lời chuyển cầu của Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Giêsu Kitô. 


538.  Trong Cựu Ước, nhà vua và đền thờ có liên quan gì đến cầu nguyện ?
2578-2580
2594
Kinh nguyện của Dân Thiên Chúa được phát triển dưới bóng Nhà Chúa – bên Hòm bia Giao ước, rồi nơi Đền thờ – nhờ sự hướng dẫn của các vị Mục tử. Trong số đó, có Đavít, là vị vua “được đẹp lòng Thiên Chúa”, là người mục tử cầu nguyện cho dân của mình. Lời cầu nguyện của ông là mẫu mực cho kinh nguyện của dân, vì lời này luôn gắn bó với lời hứa của Thiên Chúa, được dâng lên với lòng tin tưởng yêu kính đối với Đấng là Vua và là Chúa duy nhất.  


539.  Cầu nguyện có vai trò gì trong sứ vụ của các tiên tri ?
2581-2584
Nhờ cầu nguyện, các tiên tri tìm được ánh sáng và sức mạnh để thúc đẩy dân chúng tin tưởng và hoán cải tâm hồn. Các ngài sống trong sự thân mật sâu xa với Thiên Chúa và chuyển cầu cho anh em của mình, là những người được các ngài loan báo điều họ đã thấy và đã nghe từ nơi Thiên Chúa. Ông Êlia là tổ phụ các tiên tri, nghĩa là những người tìm kiếm Tôn nhan Thiên Chúa. Trên đỉnh Carmel, ông đã giúp cho dân chúng quay về với đức tin, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng ông cầu khẩn : “Xin đáp lời con, lạy Chúa, xin đáp lời con” (1 V 18,37).

 
540. Các Thánh Vịnh có tầm quan trọng thế nào trong kinh nguyện?
2579
2585-2589
2596-2597
Các Thánh Vịnh là tột đỉnh của kinh nguyện Cựu Ước : Lời Thiên Chúa đã trở thành lời cầu nguyện của con người. Vừa mang tính cá nhân, vừa mang có tính cộng đoàn, các Thánh Vịnh được Thánh Thần linh ứng, ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và trong lịch sử cứu độ. Đức Kitô đã cầu nguyện bằng các Thánh Vịnh và đã đưa chúng đến mức toàn hảo. Vì thế, các Thánh Vịnh là một yếu tố chính yếu và thường xuyên trong kinh nguyện của Hội thánh; chúng thích hợp cho con người trong mọi hoàn cảnh và qua mọi thời gian.

 

 

 
TRONG CHÚA GIÊSU,
VIỆC CẦU NGUYỆN ĐÃ ĐƯỢC MẠC KHẢI VÀ THỰC HIỆN CÁCH TRỌN VẸN

541.  Chúa Giêsu đã học cầu nguyện với ai ?
2599
2620
Trong nhân loại, Chúa Giêsu đã học cầu nguyện từ Mẹ Người và từ truyền thống Do Thái. Nhưng lời cầu nguyện của Người còn phát xuất từ một nguồn mạch sâu thẳm hơn nữa, vì Người là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa. Trong nhân tính thánh thiện, Chúa Giêsu dâng lên Cha của Người lời kinh tuyệt vời trong tình con thảo. 


542.  Chúa Giêsu cầu nguyện khi nào ?
2600-2604
2620
Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện. Người thường lui vào nơi hoang vắng, kể cả lúc ban đêm. Người cầu nguyện trước những thời điểm quyết định cho sứ vụ của mình hay của các tông đồ. Thực ra, cả cuộc đời của Người là cầu nguyện, vì Người luôn sống trong sự hiệp thông tình yêu với Cha của mình. 


543.  Chúa Giêsu cầu nguyện như thế nào trong suốt cuộc khổ nạn?
2605-2606
2620
Trong cơn hấp hối nơi vườn Ghếtsêmani, cũng như qua các lời cuối cùng trên Thánh giá, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu mạc khải chiều sâu thẳm của lời cầu nguyện trong tình con thảo của Người. Chúa Giêsu chu toàn ý định yêu thương của Chúa Cha và mang lấy trên mình Người tất cả âu lo của nhân loại, tất cả mọi lời van xin và chuyển cầu của lịch sử cứu độ.  Người dâng lên Chúa Cha, Đấng đón nhận những lời cầu nguyện ấy và đáp lại một cách vượt quá sự chờ mong, bằng cách làm cho Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại.  


544.  Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện như thế nào ?
2608-2614
2621
Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện không những với lời kinh Lạy Cha, nhưng còn dạy chúng ta cầu nguyện ngay cả lúc Người cầu nguyện. Với cách thức này, Người cho chúng ta thấy, bên cạnh nội dung của lời cầu nguyện, còn có những thái độ cần thiết cho việc cầu nguyện đích thực : tâm hồn thanh sạch đang tìm kiếm Nước Trời và sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù của mình; sự tin tưởng mạnh mẽ, đầy tình con thảo, vượt quá những gì chúng ta có thể cảm nghiệm và thấu hiểu; sự tỉnh thức giúp người môn đệ tránh được cơn cám dỗ.    


