Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Toát Yếu
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

 

- Phần 1: Tuyên Xưng Đức Tin

- Phần 2: Cử Hành Mầu Nhiệm Kitô Giáo

- Phần 3: Đời Sống Trong Đức Kitô

- Phần 4: Kinh Nguyện Kitô Giáo

 

 

Kompendium des Katechismus der Katholischen Kirche

Bản dịch của UB Giáo Lý Ðức Tin Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

 

 

Phần III

Đời Sống Trong Đức Kitô

 


Điều mà Kinh Tin Kính tuyên xưng, các Bí tích tiếp tục trao ban. Qua các Bí tích, các tín hữu đón nhận ân sủng của Đức Kitô và hồng ân của Chúa Thánh Thần.

 

 

 

PHẦN III
ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KITÔ
 
ĐOẠN THỨ NHẤT
ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI :
ĐỜI SỐNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN
 
Đức Maria, Đấng Rất thánh (Panhagia) là kỳ công của Chúa Thánh Thần (Đấng Cực Thánh – Panhagion).

Từ lúc được thụ thai vô nhiễm cho đến khi vinh quang được rước về trời, cuộc đời của Mẹ được tình yêu Thiên Chúa nâng đỡ. Thánh Thần tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con đã làm cho Đức Maria thành một thụ tạo mới, bà Evà mới mà trái tim và tâm trí luôn hướng về sự thờ phượng và vâng phục Cha trên trời, mà Mẹ là người con gái Ngài yêu mến; khi đón nhận và phục vụ cho Chúa Con mà Mẹ chính là thân mẫu, là người môn đệ và người thân cận; khi đồng thuận và cộng tác với Chúa Thánh Thần, Mẹ trở thành Đền thờ quí giá của Ngài.

 Trong hình ảnh này, Đức Maria được các thiên thần nhạc sĩ bao quanh và mừng hát. Trên đầu của Mẹ chói sáng ánh quang tình yêu thần linh của Chúa Thánh Thần, Đấng được tượng  trưng bằng chim bồ câu. Đức Maria là Mẹ và là người Bảo trợ của Hội thánh (dưới chân Mẹ, người ta thấy một ngôi thánh đường). Nhờ sự cầu bàu từ mẫu đầy hiệu năng gần bên Chúa Giêsu, Mẹ đổ tràn trên Hội thánh ân sủng bởi trời cách phong phú (được biểu trưng bằng cây hồng đầy hoa).

 Dưới thấp, bên trái, Thánh Gioan Tông đồ, tượng trưng cho mọi người Kitô hữu, chiêm ngắm Đấng Vô nhiễm Nguyên tội và nhìn Đức Trinh Nữ diễm phúc là mẫu gương tuyệt vời, và đồng thời cũng là thầy và người hướng dẫn cho đời sống trong Chúa Thánh Thần.

 Thầy dòng Xi-tô (vào thế kỷ 12) đã suy tư về việc chia sẻ các kinh nghiệm thiêng liêng của các Tông đồ với Đức Maria. Khi so sánh các kinh nghiệm này với mười hai ngôi sao bao quanh đầu Đức Trinh Nữ diễm phúc, ngài viết : “Chúng qui tụ quanh Đức Trinh Nữ diễm phúc đầy khôn ngoan như các môn đệ vây quanh thầy của mình, để học hỏi đầy đủ hơn chân lý về các cử chỉ Mẹ đang thực hiện; chân lý mà họ phải rao giảng cho kẻ khác vào lúc cần thiết. Vì được Thiên Chúa thánh hiến và dạy dỗ, Đức Maria như cả thư viện đích thực của sự khôn ngoan thiên quốc. Vì h?ng ngày, M? dã s?ng g?n gui v?i chính s? Khơn Ngoan hi?n thân noi Ngu?i Con; Mẹ như người đồng hành cận kề, và đón nhận tất cả những gì Mẹ được nghe và được thấy vào trong tâm trí để nghiền ngẫm. (Bài giảng thứ nhất về việc Đức Maria được đón nhận lên trời)

ELGRECO, Thánh Gioan chiêm ngắm Đấng Vô nhiễm Nguyên tội, Museo de la Santa Cruz, Toledo.

357.  Đời sống luân lý của người Kitô hữu được nối kết với đức tin và các Bí tích như thế nào ?
1691-1698
Điều mà Kinh Tin Kính tuyên xưng, các Bí tích tiếp tục trao ban. Qua các Bí tích, các tín hữu đón nhận ân sủng của Đức Kitô và hồng ân của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, họ có khả năng sống đời sống mới với tư cách là con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng họ đã đón nhận trong đức tin. 

 “Hỡi người Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của bạn” (Thánh Lêô Cả).
 

 


CHƯƠNG MỘT
PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
 
Con người, hình ảnh của Thiên Chúa

358. Nền tảng phẩm giá con người là gì ?
1699-1715
Phẩm giá của con người bắt nguồn trong việc con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Được phú bẩm một linh hồn thiêng liêng và bất tử, lý trí và ý chí tự do, con người được qui hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác.  

ƠN GỌI ĐƯỢC HẠNH PHÚC

359.  Làm thế nào con người đạt tới hạnh phúc ?
1716
Con người đạt được diễm phúc nhờ ân sủng của Đức Kitô, ân sủng này cho họ được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Đức Kitô chỉ cho các môn đệ của mình con đường dẫn tới hạnh phúc vĩnh cửu : đó là các Mối phúc. Ân sủng của Đức Kitô cũng hoạt động trong tất cả những ai, dựa theo lương tâm ngay thẳng, tìm kiếm và yêu mến chân lý và điều thiện, và tránh điều ác.  
​​​​​​​ 
360.  Tại sao các Mối phúc lại quan trọng đối với chúng ta ?  
1716-1717 
1725-1726
Các Mối phúc nằm ở trung tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu. Chúng nhắc lại các lời hứa mà Thiên Chúa đã trao ban từ thời ông Ábraham và hoàn thành các lời hứa. Các Mối phúc diễn tả chính diện mạo của Chúa Giêsu, nêu lên những đặc tính đích thực của đời sống người Kitô hữu và mạc khải cho con người cùng đích hoạt động của họ : đó là hạnh phúc đời đời. 


361.  Đâu là mối liên hệ giữa các Mối phúc và lòng khao khát hạnh phúc của con người ? 
1718-1719
Các mối phúc đáp lại lòng khao khát bẩm sinh về hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn con người để lôi kéo họ về với Ngài và chỉ mình Ngài mới có thể lấp đầy lòng khao khát ấy.  


362.  Hạnh phúc đời đời là gì ?
1720-1724
1727-1729
Đó là việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu, ở đó chúng ta sẽ được trọn vẹn “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4), thông phần vinh quang của Đức Kitô và niềm vui của đời sống Ba Ngôi. Hạnh phúc đời đời vượt quá khả năng con người. Đó là một hồng ân siêu nhiên và nhưng không của Thiên Chúa, cũng như ân sủng dẫn đưa chúng ta đến đó. Hạnh phúc được hứa ban đặt chúng ta trước những chọn lựa luân lý quan trọng về của cải trần thế, thúc đẩy chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.                 

 

                                               
SỰ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI

363.  Tự do là gì ?
1730-1733
1743-1744
Tự do là khả năng Thiên Chúa ban cho con người để hành động hay không hành động, để làm việc này hay việc khác, và như vậy, tự mình đưa ra những quyết định một cách ý thức.  Tự do là nét đặc trưng của các hành vi nhân linh. Càng làm điều thiện, người ta càng tự do hơn. Tự do hướng đến sự hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, Đấng là sự thiện tối thượng và là hạnh phúc của chúng ta. Tự do cũng bao hàm khả năng lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu. Sự lựa chọn điều xấu là một lạm dụng tự do, đưa chúng ta vào vòng nô lệ tội lỗi.