545.  Tại sao lời cầu nguyện của chúng ta mang lại hiệu quả ?
2615-2616
Lời cầu nguyện của chúng ta mang lại hiệu quả, vì được kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong đức tin. Trong Người, lời cầu nguyện Kitô giáo trở thành sự hiệp thông tình yêu với Chúa Cha. Lúc đó, chúng ta có thể dâng những lời cầu xin lên Thiên Chúa và sẽ được nhậm lời : “Anh em hãy xin, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,24). 


546.  Đức Trinh Nữ Maria đã cầu nguyện thế nào ?
2617; 2618
2622; 2674
2679
Kinh nguyện của Đức Maria phát xuất từ niềm tin và việc quảng đại hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa. Mẹ của Chúa Giêsu cũng là bà Eva Mới, là “Mẹ của chúng sinh”. Mẹ đã cầu xin Chúa Giêsu, Con của Mẹ, cho những nhu cầu của loài người.


 547.  Trong Tin Mừng, có lời cầu nguyện nào của Đức Maria không?
2619
Ngoài lời chuyển cầu của Đức Maria tại Cana miền Galilê, Tin Mừng còn ghi lại kinh Magnificat (Lc 1,46-55), là lời ca tụng của Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Hội thánh, là lời tạ ơn trong hân hoan xuất phát từ tâm hồn của những người nghèo khó, vì niềm hy vọng của họ sẽ trở thành hiện thực khi Thiên Chúa thực hiện các lời hứa của Ngài.

 

 


KINH NGUYỆN TRONG THỜI HỘI THÁNH

548.  Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem đã cầu nguyện như thế  nào ?
2623-2624
Khởi đầu sách Công Vụ Tông Đồ có ghi lại, trong cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem được Thánh Thần dạy cho biết cầu nguyện, “các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42). 


549.  Chúa Thánh Thần can thiệp như thế nào trong kinh nguyện của Hội thánh ?
2623; 2625
Chúa Thánh Thần, bậc thầy nội tâm của kinh nguyện Kitô giáo, dạy Hội thánh đời sống cầu nguyện; Ngài hướng dẫn Hội thánh luôn đi sâu vào việc chiêm ngắm và kết hợp với mầu nhiệm khôn lường của Đức Kitô. Các hình thức cầu nguyện, như được trình bày trong các tác phẩm thời các Tông đồ và Tân Ước, vẫn luôn là mẫu mực cho kinh nguyện Kitô giáo. 


550.  Các hình thức chính yếu của kinh nguyện Kitô giáo là gì ?
2643-2644
Đó là chúc tụng và thờ lạy, xin ơn và chuyển cầu, tạ ơn và ca ngợi. Thánh lễ chứa đựng và diễn tả tất cả các hình thức cầu nguyện này. 

 
551. Lời kinh chúc tụng là gì ?
2626-2627
2645
Lời kinh chúc tụng là lời con người đáp lại các hồng ân của Thiên Chúa. Chúng ta chúc tụng Đấng Toàn Năng, Đấng đã chúc lành cho chúng ta trước và ban tràn đầy hồng ân của Ngài cho chúng ta.  


552.  Việc thờ lạy là gì ?
2628
Việc thờ lạy là sự phủ phục của con người, tự nhận mình là thụ tạo trước Đấng Sáng Tạo muôn trùng chí thánh của mình. 


553.  Những hình thức khác nhau của lời kinh xin ơn là gì ?
2629-2633
2646
Đây có thể là một lời xin ơn tha thứ hay còn là một lời khiêm tốn và tin tưởng xin ơn cho tất cả mọi nhu cầu tinh thần lẫn vật chất của chúng ta. Nhưng điều trước hết phải nài xin, là cầu cho Nước Thiên Chúa mau đến. 


554.  Lời kinh chuyển cầu là gì ?
2634-2636
2647
Kinh chuyển cầu là lời cầu nguyện xin ơn cho một người khác. Lời kinh này giúp chúng ta nên giống Chúa Giêsu, kết hợp chúng ta với kinh nguyện của Người, Đấng chuyển cầu lên Thiên Chúa cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người tội lỗi. Lời kinh chuyển cầu cần phải mở rộng đến cả kẻ thù của chúng ta. 


555.  Khi nào chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời kinh tạ ơn ?
2637-2638
2648
Hội thánh không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, nhất là khi cử hành Thánh lễ, trong đó Đức Kitô cho Hội thánh tham dự vào hành động tạ ơn của Người dâng lên Thiên Chúa Cha. Đối với người Kitô hữu, mọi biến cố trong đời sống đều trở thành chất liệu để tạ ơn.  


556.  Lời kinh ca ngợi là gì ?
2639-2643
2649
Lời kinh ca ngợi là kinh nguyện công nhận Thiên Chúa là Chúa một cách trực tiếp. Lời kinh này hoàn toàn vô vị lợi : ca ngợi Thiên Chúa vì chính Ngài, và tôn vinh Ngài vì Ngài hiện hữu.

 

 


CHƯƠNG HAI
TRUYỀN THỐNG CẦU NGUYỆN

557.  Truyền thống có tầm quan trọng nào đối với việc cầu nguyện?
2650-2651
Trong Hội thánh, qua Thánh truyền sống động, Chúa Thánh Thần dạy cho con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện. Thật vậy, kinh nguyện không hạn hẹp vào một sự bộc phát nội tâm, nhưng bao gồm cả việc chiêm niệm, học hỏi và tiến sâu vào những thực tại thiêng liêng mà con người có thể cảm nghiệm được. 

 

 


NHỮNG NGUỒN MẠCH CỦA KINH NGUYỆN

558.  Kinh nguyện Kitô giáo có những nguồn mạch nào ?
2652-2662
Đó là :
-   Lời Chúa trao ban cho chúng ta “khoa học siêu việt” về Đức  Kitô (Pl 3, 8);
-   Phụng vụ của Hội thánh loan báo, hiện tại hoá và thông truyền mầu nhiệm cứu độ;
-   Các Nhân đức đối thần ;
-   Những hoàn cảnh thường ngày, trong đó chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa.

“Lạy Chúa, con yêu mến Ngài, và ân sủng duy nhất mà con cầu xin là cho con được yêu mến Ngài mãi mãi […] Lạy Thiên Chúa của con, nếu miệng lưỡi con không thể lúc nào cũng lập lại rằng con yêu mến Ngài, con muốn rằng tim con luôn lặp lại lời đó với Chúa theo từng nhịp thở của con” (thánh Gioan Maria Vianney). 

 

 


CON ĐƯỜNG CẦU NGUYỆN

559. Hội thánh có nhiều con đường cầu nguyện không ?
2663
Hội thánh có nhiều con đường cầu nguyện khác nhau, tùy theo môi trường lịch sử, xã hội và văn hóa. Chỉ Huấn quyền mới có quyền nhận định những con đường này có trung thành với đức tin tông truyền hay không; các vị mục tử và giáo lý viên có trách nhiệm giải thích ý nghĩa của các con  đường này;  ý nghĩa đó phải luôn gắn bó với Đức Giêsu Kitô. 

 

560.  Con đường cầu nguyện của chúng ta là con đường nào ?
2664
2680-2681
Con đường cầu nguyện của chúng ta là chính Đức Kitô. Lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Thiên Chúa, Cha chúng ta, nhưng chỉ lên tới Ngài khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu, ít nhất là cách mặc nhiên. Nhân tính của Chúa Giêsu là con đường duy nhất, qua đó Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện lên Cha của chúng ta. Vì thế các lời kinh Phụng vụ đều kết thúc bằng công thức : “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. 


561.  Chúa Thánh Thần có vai trò gì trong việc cầu nguyện của chúng ta ?
2670-2672
2680-2681
Chúa Thánh Thần là bậc Thầy nội tâm của kinh nguyện Kitô giáo và “chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26), nên Hội thánh khuyến khích chúng ta kêu cầu và van nài trong mọi hoàn cảnh : “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!” 


562.  Kinh nguyện Kitô giáo dâng lên Đức Maria nhằm ý hướng gì ?
2673-2679
2682
Vì sự cộng tác độc đáo của Đức Maria vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, nên Hội thánh yêu thích kêu cầu Mẹ và cùng cầu nguyện với Mẹ, vì Mẹ là người cầu nguyện tuyệt hảo, nhờ đó cùng với Mẹ chúng ta tôn vinh và kêu cầu Chúa. Thật vậy, Đức Maria chỉ “đường” cho chúng ta, con đường ấy chính là Con của Mẹ, Đấng Trung Gian duy nhất.  


563.  Hội thánh cầu nguyện với Đức Maria như thế nào ?
2676-2678
2682
Hội thánh cầu nguyện với Đức Maria trước tiên là bằng kinh Kính Mừng Maria, nhờ lời kinh đó Hội thánh van xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ. Còn nhiều kinh khác để dâng lên Đức Maria, trong đó có chuỗi Mân Côi, các kinh cầu Đức Bà cũng như các thánh thi và thánh ca theo nhiều truyền thống Kitô giáo khác nhau. 

 


CÁC LINH ĐẠO CẦU NGUYỆN

564.  Các thánh là những người dẫn đường cầu nguyện như thế nào?
2683-2684
2692-2693
Các thánh là những mẫu gương cho chúng ta về cầu nguyện và chúng ta cũng van xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Lời chuyển cầu của các ngài là việc các ngài phục vụ một cách cao cả nhất cho kế hoạch của Thiên Chúa. Trong mầu nhiệm các thánh thông công, đã có nhiều đường hướng linh đạo phát sinh suốt dòng lịch sử Hội thánh, để dạy chúng ta cách sống và thực hành việc cầu nguyện.   


565.  Ai có thể dạy chúng ta cầu nguyện ?
2685-2690
2694-2695
Gia đình Kitô hữu là nơi đầu tiên để dạy cầu nguyện. Hội thánh đặc biệt khuyến khích các gia đình nên cầu nguyện hằng ngày, vì đó là chứng từ đầu tiên của đời sống cầu nguyện của Hội thánh. Việc huấn giáo, những nhóm cầu nguyện, việc linh hướng tạo thành một trường học và một sự nâng đỡ cho việc cầu nguyện. 


566.  Những nơi nào thuận tiện cho việc cầu nguyện ?
2691
2696
Chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, nhưng việc chọn một nơi thích hợp sẽ giúp ích hơn cho việc cầu nguyện. Nhà thờ là nơi dành riêng cho kinh nguyện Phụng vụ và việc tôn thờ Thánh Thể. Những nơi khác cũng có thể giúp chúng ta cầu nguyện, chẳng hạn “một góc cầu nguyện” trong gia đình, một tu viện, một đền thánh.  