364.  Đâu là mối tương quan giữa tự do và trách nhiệm ?
1734-1737
1745-1746
Vì có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ các hành vi này do chính họ muốn, cả khi việc qui trách và trách nhiệm về một hành động có thể bị giảm thiểu hoặc đôi khi bị loại bỏ, vì lý do thiếu hiểu biết, không chú ý, do áp lực, do sợ hãi, do xúc động thái quá, hoặc do các thói quen. 


365.  Tại sao mọi người có quyền thực thi tự do của mình ?
1738
1747
Mỗi người đều có quyền sử dụng tự do của mình, vì tự do không thể tách rời khỏi phẩm giá con người. Vì thế quyền này phải luôn được tôn trọng, đặc biệt trong lãnh vực luân lý và tôn giáo. Quyền tự do này phải được luật dân sự công nhận và bảo vệ, trong các giới hạn của công ích và trật tự công cộng chính đáng. 


366.  Sự tự do của con người nằm ở vị trí nào trong nhiệm cục cứu độ ?
1739-1742
1748
Sự tự do của chúng ta bị suy yếu vì tội nguyên tổ. Sự suy yếu này càng trầm trọng hơn vì các tội lỗi sau đó.  Nhưng “chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Nhờ ân sủng của Người, Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến sự tự do thiêng liêng, để làm cho chúng ta thành những cộng tác viên tự do của Người, trong Hội thánh và trong thế giới. 


367.  Đâu là nguồn gốc luân lý của hành vi nhân linh ?
1749-1754
1757-1758
Tính chất luân lý của hành vi nhân linh dựa trên ba nguồn :
-       Đối tượng được lựa chọn, nghĩa là một điều thiện đích thực hay có vẻ như thế.
-       Ý hướng của chủ thể hành động, nghĩa là mục đích khiến cho chủ thể hành động.
-       Các hoàn cảnh của hành động, bao gồm cả các hậu quả của hành động.


368.  Khi nào hành vi là tốt xét về phương diện luân lý ?
1755-1756
1759-1760
Xét về phương diện luân lý, hành vi tốt phải có cùng lúc đối tượng, ý hướng và các hoàn cảnh đều tốt. Đối tượng được chọn tự nó có thể làm cho hành vi trở thành xấu, dù có ý hướng tốt. Không được phép làm một điều xấu để đạt được một điều tốt. Một mục đích xấu có thể hủy hoại hành vi, cho dù đối tượng tự nó là tốt.

Ngược lại, một mục đích tốt không thể làm cho một hành động mà đối tượng của nó là xấu, trở thành tốt được, vì mục đích không biện minh cho các phương tiện. Các hoàn cảnh có thể làm giảm thiểu hay gia tăng trách nhiệm của tác giả hành vi, nhưng chúng không thể làm thay đổi phẩm chất luân lý của chính các hành vi. Hoàn cảnh không bao giờ có thể làm cho một hành vi tự nó là xấu trở thành tốt được. 

 
369.  Có phải có những hành vi luôn luôn không được phép làm hay không ?
1756, 1761
Có những hành vi, mà sự lựa chọn chúng luôn luôn là không được phép, vì đối tượng của chúng (chẳng hạn lộng ngôn, sát nhân và ngoại tình). Việc lựa chọn những hành vi này đã có một lệnh lạc của ý chí, nghĩa là một điều xấu luân lý; điều xấu này không thể biện minh bằng việc xét đến những điều tốt có thể rút ra từ những hành vi đó.  

 


TÍNH LUÂN LÝ CỦA CÁC ĐAM MÊ
 
370.  Các đam mê là gì ?
1762-1766 
1771-1772
Đam mê là những cảm xúc, những rung động hay những chuyển biến của sự nhạy cảm – đó là những yếu tố tự nhiên của tâm lý con người – chúng thúc đẩy con người hành động hay không hành động, theo điều được cảm nhận là tốt hoặc xấu. Những đam mê căn bản là yêu và ghét, ước muốn và sợ hãi, vui buồn và phẫn nộ. Đam mê quan trọng nhất là tình yêu, được h?p d?n b?i điều thiện. Người ta chỉ yêu điều thiện hảo, hoặc là điều thiện hảo thực sự hoặc là điều người ta tưởng là thiện hảo.  


371.  Xét về khía cạnh luân lý, đam mê tốt hay xấu ?
1767-1770
1773-1775
Vì là những rung động của khả năng cảm thụ, đam mê tự chúng không tốt và cũng chẳng  xấu. Đam mê tốt khi đưa đến những hành động tốt, và là xấu trong trường hợp nghịch lại. Các đam mê có thể được thăng hoa thành các nhân đức hay thoái hóa thành các nết xấu.            

 

                                                   
LƯƠNG TÂM LUÂN LÝ

372.  Lương tâm luân lý là gì ?
1776-1780
1795-1797
Hiện diện trong sâu thẳm lòng người, lương tâm luân lý là một phán đoán của lý trí, vào lúc cần thiết, thúc đẩy con người làm lành lánh dữ. Nhờ lương tâm luân lý, con người nhận thức được phẩm chất luân lý của một hành vi sẽ làm hay đã làm, và đảm nhận trách nhiệm về hành vi đó. Khi lắng nghe tiếng nói của lương tâm luân lý, con người khôn ngoan có thể nghe được tiếng Thiên Chúa nói với mình.


373.  Phẩm giá con người đòi buộc điều gì đối với lương tâm luân lý?
1780-1782
1798
Phẩm giá con người đòi hỏi sự ngay thẳng của lương tâm luân lý, có nghĩa là lương tâm phải phù hợp với điều công chính và tốt lành dựa theo lý trí và Lề luật của Thiên Chúa. Căn cứ vào phẩm giá nhân vị như thế, con người không thể bị ép buộc phải hành động nghịch lại với lương tâm mình, cũng như không thể bị ngăn cản, trong các giới hạn của công ích, hành động theo lương tâm mình, nhất là trong lãnh vực tôn giáo.  


374.  Làm sao đào tạo lương tâm ngay thẳng và chân thật ?
1783-1788
1799-1800
Lương tâm luân lý ngay thẳng và chân thật được đào tạo qua giáo dục, qua việc thấm nhu?n Lời Chúa và các giáo huấn của Hội thánh. Lương tâm luân lý được các hồng ân Chúa Thánh Thần nâng đỡ và được các lời khuyên bảo của những người khôn ngoan trợ giúp. Ngoài ra, cầu nguyện và xét mình cũng đóng góp rất nhiều vào việc đào tạo luân lý. 

 
375.  Đâu là những quy tắc mà lương tâm luôn phải theo ?
1789
Có ba qui tắc căn bản : 1) Không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt; 2) Luật vàng: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12); 3) Đức ái Kitô giáo luôn đòi hỏi tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ, mặc dù điều đó không có nghĩa là chấp nhận một điều xấu khách quan như là một điều tốt.   


376.  Lương tâm có thể đưa ra những phán đoán sai lầm không ?
1790-1794
1801-1802
Con người phải luôn tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình; nhưng lương tâm cũng có thể đưa ra những phán đoán sai lầm, vì không phải lúc nào người ta cũng tránh được lầm lỗi của mình. Tuy nhiên, người ta không thể qui trách nhiệm cho người thực hiện điều xấu vì sự thiếu hiểu biết ngoài ý muốn, cả khi đó là một điều xấu khách quan. Chính vì thế, con người phải vận động hết mọi khả năng để giúp lương tâm luân lý tránh khỏi những sai lầm.         

 

                          
CÁC NHÂN ĐỨC
 
377.  Nhân đức là gì ?
1803, 1833
Nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện. “Mục đích của một đời sống nhân đức là trở nên giống Thiên Chúa” (thánh Grêgôriô thành Nyssa). Có những đức tính nhân bản và những nhân đức đối thần. 


378.  Các đức tính nhân bản là gì ?
1804
1810-1811
1834, 1839
Các đức tính nhân bản là xu hướng thường xuyên và kiên trì của lý trí và ý chí nhằm điều chỉnh hành vi của chúng ta, điều tiết các đam mê và hướng dẫn nếp sống chúng ta cho phù hợp với lý trí và đức tin. Nhờ đạt được và củng cố thường xuyên bằng các hành vi luân lý tốt, các đức tính nhân bản được ân sủng Thiên Chúa thanh luyện và nâng cao.   

 
379.  Các đức tính nhân bản chính là gì ?
1805
1834
Đó là các đức tính được gọi là các đức tính “căn bản.” Tất cả các nhân đức khác đều qui tụ quanh các đức tính này và tạo thành nền tảng cho đời sống đạo đức. Đó là : khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ.  


380.  Khôn ngoan là gì ?       
1806
1835
Khôn ngoan là đức tính giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định điều thiện đích thực và chọn lựa những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó. Sự khôn ngoan hướng dẫn các đức tính khác, bằng cách chỉ ra cho chúng luật lệ và mức độ của chúng.  

                       
381.  Công bằng là gì ?
1807
1836
Công bằng là đức tính luân lý thể hiện qua quyết tâm trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là “nhân đức thờ phượng”. 

 
382.  Can đảm là gì ?
1808
1837

Can đảm là đức tính luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời; can đảm có thể đưa đến khả năng dám hy sinh chính mạng sống để bảo vệ một điều công chính. 


383.  Tiết độ là gì ?
1809
1838
Tiết độ là đức tính luân lý giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú, sử dụng chừng mực các của cải trần thế, giúp ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế các ham muốn trong giới hạn chính đáng.

 
384.  Các nhân đức đối thần là gì ?
1812-1813
1840-1841
Các nhân đức đối thần là những nhân đức có chính Thiên Chúa là nguồn gốc, động lực và đối tượng trực tiếp. Các nhân đức này được phú bẩm trong con người cùng với ân sủng thánh hóa, giúp con người có khả năng sống tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi. Các nhân đức đối thần tạo nền móng và động lực cho hành vi luân lý của người Kitô hữu, làm sinh động các đức tính nhân bản. Chúng là bảo chứng cho sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các khả năng của con người.   


385.  Các nhân đức đối thần là những nhân đức nào ?
1813
Các nhân đức đối thần gồm có : đức tin, đức cậy và đức mến. 


386.  Đức tin là gì ?
1814-1816
1842
Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã mạc khải cho chúng ta và những gì Hội thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa là chính Chân lý. Bằng đức tin, con người phó thác bản thân mình một cách tự do cho Thiên Chúa. Vì thế người tin tìm kiếm để nhận biết và thi hành ý muốn của Ngài, vì “đức tin hoạt động nhờ đức ái” (Gl 5,6). 


387.  Đức cậy là gì ?
1817-1821
1843
Đức cậy là nhân đức đối thần giúp chúng ta khao khát và mong chờ Thiên Chúa ban cho chúng ta đời sống vĩnh cửu là hạnh phúc của chúng ta, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ơn Chúa Thánh Thần để xứng đáng hưởng đời sống vĩnh cửu và kiên trì cho đến hết cuộc đời trần thế.   

 
388.  Đức ái là gì ?
1822-1829
1844
Đức ái là nhân đức đối thần giúp chúng ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và bởi tình yêu đối với Thiên Chúa, chúng ta yêu thương người khác như chính mình. Chúa Giêsu lấy đức ái làm giới răn mới, là sự viên mãn của Lề luật. Đức ái là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14), là nền tảng của các nhân đức khác mà nó làm cho sinh động, gợi hứng và ra lệnh. Không có đức ái, “tôi sẽ chẳng là gì cả và . . . chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-3). 


389.  Các ơn Chúa Thánh Thần là gì ?
1830-1831
1845
Các ơn Chúa Thánh Thần là những xu hướng thường trực giúp cho con người ngoan ngoãn theo những linh ứng của Thiên Chúa. Có bảy ơn Chúa Thánh Thần : khôn ngoan, thông minh, mưu lược, dũng cảm, hiểu biết, hiếu thảo và kính sợ Thiên Chúa.  


390.  Những hoa trái của Chúa Thánh Thần là gì ?
1832
Những hoa trái của Chúa Thánh Thần là những điều thiện hảo được khắc ghi trong chúng ta như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền thống Hội thánh đưa ra mười hai hoa trái của Chúa Thánh Thần : “Bác ái, hoan lạc, an bình, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết” (Gl 5,22-23).

 


TỘI LỖI
 
391.  Để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì ?
1846-1848
1870
Để có thể đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải nhìn nhận và thống hối các tội lỗi của mình. Chính Thiên Chúa, qua Lời và Thánh Thần của Ngài, giúp chúng ta thấy rõ tội lỗi của mình, ban cho chúng ta lương tâm ngay thẳng và niềm hy vọng vào ơn tha thứ. 


392.  Tội là gì ?
1849-1851
1871-1872
Tội là “một lời nói, hành vi hoặc ước muốn trái nghịch với Luật vĩnh cửu” (thánh Augustinô). Tội là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa, không vâng phục tình yêu của Người. Tội gây thương tích cho bản tính của con người và làm thương tổn đến tương quan giữa con người. Qua cuộc Tử nạn, Đức Kitô cho thấy rõ ràng tích chất trầm trọng của tội và đã chiến thắng nó bằng lòng thương xót của Người. 


393.  Có nhiều loại tội hay không ?
1852-1853
1873
Có rất nhiều loại tội. Các tội có thể được phân biệt theo đối tượng của chúng hoặc theo các nhân đức hay các giới răn, mà tội đối nghịch. Người ta còn có thể phân biệt tội theo tương quan trực tiếp của chúng với Thiên Chúa, với tha nhân hoặc với chính bản thân. Ngoài ra, người ta cũng có thể phân biệt tội trong tư  tưởng, lời nói, việc làm và việc bỏ sót không làm. 


394.  Người ta phân biệt tội theo tính chất trầm trọng của chúng như thế nào ?
1854
Người ta phân biệt tội trọng và tội nhẹ. 


395.  Khi nào người ta phạm tội trọng ?
1855-1861
1874
Người ta phạm tội trọng khi cùng lúc có chất liệu nặng, ý thức đầy đủ, và tự ý ưng thuận. Tội trọng phá huỷ đức mến trong chúng ta, cướp đi ân sủng thánh hoá và dẫn chúng ta đến cái chết đời đời trong hỏa ngục nếu không sám hối. Tội trọng được tha thứ cách thông thường nhờ Bí tích Rửa tội và Bí tích Thống hối, còn gọi là Bí tích Hòa giải.  