 

 


CHƯƠNG BA
ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

567.  Thời gian nào thích hợp nhất cho việc cầu nguyện ?
2697-2698
2720
Mọi thời điểm đều thích hợp cho việc cầu nguyện. Nhưng Hội thánh đề nghị cho các tín hữu những chu kỳ cố định để nuôi đưỡng việc cầu nguyện liên tục : kinh sáng và kinh chiều, trước và sau khi dùng cơm, Các Giờ kinh Phụng vụ, Thánh lễ ngày Chúa nhật, kinh Mân Côi, các lễ mừng trong năm Phụng vụ.  
“Chúng ta phải nhớ đến Chúa, thường hơn là chúng ta hít thở” (thánhGrêgôriô thành Nazianze)

568.  Có mấy hình thức diễn tả đời sống cầu nguyện ?
2697-2699
Truyền thống Kitô giáo đã lưu giữ ba hình thức chính để diễn tả và sống việc cầu nguyện :  khẩu nguyện, suy niệm và cầu nguyện chiêm niệm. Đặc điểm chung của cả ba hình thức này là tập trung tâm trí.

 

 

 
NHỮNG HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN

569.  Khẩu nguyện có đặc tính gì ?
2700-2704
2722
Khẩu nguyện liên kết thân xác chúng ta với lời cầu nguyện nội tâm. Ngay cả lời cầu nguyện thầm kín nhất cũng phải cần đến khẩu nguyện. Trong mọi trường hợp, khẩu nguyện phải luôn xuất phát từ đức tin của bản thân người cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta một công thức tuyệt hảo của khẩu nguyện, đó là kinh Lạy Cha. 


570.  Suy niệm là gì ?
2705-2708
2723
Suy niệm là suy tư trong cầu nguyện. Việc suy tư này phải bắt đầu từ Lời Chúa trong Thánh Kinh. Suy niệm vận dụng lý trí, trí tưởng tượng, tình cảm, ước muốn, để đào sâu đức tin, hoán cải tâm hồn và củng cố ý chí muốn bước theo Đức Kitô. Đây là bước khởi đầu tiến đến việc kết hợp với Chúa trong tình yêu.  


571.  Cầu nguyện chiêm niệm là gì ?
2709-2719
2724
2739-2741
Chiêm niệm là đơn sơ chiêm ngắm Thiên Chúa, trong thinh lặng và trong tình yêu. Đó là một hồng ân của Thiên Chúa, một khoảnh khắc của đức tin thuần túy trong đó người cầu nguyện tìm kiếm Đức Kitô, phó thác mình cho ý định yêu thương của Chúa Cha và đặt mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh Têrêsa Avila định nghĩa chiêm niệm như  “một cuộc trao đổi thân tình giữa bạn hữu, một mình bên  Đấng mà chúng ta biết là Ngài yêu thương ta.” 

 

 


CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA CẦU NGUYỆN

572.  Tại sao cầu nguyện lại là một cuộc chiến đấu ?
2725
Cầu nguyện là một quà tặng của ân sủng, nhưng trước đó phải có một lời đáp trả dứt khoát từ phía chúng ta. Ai cầu nguyện cũng “phải chiến đấu” chống lại chính bản thân mình, chống lại những gì chung quanh và nhất là chống lại tên cám dỗ, là kẻ làm tất cả để ngăn chận việc cầu nguyện. Cuộc chiến đấu trong cầu nguyện phải gắn liền với sự tấn tới trong đời sống thiêng liêng. Chúng ta cầu nguyện như chúng ta sống, bởi vì chúng ta sống như chúng ta cầu nguyện.  


573.  Có những chướng ngại nào cản trở việc cầu nguyện không ?
2726-2728
2752-2753
Có nhiều quan niệm sai lệch về cầu nguyện. Nhiều người cho rằng họ không có thời giờ để cầu nguyện hay cầu nguyện là vô ích. Người cầu nguyện có thể nản lòng trước những khó khăn và những điều xem ra thất bại. Để thắng vượt những chướng ngại này, chúng ta cần sự khiêm nhường, tin tưởng và kiên trì.  


574.  Đâu là những khó khăn trong việc cầu nguyện ?
2729-2733
2754-2755
Lo ra (chia trí) là khó khăn thường xuyên của việc cầu nguyện. Lo ra tách sự chú ý của chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, và cũng có thể cho thấy chúng ta đang quyến luyến điều gì. Lúc đó tâm hồn chúng ta phải khiêm tốn quay về với Chúa. Lời cầu nguyện còn thường bị sự khô khan tấn công. Ai muốn chiến thắng sự khô khan, phải gắn bó với Thiên Chúa bằng đức tin, cho dù không cảm thấy một sự an ủi nào. Sự nguội lạnh là một hình thức lười biếng về mặt thiêng liêng do lơ là việc tỉnh thức và do sự chểnh mảng của tâm hồn. 

 
575. Làm thế nào để củng cố lòng tin tưởng hiếu thảo của chúng ta?
2734-2741
2756
Lòng tin tưởng của người con hiếu thảo bị thử thách khi nghĩ rằng chúng ta không được Thiên Chúa nhậm lời. Lúc đó, phải tự vấn xem, đối với chúng ta, Thiên Chúa thực sự là một người Cha mà chúng ta đang cố gắng thực thi ý Ngài, hay Ngài chỉ là phương tiện để chúng ta đạt được điều mong muốn. Nếu kết hợp lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta còn nhiều ơn hơn chúng ta cầu xin : đó là chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng thay đổi tâm hồn chúng ta.  


576.  Có thể cầu nguyện trong mọi lúc hay không ?
2742-2745
2757
Chúng ta có thể cầu nguyện luôn luôn, vì thời gian của người Kitô hữu là thời gian của Đức Kitô phục sinh, Đấng “ở với chúng ta mọi ngày” (Mt 28,20). Cầu nguyện không thể tách rời khỏi đời sống của người Kitô hữu. 
“Bạn có thể cầu nguyện thường xuyên và sốt sắng, khi  ở ngoài chợ hay khi đi dạo một mình, khi đang ngồi ở cửa hàng hay khi đang mua bán, và ngay cả khi làm bếp” (thánh Gioan Kim Khẩu).  


577.  Kinh nguyện của Chúa Giêsu trong Giờ của Người là gì ?
2604 
2746-2751
2758
Người ta gọi kinh nguyện này là “lời nguyện tư tế” của Chúa Giêsu trong bữa tiệc cuối cùng. Chúa Giêsu, vị Thượng tế của Giao ước mới, dâng lời cầu nguyện này lên Cha của Người khi Giờ của “cuộc vượt qua” , Giờ Hy tế của Người, đã đến. 

 

 


ĐOẠN THỨ HAI
LỜI KINH CHÚA DẠY: KINH LẠY CHA

KINH LẠY CHA
Lạy Cha chúng con ở trên trời;
Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng;
Nước Cha trị đến,
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời
Xin Cha cho chúng con,
hôm nay lương thực hằng ngày;
Và tha nợ chúng con,
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ;
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự Dữ. 

 


PATER NOSTER
Pater noster qui es in caelis :
sanctificetur Nomen Tuum;
adveniat Regnum Tuum;
fiat voluntas Tua,
sicut in caelo, et in terra.
Panem nostrum quotidianum da nobis hodie;
et dimitte nobis debita nostra,
sicut et nos dimittimus debitoribus nostris;
et ne nos inducas in tentationem;
sed libera nos a Malo

 

 

“Có một lần Chúa Giêsu cầu nguyện nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện !” (Lc 11,1). Chúa  Giêsu nhận lời cầu xin này và dạy Kinh Lạy Cha. 
Các môn đệ là những người đã có kinh nghiệm với việc cầu nguyện theo Do Thái giáo vào thời đó, rất xúc động vì tính cách đặc biệt của việc cầu nguyện của Thầy mình. Thật vậy, Chúa Giêsu luôn sống với lời cầu nguyện (x. Lc 5,16). Những thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời của Người đều đi kèm với lời cầu nguyện : Chúa Giêsu cầu nguyện khi lãnh nhận nghi thức thanh tẩy ở sông Giordan (Lc 3,21); trước khi kêu gọi các tông đồ (Lc 6,12); trước khi hiển dung (Lc 9,28). Người cầu nguyện cho đức tin của ông Phêrô (Lc 22,31-32) và cho việc Thánh Thần đến (Ga 14,15-17). Người cầu nguyện trước khi cho Lazarô sống lại (Ga 11,41) và khi Người tiến bước vào thành Giêrusalem thật long trọng (Ga 12,27). Trong bữa Tiệc ly, Người cầu nguyện với Chúa Cha cho việc tôn vinh Người (Ga 17,1-5), cho các môn đệ (Ga 17,6-19) và cho tất cả những kẻ tin  Người (Ga 17,20-26). Người cầu nguyện trước cuộc khổ nạn (Lc 22,39-46) và ngay lúc hấp hối, Người cầu nguyện cho các kẻ thù của mình (Lc 23,34). 


Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trong một cuộc đối thoại vâng phục, đem lại cho sứ vụ của Người đầy sức sống : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Chính sự hiệp thông thân tình với Chúa Cha là nguồn vui và là nguồn ca tụng : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha […] Cha Tôi đã giao phó mọi sự cho Tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,25.27). 
Lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha là hơi thở của đời sống trần thế của Người. Cho dù hoàn toàn ở giữa chúng ta, Chúa Giêsu không bao giờ ở xa Nhà của Chúa Cha, có nghĩa là luôn hiệp thông với Cha trong kinh nguyện. Mặt khác, chính sự thân mật hiếu thảo này trở thành sự gần gũi mang lại ơn cứu độ và nhân từ đối với anh em của mình, cho đến hy tế cao vời trên thập giá.  


Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục trong ngày hôm nay (x. Dt 7,25). Trong Phụng vụ Thánh lễ, Đức Kitô, vị Thượng Tế, dâng lên Cha hy tế cứu độ của Người. Người dâng lên trong sự hiệp thông với Thân Thể của Người là Hội thánh. Mỗi lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Thiên Chúa Cha “nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”. Chính lời cầu nguyện của Đức Kitô nâng đỡ tất cả lời cầu nguyện của chúng ta, những khẩu nguyện cũng như tâm nguyện. Khi Hội thánh cầu nguyện, thì chính lúc Chúa Con ôm hôn đầu gối của Chúa Cha. Lời cầu nguyện của con cái hướng lên Cha ngang qua tiếng nói của Vị Trưởng Tử. Họ rất đông, nhiều cánh tay giơ lên để kêu cầu, ca ngợi và van nài; nhưng chỉ một tiếng nói duy nhất, đó là tiếng nói của Chúa Con.


Bức tranh trình bày Chúa Giêsu đang cầu nguyện trong vườn Gethsemani. Người đón nhận chén đắng của cuộc khổ nạn bằng sự vâng phục tuyệt đối Chúa Cha để cứu độ nhân loại. 
EL GRECO, Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, Bảo tàng nghệ thuật TOLEDO (OHIO). 


578.  Đâu là nguồn gốc của kinh Lạy Cha ?
2759-2760
2773
Chúa Giêsu đã dạy chúng ta lời kinh không thể thay thế được của Kitô giáo, đó là kinh Lạy Cha, khi một môn đệ thấy Người cầu nguyện, đã xin Người “dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11, 1). Truyền thống Phụng vụ Hội thánh luôn dùng bản văn của thánh Mátthêu (6, 9-13).

 

 

 
“BẢN TÓM LƯỢC TOÀN BỘ TIN MỪNG”

579.  Kinh Lạy Cha có vị trí nào trong Sách Thánh ?
2761-2764
2774
Kinh Lạy Cha là “bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng” (Tertullianô), là “lời cầu nguyện tuyệt hảo” (thánh Tôma Aquinô). Kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm Bài giảng trên núi (Mt 5-7), và lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện.  


580. Tại sao kinh này được gọi là “lời kinh của Chúa” ?
2765-2766
2775
Kinh Lạy Cha được gọi là “lời kinh của Chúa,” vì do chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta.   


581.  Kinh Lạy Cha giữ vị trí nào trong kinh nguyện của Hội thánh ?
2767-2772
2776
Kinh Lay Cha là lời kinh tuyệt hảo của Hội thánh. Kinh này chỉ được “trao” cho những người con của Thiên Chúa vào lúc lãnh nhận Bí tích Rửa tội để nhấn mạnh việc tái sinh vào đời sống thần linh . Bí tích Thánh Thể mạc khải ý nghĩa tròn đầy của lời kinh này : những lời cầu xin của kinh này, dựa trên mầu nhiệm cứu độ đã được thực hiện, sẽ được nhậm lời cách trọn vẹn khi Chúa đến. Kinh Lạy Cha là thành phần chính yếu của Các giờ kinh Phụng vụ.   

 

 


“LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI”

582.  Tại sao chúng ta có thể “dám tin tưởng đến gần” Chúa Cha ?
2777-2778
2797
Vì Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ, hướng dẫn chúng ta đến trước Tôn Nhan Chúa Cha, và vì Thánh Thần của Người đã làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Như thế, chúng ta có thể cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha với sự tin tưởng đơn sơ và hiếu thảo, với sự vui mừng an tâm, sự can đảm khiêm hạ và trong sự xác tín được Thiên Chúa yêu thương và nhậm lời.  


583.  Làm sao chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Cha” ?
2779-2785
2789
2798-2800
Chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, vì Con Thiên Chúa làm người đã mạc khải cho chúng ta và Thánh Thần của Ngài đã giúp chúng ta nhận biết điều đó. Việc kêu cầu Thiên Chúa Cha đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Ngài, với lòng thán phục luôn mới mẻ, và gợi lên trong chúng ta sự ước muốn sống đời con thảo. Như vậy với kinh Lạy Cha, chúng ta phải ý thức rằng chính chúng ta là con Thiên Chúa, trong Người Con chí ái của Ngài.  


584.  Tại sao chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha “chúng con” ?
2786-2790
2801
Thuật ngữ “chúng con” diễn tả một tương quan hoàn toàn mới mẻ với Thiên Chúa. Khi cầu nguyện với Chúa Cha, chúng ta thờ lạy và tôn vinh Ngài cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong Đức Kitô, chúng ta là Dân “của Ngài” và Ngài là Thiên Chúa “của chúng ta”, bây giờ và mãi mãi. Thật vậy, chúng ta gọi Ngài là Cha “chúng con” vì Hội thánh của Đức Kitô là sự hiệp thông gồm đông đảo anh em, tạo nên “một trái tim và một linh hồn ” (Cv 4,32).

 
585.  Chúng ta cầu nguyện Lạy Cha “chúng con” với tinh thần hiệp thông và truyền giáo nào ?
2791-2793
2801
Kinh Lạy Cha “chúng con” là gia sản chung của tất cả những người đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nên họ phải cảm nhận lời kêu gọi khẩn thiết cùng với Chúa Giêsu cầu nguyện cho sự hợp nhất của các môn đệ Người. Cầu nguyện bằng kinh “Lạy Cha chúng con,” tức là cầu nguyện với và cho tất cả mọi người, để họ nhận biết một Thiên Chúa thật và phải hợp nhất với nhau.   