396.  Khi nào người ta phạm tội nhẹ ?
1862-1864
1875
Khác biệt cách triệt để với tội trọng, người ta phạm tội nhẹ khi chất liệu là nhẹ, hoặc thậm chí chất liệu là nặng, nhưng không có đầy đủ ý thức hay không hoàn toàn ưng thuận. Tội nhẹ không cắt đứt tương quan với Thiên Chúa, nhưng làm suy yếu đức mến. Tội nhẹ biểu lộ lòng quyến luyến lệch lạc đối với của cải trần thế, ngăn cản sự tiến triển của linh hồn trong việc thực hành nhân đức và trong việc thực thi điều thiện luân lý. Tội nhẹ đáng chịu những hình phạt tạm thời để thanh luyện.              

   
397.  Tội sinh sôi nảy nở nơi chúng ta như thế nào ?
1865, 1876
Tội tạo nên xu hướng về tội, và do việc lặp đi lặp lại cùng một hành vi, sẽ tạo nên thói xấu. 


398.  Các thói xấu là gì ?
1866-1867
Đối nghịch với các nhân đức, các thói xấu là những thói quen lệch lạc làm mờ tối lương tâm và hướng chiều về điều xấu. Các thói xấu có thể ghép lại thành bảy mối tội đầu : kiêu ngạo, hà tiện, ganh tị, nóng giận, dâm dục, mê ăn uống, và lười biếng. 


399.  Chúng ta có trách nhiệm gì đối với tội người khác không ?
1868
Chúng ta có trách nhiệm đối với tội của người khác, khi chúng ta cộng tác cách có lỗi vào tội đó. 


400.  Các cơ cấu của tội là gì ?
1869
Các cơ cấu của tội là những hoàn cảnh xã hội hay những tổ chức nghịch lại với Luật Thiên Chúa; chúng là những biểu lộ và là hậu quả của các tội cá nhân. 

 

 


CHƯƠNG HAI
CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI
 
CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI
 
401.  Chiều kích xã hội của con người hệ tại điều gì ?
1877-1880
1890-1891
Con người không những được kêu gọi theo từng cá nhân để hưởng hạnh phúc, nhưng còn có một chiều kích xã hội, tạo thành một yếu tố căn bản của bản chất cũng như ơn gọi của mình. Thật vậy, tất cả mọi người đều được kêu gọi đến cùng một mục đích là chính Thiên Chúa. Có một sự tương tự nào đó giữa sự hiệp thông các Ngôi Vị Thiên Chúa với tình huynh đệ mà con người phải thiết lập với nhau, trong chân lý và tình yêu. Tình yêu đối với tha nhân không thể tách rời khỏi tình yêu đối với Thiên Chúa. 


402.  Đâu là mối tương quan giữa cá nhân với xã hội ?
1881-1882
1892-1893
Nguyên lý, chủ thể và mục đích của tất cả các định chế xã hội là và phải là con người . Một số cộng đồng, chẳng hạn như gia đình và tập thể dân sự, rất cần thiết cho con người. Các hiệp hội khác cũng hữu ích cho con người, cả trên bình diện quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế, nhưng phải tôn trọng nguyên tắc hỗ trợï.


403.  Nguyên tắc hỗ trợ là gì ?
1883-1885
1894
Nguyên tắc này có nghĩa là một cộng đồng ở cấp độ cao hơn không được thâu tóm các phận vụ thuộc cộng đồng ở cấp độ thấp hơn, đến độ cướp mất thẩm quyền của cộng đồng cấp thấp này. Đúng hơn, cộng đồng cấp cao phải nâng đỡ cộng đồng cấp thấp trong trường hợp cần thiết. 


404.  Một cộng đồng nhân loại đích thực còn đòi buộc điều gì khác nữa ?
1886-1889
1895-1896
Cộng đồng nhân loại đích thực đòi buộc phải tôn trọng sự công bằng, một bậc thang giá trị đúng đắn, các chiều kích thể lý và bản năng phải phụ thuộc các chiều kích nội tâm và tinh thần. Đặc biệt, nơi nào tội lỗi làm băng hoại môi trường xã hội, phải kêu gọi sám hối tâm hồn và kêu cầu đến ân sủng của Thiên Chúa, để có thể thay đổi xã hội hầu thực sự phục vụ cho tất cả mọi người và từng cá nhân. Đức ái là giới răn cao cả nhất mang tính xã hội, vì đòi buộc sự công bằng và giúp thực hiện sự công bằng.    

 

 


THAM DỰ VÀO ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

405.  Quyền bính trong xã hội được đặt trên nền tảng nào ?
1897-1902
1918-1920
Mọi cộng đồng nhân loại đều cần có một quyền bính hợp pháp để bảo đảm trật tự và góp phần vào việc phục vụ công ích. Quyền bính này đặt nền tảng trên bản tính con người, vì  phù hợp với trật tự được Thiên Chúa thiết lập. 


406.  Khi nào quyền bính được thực thi hợp pháp ?
1901
1903-1904
1921-1922
Quyền bính được thực thi cách hợp pháp khi hoạt động vì công ích và sử dụng các phương tiện hợp pháp về mặt luân lý để đạt được công ích ấy. Vì thế, các thể chế chính trị phải được thiết lập do quyết định tự do của các công dân và họ phải tuân giữ nguyên tắc “Nhà nước pháp chế,” trong đó luật pháp là tối thượng chứ không phải ý muốn độc đoán của một số người. Các luật  lệ bất công và các biện pháp trái nghịch với trật tự luân lý không bó buộc lương tâm con người.  

 

407.  Công ích là gì ?
1905-1906
1924
Công ích được hiểu là toàn thể những điều kiện của đời sống xã hội cho phép các nhóm và các cá nhân đạt tới sự hoàn hảo của mình. 


408.  Công ích bao gồm những điều gì ?
1907-1909
1925
Công ích bao gồm : sự tôn trọng và cổ võ các quyền lợi căn bản của con người, việc phát triển các lợi ích tinh thần và vật chất của con người cũng như của xã hội, hoà bình và an ninh cho tất cả mọi người.

 
409.  Ở đâu công ích được thực hiện một cách đầy đủ nhất ?
1910-1912
1927
Công ích được thực hiện cách đầy đủ nhất trong các cộng đồng chính trị nào biết bảo vệ và cổ võ thiện ích cho các công dân và các tổ chức trung gian, mà không quên thiện ích phổ quát của gia đình nhân loại.

410.  Con người tham gia vào việc thực hiện công ích như thế nào ?
1913-1917
1926
Tuỳ theo địa vị và vai trò đảm nhận, mỗi người phải góp phần vào việc cổ võ công ích : bằng việc tôn trọng các luật công bằng, và dấn thân vào những lãnh vực mà cá nhân họ có trách nhiệm, như chăm sóc gia đình và dấn thân trong công việc của mình. Trong khả năng của mình, các công dân cũng phải tích cực tham gia vào đời sống công cộng.      

 

 

                                                
CÔNG BẰNG XÃ HỘI
 
411.  Làm thế nào  xã hội bảo đảm được công bằng xã hội ?
1928-1933
1943-1944
Xã hội bảo đảm công bằng xã hội khi tôn trọng phẩm giá và những quyền lợi con người; đó chính là mục đích thực sự của xã hội. Ngoài ra, xã hội tìm kiếm công bằng xã hội, là điều liên hệ đến công ích và việc thực thi quyền hành, khi xã hội tạo điều kiện để các hiệp hội và các cá nhân đạt được những gì thuộc về quyền lợi của họ. 


412.  Đâu là nền tảng sự bình đẳng giữa người với người ?          
1934-1935
1945
Mọi người đều được hưởng sự bình đẳng về phẩm giá và những quyền lợi căn bản, vì họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa duy nhất và được ban cho một linh hồn có lý trí. Họ có chung một bản tính và một nguồn gốc, và được mời gọi chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa trong Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất.