586.  Thuật ngữ “ở trên trời” có nghĩa là gì ?
2794-2796
2802
“Ở trên trời” là một cách diễn tả theo Thánh Kinh, không muốn chỉ một vị trí, nhưng muốn nói lên một cách hiện hữu : Thiên Chúa vượt quá và vượt trên tất cả. Thuật ngữ này diễn tả sự uy nghi, sự thánh thiện của Thiên Chúa, cũng như sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn những người công chính. Trời, hay Nhà Cha, là quê hương đích thực mà lòng chúng ta hằng hướng đến trong niềm hy vọng, ngay khi chúng ta còn đang sống trên mặt đất này. Là những người “hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3), chúng ta đã sống trên trời. 

 

 


BẢY LỜI CẦU XIN

587.  Lời kinh của Chúa được cấu tạo như thế nào ?
2803-2806
2857
Lời kinh của Chúa có bảy lời cầu xin dâng lên Thiên Chúa là Cha. Ba lời đầu tiên, có tính đối thần, hướng chúng ta về Thiên Chúa, vì vinh quang của Ngài : lời kinh này tự bản chất thuộc về tình yêu và trước tiên nghĩ đến Đấng chúng ta yêu. Ba lời đó cho thấy những điều mà chúng ta đặc biệt cầu xin : sự thánh hóa Danh Thiên Chúa, việc Vương quốc sẽ đến và việc thi hành Ý của Ngài. Bốn lời cầu xin cuối trình bày với Cha nhân từ những thống khổ và những chờ đợi của chúng ta. Chúng ta van xin Người lương thực, sự tha thứ, sự trợ giúp trong các cơn cám dỗ và sự giải thoát khỏi thần Dữ. 


588.  Lời cầu xin “Nguyện danh Cha cả sáng” có ý nghĩa gì  ?
2807-2812
2858
“Danh Cha cả sáng” trước hết là một lời ca ngợi công nhận Thiên Chúa là Đấng Thánh. Thật vậy, Thiên Chúa đã mạc khải Danh Thánh của Ngài cho Môsê và Ngài muốn cho dân Ngàiđược thánh hiến dành riêng cho Ngài, là một dân tộc thánh thiện mà Ngài yêu thích cư ngụ nơi họ.  
589. Danh Thiên Chúa được thánh hóa nơi chúng ta và trên thế giới như thế nào ?
2813-2815
Thiên Chúa buộc chúng ta phải “nên thánh”(1 Ts 4,7).  Câu “Danh Thiên Chúa được thánh hoá” muốn nói lên đòi hỏi việc hiến thánh của Bí tích Rửa tội phải làm sinh động cả cuộc đời chúng ta; ngoài ra còn mang ý nghĩa, chúng ta phải chăm sóc cuộc đời và lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào để Danh Thiên Chúa được mọi người nhận biết và chúc tụng  


590. Hội thánh  xin gì  khi cầu nguyện “Nước Cha trị đến” ?
2816-2821
2859
Hội thánh xin cho Nước Thiên Chúa trị đến một cách dứt khoát qua việc Đức Kitô trở lại trong vinh quang. Nhưng Hội thánh cũng cầu xin cho vương quyền của Thiên Chúa ngày càng lớn lên trong hiện tại qua việc thánh hóa con người trong Chúa Thánh Thần, và nhờ sự cố gắng của họ trong việc phục vụ công lý và hòa bình theo các Mối phúc. Lời cầu xin này là tiếng kêu của Chúa Thánh Thần và của Hiền thê : “Lạy Chúa Giêsu ! xin hãy đến” (Kh 22,20).   


591.  Tại sao chúng ta cầu xin : “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” ?
2822-2827 
2860
Ý muốn của Cha chúng ta là “tất cả mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,3). Vì thế, Chúa Giêsu đã đến để chu toàn cách trọn hảo ý định cứu độ của Cha. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Cha kết hợp ý muốn của chúng ta vào ý muốn Con của Ngài, theo gương của Đức Trinh Nữ rất Thánh và của các thánh. Chúng ta cầu xin cho ý định của tình yêu nhân hậu của Ngài  được thực hiện trọn vẹn dưới đất như đã được thực hiện trọn vẹn trên trời. Chính nhờ lời cầu nguyện này mà chúng ta có thể “nhận ra ý muốn của Thiên Chúa” (Rm 12,2) và “kiên trì thi hành thánh ý” (Dt 10,36). 


592.  Lời cầu “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” có nghĩa gì ?
2828-2834
2861
Với lòng phó thác tin tưởng của phận làm con, chúng ta xin Thiên Chúa ban lương thực hằng ngày để mọi người được sống và chúng ta công nhận Ngài là Cha chúng ta, Đấng tốt lành vượt quá mọi sự tốt lành. Chúng ta cũng xin Ngài cho biết phải hoạt động thế nào để công lý và tình liên đới buộc những ai dư đầy biết giúp đỡ các nhu cầu của những kẻ thiếu thốn.  
 
593.  Lời cầu xin này có ý nghĩa đặc thù nào cho người Kitô hữu ?
2835-2837
2861
Vì “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4), lời cầu xin này cũng bao hàm cả cơn đói khát Lời Chúa và Mình Thánh Chúa  trong Bí tích Thánh Thể, cũng như đói khát Chúa Thánh Thần. Chúng ta cầu xin những điều này với lòng tin tưởng tuyệt đối cho ngày hôm nay của Thiên Chúa. Những điều này được ban cho chúng ta đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể, một sự tham dự trước vào bàn tiệc của Vương quốc sẽ đến. 

594.   Tại sao chúng ta nói “xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” ?
2838-2839
2862
Khi xin Thiên Chúa là Cha tha thứ cho chúng ta, chúng ta nhận biết mình là kẻ tội lỗi trước mặt Ngài. Nhưng đồng thời chúng ta cũng tuyên xưng lòng thương xót của Ngài, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, “chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1, 14). Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta chỉ có thể được nhậm lời, với điều kiện là, về phần chúng ta, chúng ta phải tha thứ trước.   


595.  Làm sao có thể tha thứ được ?
2840-2845
2862
Lòng thương xót chỉ có thể đi vào tâm hồn, nếu như chính chúng ta biết tha thứ cho cả kẻ thù của mình. Dù đối với con người, điều này xem ra không thể thực hiện được, nhưng một trái tim rộng mở cho Chúa Thánh Thần sẽ có khả năng, như Chúa Giêsu, yêu thương cho đến cùng, biến đổi thương đau thành lòng trắc ẩn, và sự xúc phạm thành lời chuyển cầu.  Tha thứ chính là tham dự vào lòng khoan dung của Thiên Chúa và là một trong những đỉnh cao của kinh nguyện Kitô giáo.    


596.  “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” nghĩa là gì ?
2846-2849
2863
Chúng ta xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, đừng để chúng ta đơn độc dưới quyền lực của cơn cám dỗ. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần để biết nhận định, một đàng, giữa thử thách giúp ta tăng trưởng trong sự lành và sự cám dỗ dẫn đến tội lỗi và sự chết, và đàng khác, giữa bị cám dỗ và thuận theo cơn cám dỗ. Lời cầu xin này kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng cám dỗ bằng lời cầu nguyện của Người. Lời cầu này cũng van xin ơn tỉnh thức và bền đỗ đến cùng. 


597.  Tại sao chúng ta lại kết thúc bằng lời cầu xin “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự Dữ” ?
2850-2854
2864
Sự Dữ muốn ám chỉ một nhân vật là Satan, kẻ đối nghịch với Thiên Chúa, “kẻ chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại” (Kh 12,9). Đức Kitô đã chiến thắng ma quỷ. Nhưng chúng ta cầu xin cho cả gia đình nhân loại được giải thoát khỏi Satan và mọi việc làm của nó. Chúng ta cũng cầu xin hồng ân quí giá là sự bình an và ân sủng để kiên trì chờ đợi Đức Kitô lại đến, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự Dữ cách dứt khoát. 

598 . Chữ “Amen” cuối cùng có nghĩa là gì ?
2855-2856
2865
“Sau khi đọc kinh xong, bạn đọc Amen, nhấn mạnh lời Amen, nghĩa là ‘xin Chúa cứ làm cho con như vậy’, chúng ta quyết tâm đón nhận tất cả những điều Chúa dạy trong lời kinh này” (thánh Xyrilô thành Giêrusalem).

Các thiên thần là những thụ tạo của Thiên Chúa. Một số đông đã và vẫn luôn trung thành với Thiên Chúa, trước tôn nhan Ngài, trong sự phục vụ Ngài và Hội thánh, kết hợp với những người đã được cứu chuộc trong vinh quang thiên quốc. 

Như trong thị kiến của Giacóp về cái thang – “trên đó, các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28,12) – các thiên thần là những sứ giả năng động và tràn đầy sức lực nối kết trời với đất. Giữa Thiên Chúa và nhân loại  không có sự thinh lặng và câm nín, nhưng vẫn đối thoại  liên tục, sự hiệp thông không bao giờ ngưng trệ. Và con người, được xác định cho sự hiệp thông này, phải có một thính giác tinh thần thật linh hoạt để nghe và hiểu tiếng nói của thiên thần, sẽ gợi lên những lời tốt đẹp, những tình cảm thánh thiện, những hoạt động nhân từ, những thái độ bác ái và những liên hệ thật xây dựng. 
Đó là những gì chúng ta xin với thiên thần hộ thủ trong lời kinh nổi tiếng của đạo đức bình dân Kitô giáo.

Lạy thiên thần của Thiên Chúa,
sứ giả bảo vệ con ! 
Thiên Chúa đã gởi ngài đến để đồng hành với con.
Hãy soi sáng, che chở, hướng dẫn và dìu dắt con.
Amen.
 Hình ảnh trình bày một nhóm thiên thần không có cánh, đang cầu nguyện khi hát. Các ngài mặc những phẩm phục chói lọi thánh thiện để thấy các ngài đang thực hiện một công tác Phụng vụ trang trọng. Thật vậy, các thiên thần không những là những sứ giả được Thiên Chúa  sai đi, để thông báo ý muốn của Ngài cho con người, nhưng các ngài còn có trách vụ ca tụng Thiên Chúa trong Phụng vụ thiên quốc vĩnh cửu (x. Kh 8,2).

JAN VAN EYCK, Các thiên thần ca hát, Bức tranh ghép nhiều mảng của nhà thờ chánh tòa Gand.

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