 
413.  Chúng ta đánh giá những bất bình đẳng giữa con người như thế nào ?  
1936-1938
1946-1947
Có những sự bất bình đẳng về mặt kinh tế và xã hội ảnh hưởng trên hàng triệu con người. Những bất bình đẳng này đi ngược lại cách công khai với Phúc Âm và đối nghịch với công bằng, với phẩm giá con người và với hòa bình. Nhưng cũng có những khác biệt giữa con người, do những nhân tố khác nhau thuộc kế hoạch của Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa muốn rằng người này nhận ở người kia những gì họ cần thiết và những ai có những “nén bạc” đặc biệt, nên chia sẻ với những người khác. Những sự khác biệt này khuyến khích và thường bắt buộc con người phải sống hào hiệp, nhân từ và chia sẻ. Chúng thúc đẩy các nền văn hóa làm phong phú lẫn nhau. 


414.  Tình liên đới nhân loại được biểu lộ như thế nào ?
1939-1942
1948
Xuất phát từ tình huynh đệ nhân bản và Kitô giáo, tình liên đới trước hết được biểu lộ trong việc phân phối hợp lý các của cải, trong việc trả lương lao động một cách công bằng và trong việc dấn thân cho một trật tự xã hội công bằng hơn. Nhân đức liên đới được thực hiện qua việc chia sẻ các của cải tinh thần của đức tin, điều này còn quan trọng hơn là các của cải vật chất. 

 

 


CHƯƠNG BA
ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA : LỀ LUẬT  VÀ ÂN SỦNG

LUẬT  LUÂN  LÝ
 
415.  Luật luân lý là gì ?
1950-1953
1975-1978
Luật luân lý là công trình khôn ngoan của Thiên Chúa, chỉ cho con người những con đường và qui luật sống, dẫn đến hạnh phúc Thiên Chúa đã hứa, và ngăn cấm những nẻo đường đưa con người xa lìa Thiên Chúa. 


416.  Luật luân lý tự nhiên hệ tại điều gì ?
1954-1960
1978-1979
Được Đấng Sáng Tạo khắc ghi trong tâm hồn mọi người, luật tự nhiên hệ tại việc tham dự vào sự khôn ngoan và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Luật tự nhiên diễn tả cảm thức luân lý nguyên thủy, giúp con người sử dụng lý trí để phân định điều tốt điều xấu. Luật tự nhiên mang tính phổ quát và bất biến, đặt nền tảng cho các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của con người, cũng như của cộng đồng nhân loại và của chính luật dân sự. 


417.  Mọi người có nhận thức được luật tự nhiên không ?
1960
Vì tội lỗi, mọi người không thể nhận thức luật tự nhiên cách rõ ràng và trực tiếp như nhau.  
Vì vậy, “Thiên Chúa đã viết trên các bảng Luật, tất cả những gì mà con người không đọc nổi trong tâm hồn họ” (thánh Augustinô).

418.  Tương quan giữa luật tự nhiên và Luật Cựu Ước như thế nào ?
1961-1962
1980
Luật Cựu Ước là cấp độ đầu tiên của Luật mạc khải, trình bày nhiều chân lý mà lý trí tự nhiên có thể đạt tới; những chân lý này được củng cố và chính thức hóa trong các Giao ước cứu độ. Các qui định luân lý của chúng được tóm lại trong Mười điều răn, đặt nền tảng cho ơn gọi của con người. Các qui định này ngăn cấm những gì nghịch lại tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, và ấn định những đòi hỏi căn bản của tình yêu ấy. 

   
419.  Luật Cựu Ước có vị trí nào trong kế hoạch cứu độ ?
1963-1964
1982
Luật Cựu Ước giúp chúng ta nhận biết nhiều chân lý mà lý trí có thể đạt được. Luật Cựu Ước chỉ cho thấy điều người ta phải làm hay không được phép làm, và nhất là, như một nhà sư phạm khôn ngoan, chuẩn bị con người sám hối để đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, dù thánh thiện, thiêng liêng và tốt lành, Luật Cựu Ước vẫn bất toàn, vì tự nó không ban sức mạnh và ân sủng của Chúa Thánh Thần để giúp người ta tuân giữ nó. 


420.  Luật Mới hay Luật Tin Mừng là gì ?
1965-1972
1983-1985
Luật Mới hay Luật Tin Mừng được Đức Kitô rao giảng và thực hiện, là sự viên mãn và hoàn thành Luật Thiên Chúa, tự nhiên và mạc khải. Luật Mới được tóm kết trong giới răn mến Chúa yêu người, “yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta”. Luật Mới cũng là một thực tại trong thâm tâm con người, đó là ân sủng của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có thể thực hiện một tình yêu như thế. Đó là “luật tự do” (Gc 1,25), hướng dẫn chúng ta mau mắn hành động dưới sự thúc đẩy của tình yêu.   
“Trước tiên, Luật Mới là  ân sủng của Chúa Thánh Thần, được ban cho các tín hữu trong Đức Kitô” (thánh Tôma Aquinô). 


421.  Chúng ta gặp được Luật Mới ở đâu ?
1971-1974
1986
Chúng ta gặp được Luật Mới trong suốt cuộc đời và lời rao giảng của Đức Kitô, cũng như trong huấn giáo luân lý của các Tông đồ. Bài giảng trên núi là cách diễn tả chính yếu của luật này.

 

 

   
ÂN SỦNG VÀ CÔNG CHÍNH HOÁ
 
422.  Công chính hoá là gì ?
1987-1995
2017-2020
Công chính hoá là công trình tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa. Đó là hành động nhân từ và nhưng không của Thiên Chúa, Đấng tha thứ tội lỗi cho chúng ta và làm cho chúng ta nên công chính, thánh thiện trong con người chúng ta. Điều đó được thực hiện bằng ân sủng của Chúa Thánh Thần, ân sủng đó được dành sẵn cho chúng ta nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô, và được trao ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa tội. Việc công chính hóa mở đường cho lời đáp trả tự do của con người, nghĩa là cho đức tin vào Đức Kitô và cho sự cộng tác với ân sủng của Chúa Thánh Thần.  


423.  Ân sủng công chính hóa chúng ta là gì ?
1996-1998,
2005
2021
Ân sủng là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban giúp chúng ta tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và có khả năng hành động vì tình yêu dành cho Ngài. Ân sủng được gọi là ơn thường sủng, ơn thánh hóa hay ơn thần hóa, vì ân sủng thánh hóa và thần hóa chúng ta. Ân sủng siêu nhiên, vì tùy thuộc hoàn toàn vào sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa và vượt quá mọi khả năng của lý trí và sức lực con người. Vì vậy, ân sủng vượt khỏi kinh nghiệm của chúng ta. 


424.  Các loại ân sủng khác là gì ?
1999-2000
2003-2004
2023-2024
Ngoài ơn thường sủng, còn có ơn hiện sủng (ân sủng tùy hoàn cảnh), các ơn Bí tích (ân sủng đặc biệt của mỗi Bí tích), các ân sủng đặc biệt hay đặc sủng (có mục đích là sự thiện ích của Hội thánh), trong đó có ơn chức phận, là ơn đi kèm theo việc thi hành các thừa tác vụ trong Hội thánh và các trách nhiệm của đời sống.   


425.  Đâu là tương quan giữa ân sủng với tự do con người ?
2001-2002
Ân sủng dọn đường, chuẩn bị và khơi dậy lời đáp trả tự do của con người. Ân sủng thỏa mãn những khát vọng thâm sâu của sự tự do con người, mời gọi tự do cộng tác, và hướng dẫn tự do đến sự toàn thiện. 


426.  Công phúc là gì ?
2006-2010
2025-2026
Công phúc là điều đem lại quyền được thưởng cho một hành động tốt. Trong những liên hệ với Thiên Chúa, con người tự mình không có gì được gọi là công phúc, vì họ lãnh nhận tất cả từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa cho con người khả năng lập công nhờ kết hợp vào đức ái của Đức Kitô, nguồn mạch các công phúc của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, công phúc của những việc lành trước hết là do ân sủng của Thiên Chúa, thứ đến mới do ý chí tự do của con người.


427.  Chúng ta có thể lập công để lãnh nhận những điều thiện hảo nào  ?
2010-2011
2027
Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể lập công để lãnh nhận, cho chính mình và cho người khác, những ân sủng hữu ích cho việc thánh hoábản thân và cho việc đạt tới đời sống vĩnh cửu, cũng như của cải vật chất cần thiết cho chúng ta, theo kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không ai có thể lập công để lãnh nhận ân sủng đầu tiên, là ân ban lúc khởi đầu để sám hối và được nên công chính.  


428.  Có phải mọi người đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện Kitô giáo không ?
2012-2016
2028-2029
Mọi tín hữu đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện Kitô giáo. Sự thánh thiện này là sự viên mãn của đời sống Kitô hữu, sự toàn hảo của tình yêu, được thực hiện trong việc kết hợp mật thiết với Đức Kitô và, trong Người, với Thiên Chúa Ba Ngôi. Con đường nên thánh của người Kitô hữu, sau khi kinh qua thập giá, sẽ được hoàn thành trong cuộc phục sinh chung cuộc của những người công chính, trong đó “Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài.”  

 

 


GIÁO HỘI, MẸ VÀ THẦY
 
429.  Hội thánh nuôi dưỡng đời sống luân lý của người Kitô hữu như thế nào ?
2030-2031
2047
Hội thánh là cộng đoàn các người Kitô hữu. Trong Hội thánh, họ đón nhận lời Chúa và những giáo huấn về “Luật của Đức Kitô” (Gl 6,2), lãnh nhận ân sủng các Bí tích, kết hợp bản thân vào hy lễ Thánh Thể của Đức Kitô, để đời sống luân lý của họ trở thành một phượng tự thiêng liêng. Trong Hội thánh, họ học gương thánh thiện của Đức Trinh Nữ Maria và của các thánh.


430.  Tại sao Huấn quyền Hội thánh can thiệp vào lãnh vực luân lý ?
2032-2040
2049-2051
Trách nhiệm của Huấn quyền Hội thánh là rao giảng đức tin để mọi người tin và áp dụng vào đời sống cụ thể. Trách nhiệm này cũng bao gồm cả những giới luật đặc thù của luật tự nhiên, bởi vì tuân giữ những giới luật đó rất cần thiết cho ơn cứu độ. 


431.  Các điều răn của Hội thánh có mục đích gì ?
2041
2048
Năm điều răn của Hội thánh có mục đích bảo đảm cho người tín hữu những điều tối thiểu thiết yếu về tinh thần cầu nguyện, đời sống Bí tích, dấn thân luân lý và tăng trưởng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.


432.  Năm điều răn của Hội thánh là gì ?
2042-2043
Năm điều răn của Hội thánh là:

1) tham dự Thánh lễ Chúa nhật cũng như các ngày lễ buộc, kiêng việc xác và những hoạt động có thể cản trở việc thánh hoá những ngày đó;

2) xưng tội để lãnh nhận Bí tích Giao hoà ít là mỗi năm một lần;

3) Rước lễ ít là trong mùa Phục sinh;

4) Kiêng thịt và giữ chay trong những ngày Hội thánh quy định;

5) Mỗi người theo khả năng, đóng góp cho các nhu cầu vật chất của Hội thánh. 


433.  Tại sao đời sống luân lý của người Kitô hữu rất cần thiết để loan báo Tin Mừng ?
2044-2046
Nhờ đời sống luân lý phù hợp với Chúa Giêsu, các người Kitô hữu lôi kéo mọi người tin vào Thiên Chúa thật; họ xây dựng Hội thánh; đem tinh thần Phúc Âm vào giữa lòng đời và chuẩn bị cho Nước Thiên Chúa đến. 

 

 


ĐOẠN THỨ HAI
MƯỜI ĐIỀU RĂN

Một anh thanh niên đã hỏi Chúa Giêsu câu này : “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?” Chúa Giêsu trả lời anh ta : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,17.21) 
Việc “Theo Chúa Giêsu” đòi buộc chúng ta phải tuân giữ các điều răn. Luật Cũ không bị bỏ đi, nhưng chúng ta được mời gọi tìm lại luật đó trong con người của vị Thầy chí thánh, Đấng thực hiện Lề luật cách trọn hảo ngay trong bản thân mình, khi mạc khải trọn vẹn ý nghĩa và xác nhận giá trị tồn tại của nó. 

 
Hình ảnh của đoạn này trình bày Chúa  Giêsu đang dạy các môn đệ Bài giảng trên núi (x. Mt 5-7). Những yếu tố quan trọng nhất của bải giảng này chính là : Tám mối phúc thật, việc hoàn thiện Luật Cũ, kinh Lạy Cha, những hướng dẫn về chay tịnh, lời mời gọi các môn đệ trở thành muối đất và ánh sáng thế gian.
Núi nằm ở vị trí cao hơn mặt đất và gần trời hơn, cho thấy đó là một nơi thích hợp nhất để gặp gỡ Thiên Chúa. Chúa Giêsu như vị Thầy, ngồi trên tảng đá như bục giảng ở vị trí thật tốt, với ngón trỏ bàn tay phải hướng lên trời, để chỉ xuất xứ thần linh của các lời nói của Người về cuộc sống và hạnh phúc. Cuộn giấy Người cầm nơi bàn tay trái cho thấy giáo huấn trọn vẹn của Người, giáo huấn mà Người gởi gấm cho các Tông đồ một cách tin tưởng; Người mời gọi họ rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc, Rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. 


Mười hai Tông đồ, ngồi vòng quanh như một mũ triều dưới chân Thầy, mỗi người đều có hào quang trên đầu để chỉ sự trung tín với Chúa Giêsu và chứng tá về sự thánh thiện trong Hội thánh. Một người, hơi bị khuất bên phía mặt, có một vòng đen, nói lên sự bất trung đối với Tin Mừng. Lời công bố Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu không phải là những lời trống rỗng và bất định, nhưng đầy hiệu năng và trường tồn. Về điểm này, chúng ta đọc được đoạn nói về người bất toại ở Capharnaum, được ba Phúc Âm Nhất Lãm trình thuật, rất có ý nghĩa :
“Chúa Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Và kìa, người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Chúa Giêsu bảo người bại liệt : “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi !” Và kìa mấy kinh sư nghĩ bụng rằng : “Ông này nói phạm thượng.” Nhưng Chúa Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói : “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy ? Trong hai điều : một là bảo : “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo : “Đứng dậy mà đi” điều nào dễ hơn ? Vậy để  các ông biết : ở dưới đấy này, Con Người có quyền tha tội – bấy giờ Chúa Giêsu bảo người bại liệt : “Hãy đứng dậy, vác giường mà về nhà đi !” (Mt 9,1-6). 
Trong sự kiện này, việc chữa lành về mặt thể lý là phương diện khả giác của phép lạ thiêng liêng về việc giải phóng khỏi tội lỗi. Chữa lành và tha thứ vẫn là những cử chỉ tiêu biểu cho việc giáo dục của Chúa  Giêsu, vị Thầy thần linh.
FRA ANGELICO, Bài giảng trên núi, Bảo tàng việnThánh Marco, Florence. 

 


Xuất hành 20, 2-17
 
“Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. 
Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. 
Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.  
Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ : vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. 
Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Ngài  một cách bất xứng. 
Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Ngài đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh. 
Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. 
Ngươi không được giết người. 
Ngươi không được ngoại tình. 
Ngươi không được trộm cắp. 
Ngươi không được làm chứng gian hại người. 
Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.” 


Đệ nhị luật 5, 6-21
 
“Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. 


Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.  
Ngươi không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ : vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. 


Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Ngài một cách bất xứng. 


Ngươi hãy giữ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi, cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc của ngươi, và ngoại kiều ở trong thành của ngươi, để tôi tớ nam nữ của ngươi được nghỉ như ngươi. Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai-cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sa-bát. 


Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi. 
Ngươi không được giết người. 
Ngươi không được ngoại tình. 
Ngươi không được trộm cắp. 
Ngươi không được làm chứng dối hại người.  
Ngươi không được ham muốn vợ người ta, ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.”

 


Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn
 
Thứ nhứt, thờ phượng Đức Chúa Trời và kính mến Ngài  trên hết mọi sự.
Thứ hai, chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
Thứ ba, giữ ngày Chúa Nhật,
Thứ bốn, thảo kính cha mẹ,
Thứ năm, chớ giết người,
Thứ sáu, chớ làm sự dâm dục,
Thứ bảy, chớ lấy của người,
Thứ tám, chớ làm chứng dối,
Thứ chín, chớ muốn vợ chồng người,
Thứ mười, chớ tham của người


434.  “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?” (Mt 19,16)
2052-2054
2075-2076
Khi người thanh niên hỏi câu này, Chúa Giêsu trả lời : “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn,” rồi Người thêm : “Hãy đến theo Tôi” (Mt 19, 16-21). Việc theo Chúa Giêsu bao gồm cả việc tuân giữ các điều răn. Lề luật không bị phá bỏ, nhưng chúng ta được mời gọi tìm lại Lề luật nơi Con người của Vị Tôn sư thần linh của mình, Đấng thực thi trọn vẹn Lề luật nơi chính mình, Đấng mạc khải trọn vẹn ý nghĩa của Lề luật, và chứng nhận tính trường tồn của Lề luật. 


435.  Chúa Giêsu giải thích Lề luật thế nào ?
2055
Chúa Giêsu giải thích Lề luật dưới ánh sáng của giới răn yêu thương duy nhất nhưng có hai vế, là sự viên mãn của Lề luật : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách tiên tri đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40). 


436.  “Mười điều răn” nghĩa là gì ?
2056-2057
“Mười điều răn” có nghĩa là “mười lời” (Xh 34, 28), tóm tắt Lề luật do Thiên Chúa ban cho dân Israel trong bối cảnh của Giao ước qua trung gian Môsê. Khi trình bày các giới răn về tình yêu đối với Thiên Chúa (ba giới răn đầu) và đối với tha nhân (bảy giới răn sau), Mười điều răn vạch ra cho dân Chúa và từng người con đường dẫn đến cuộc sống được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi .


437.  Liên hệ giữa Mười điều răn với Giao ước như thế nào ?
2058-2063
2077
Mười điều răn phải được hiểu dưới ánh sáng của Giao uớc; trong ánh sáng đó Thiên Chúa tự mạc khải và cho biết ý muốn của Ngài. Bằng việc tuân giữ các giới răn, dân Chúa muốn nói lên sự lệ thuộc của mình vào Thiên Chúa và đáp lại sáng kiến yêu thương của Ngài với lòng biết ơn.


438.  Hội thánh dành cho Mười điều răn tầm quan trọng nào ?
2064-2068
Trung thành với Thánh Kinh và với gương của Chúa Giêsu, Hội thánh nhìn nhận Mười điều răn có tầm quan trọng và ý nghĩa hàng đầu. Các người Kitô hữu buộc phải tuân giữ Mười điều răn.  


439.  Tại sao Mười điều răn tạo thành một thể thống nhất ?
2069
2079
Mười điều răn tạo thành một thể thống nhất và không thể phân chia, vì mỗi giới răn đều liên kết với các giới răn khác và với toàn thể Mười điều răn. Vì vậy, vi phạm một giới răn là vi phạm toàn bộ Lề luật.


440.  Tại sao Mười điều răn đòi buộc một cách nghiêm trọng ?
2072-2073,
2081
Bởi vì Mười điều răn trình bày những trách nhiệm căn bản của con người đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. 


441.  Chúng ta có khả năng tuân giữ Mười điều răn không ?
2074
2082
Thưa có, vì Đức Kitô, Đấng mà không có Người chúng ta không thể làm được việc gì, ban cho chúng ta có khả năng tuân giữ Mười điều răn, nhờ hồng ân Thánh Thần và ân sủng của Người.

 



CHƯƠNG MỘT
“NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI
HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI”


ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT :
TA LÀ ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI.
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC CÓ THẦN NÀO KHÁC .

442.  Lời tuyên bố của Thiên Chúa : “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Xh 20,2) bao hàm điều gì ?
2083-2094
2133-2134
Đối với người tín hữu, câu này buộc phải giữ và thực hành ba nhân đức đối thần, tránh các tội nghịch lại những nhân đức ấy. - Đức tin giúp tin tưởng vào Thiên Chúa và loại trừ những gì trái ngược, chẳng hạn như cố tình nghi ngờ, cứng tin, lạc giáo, bội giáo, ly giáo. - Đức cậy  giúp tin tưởng chờ đợi sự hưởng kiến Thiên Chúa và ơn phù trợ của Ngài, tránh sự ngã lòng và tự phụ. - Đức mến giúp yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và phải loại trừ tội lãnh đạm, vô ơn, nguội lạnh, lười biếng hoặc uể oải tinh thần, và tội oán ghét Thiên Chúa phát sinh từ kiêu ngạo. 


443.  Lời Chúa truyền “Ngươi phải thờ phượng một mình Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài  mà thôi”  gồm những điều gì  ?
2095-2105
2135-2136
Câu này buộc phải thờ lạy Thiên Chúa là Chúa tể của tất cả những gì hiện hữu; phải tôn thờ Ngài xứng đáng với tư cách cá nhân hay tập thể; phải cầu nguyện bằng những lời ca ngợi, tạ ơn và cầu khẩn; phải dâng lên Ngài những lễ tế, nhất là lễ tế thiêng liêng của cuộc đời chúng ta, kết hợp với hy lễ tuyệt hảo của Đức Kitô; phải giữ những lời hứa và lời khấn đã dâng lên Thiên Chúa. 

 

444.  Bằng cách nào con người thực hiện quyền lợi của mình, là được thờ phượng Thiên Chúa trong chân lý và tự do ?
2104-2109
2137
Mỗi người đều có quyền và bổn phận luân lý phải tìm kiếm chân lý, đặc biệt là những gì liên quan đến Thiên Chúa và Hội thánh của Ngài. Và một khi đã nhận biết Ngài, mỗi người đều có quyền và bổn phận luân lý phải đón nhận Ngài, trung thành với Ngài, bằng việc dâng lên Ngài một sự thờ phượng đích thực. Đồng thời, phẩm giá con người đòi hỏi về phương diện tôn giáo không ai có thể bị ép buộc hành động trái với lương tâm, và cũng không ai được ngăn cản họ hành động theo lương tâm, riêng tư cũng như công khai, một mình hay chung với những người khác, trong ranh giới của trật tự công cộng.   


445.  Thiên Chúa cấm đoán điều gì khi Ngài ra lệnh : “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20, 2) ?
2110-2128
2138-2140
Giới răn này cấm :
-   tội đa thần và thờ ngẫu tượng là thần thánh hóa một thụ tạo, quyền lực, tiền bạc hay cả ma quỉ.
-   tội mê tín là một lệch lạc trái với việc tôn thờ Thiên Chúa đích thực. Mê tín biểu lộ dưới những hình thức khác như : bói toán, ma thuật, phù thủy và chiêu hồn;
-   tội vô đạo biểu hiện bằng hành động thử thách Thiên Chúa, trong lời nói hay trong hành động; bằng việc phạm thượng, nghĩa là xúc phạm đến người hay đồ vật đã thánh hiến, nhất là Bí tích Thánh Thể; mại thánh, nghĩa là muốn mua bán những thực tại linh thiêng;
-   tội vô thần  là loại trừ sự hiện hữu của Thiên Chúa, thường phát xuất từ một quan niệm sai lạc về quyền tự lập của con người;
-   chủ thuyết bất khả tri làcho rằng con người không thể nào biết về Thiên Chúa, và bao gồm chủ trương lãnh đạm tôn giáo và vô thần thực hành.  


446.  Giới răn của Thiên Chúa : “Ngươi không đựơc tạc tượng, vẽ hình . . .”, có phải là cấm việc tôn thờ ảnh tượng không ?
2129-2132
2141
Trong Cựu Ước, giới răn này cấm trình bày Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối siêu việt, bằng bất cứ hình thức nào. Nhưng khởi từ mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, việc tôn kính ảnh tượng thánh của người Kitô hữu được xác nhận (qua Công đồng Nicea II, năm 787), vì việc tôn kính này được đặt nền tảng trên mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, qua đó Thiên Chúa siêu việt trở nên hữu hình.  Đây không phải là việc thờ lạy ảnh tượng, nhưng là việc tôn kính Đấng được trình bày qua ảnh tượng : Đức Kitô, Đức Trinh Nữ, các thiên thần và các thánh.

 


ĐIỀU RĂN THỨ HAI
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC KÊU TÊN THIÊN CHÚA CÁCH BẤT XỨNG

447.  Chúng ta phải tôn kính thánh Danh Thiên Chúa như thế nào ?
2142-2149
2160-2162
Chúng ta tôn kính thánh Danh Thiên Chúa bằng việc kêu cầu, chúc tụng, ca ngợi và tôn vinh Ngài. Vì vậy, cấm không được kêu đến Danh Ngài để làm chứng cho một tội ác, và không được sử dụng cách bất xứng Danh thánh Ngài, như lộng ngôn, điều này tự bản chất là một tội trọng, cũng như chửi thề và bất trung với những lời hứa nhân Danh Thiên Chúa. 


448.  Tại sao cấm thề gian ?
2150-2151
2163-2164
Vì người ta nại đến Thiên Chúa, Đấng là chính Chân lý, để làm chứng cho một lời nói dối.
 “Đừng thề nhân danh Đấng Sáng Tạo, cũng đừng thề nhân danh thụ tạo, trừ khi ta nói thành thật và cần thiết với lòng tôn kính” (thánh Inhaxiô Loyola).

449.  Bội thề là gì ?
2152-2155
Bội thề khi đưa ra một lời hứa kèm theo một lời thề, nhưng cố ý không tuân giữ hay sau đó sẽ phá bỏ. Đó là một tội trọng phạm đến Thiên Chúa vì Ngài là Đấng luôn trung tín với những lời Ngài đã hứa. 

 


ĐIỀU RĂN THỨ BA
NGƯƠI PHẢI THÁNH HÓA NGÀY CỦA ĐỨC CHÚA

450.  Tại sao Thiên Chúa “đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh” (Xh 20, 11) ?
2168-2172
2189
Trong ngày sabát, dân Do Thái tưởng nhớ việc Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy theo như trình thuật Tạo dựng, cũng như nhớ đến việc giải thoát Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập và nhớ đến Giao ước được Thiên Chúa thiết lập với dân Ngài. 


451.  Chúa Giêsu xử sự thế nào đối với ngày sa-bát ?
2173
Chúa Giêsu công nhận sự thánh thiêng của ngày sabát và Người dùng thẩm quyền thần linh để đưa ra giải thích đích thực về ngày này : “Ngày sabát được lập ra vì loài người chứ không phải loài người vì ngày sabát” (Mc 2, 27). 


452.  Lý do nào người Kitô hữu thay thế ngày sabát bằng ngày Chúa nhật ?
2174-2176
2190-2191
Ngày Chúa nhật là ngày Phục sinh của Đức Kitô. Là “ngày thứ nhất trong tuần” (Mc 16,2), ngày Chúa nhật gợi lại cuộc sáng tạo lần thứ nhất; là “ngày thứ tám” tiếp sau ngày sabát, ngày Chúa nhật biểu trưng một cuộc sáng tạo mới được khởi đầu bằng cuộc Phục sinh của Đức Kitô. Như thế, đối với các người Kitô hữu, ngày Chúa nhật trở thành ngày thứ nhất của mọi ngày và của tất cả mọi ngày lễ : ngày của Chúa; trong ngày này, nhờ cuộc Vượt qua, Đức Kitô hoàn tất ý nghĩa thiêng liêng ngày sabát của người Do Thái và loan báo sự an nghỉ đời đời của con người trong Thiên Chúa. 


453.  Phải thánh hóa ngày Chúa nhật thế nào ?
2177-2185
2192-2193
 
Các người Kitô hữu thánh hóa ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc khác bằng việc tham dự tiệc Thánh Thể của Chúa và tránh mọi hoạt động làm ngăn trở việc thờ phượng Thiên Chúa, hay làm xáo trộn niềm vui đặc thù trong ngày của Chúa, cũng như việc nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thân xác. Tuy nhiên, trong ngày Chúa nhật, các người Kitô hữu có thể làm những việc liên quan đến nhu cầu gia đình hay phục vụ cho những lợi ích quan trọng của xã hội, với điều kiện những hoạt động này không tạo thành những thói quen có hại cho việc thánh hóa ngày Chúa nhật, cho cuộc sống gia đình hay cho sức khỏe.


454. Tại sao phải đấu tranh để luật dân sự công nhận ngày Chúa nhật là ngày lễ nghỉ ?
2186-2188
2194-2195
Để cho tất cả mọi người đều có thể nghỉ ngơi đầy đủ và có được một thời gian rảnh rỗi để chăm lo việc tôn giáo, gia đình, văn hóa và xã hội; tìm được thời gian thuận tiện để suy niệm, suy tư, yên tĩnh và học tập; để làm những việc thiện ích, đặc biệt là việc phục vụ những người bệnh tật và già yếu.

 

 


CHƯƠNG HAI
“NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI THÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH”

ĐIỀU RĂN THỨ TƯ
NGƯƠI HÃY THỜ CHA KÍNH MẸ
 
455.  Điều răn thứ tư dạy điều gì ?
2196-2200
2247-2248
Điều răn thứ tư dạy chúng ta phải tôn kính và chăm sóc cha mẹ và những ai được Thiên Chúa trao ban quyền hành để mưu ích cho chúng ta. 


456.  Bản chất của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa như thế nào ?
2201-2205
2249
Người nam và người nữ kết hợp với nhau qua hôn nhân, cùng với con cái tạo thành một gia đình. Thiên Chúa đã thiết lập gia đình và đặt nền tảng căn bản cho gia đình. Hôn nhân và gia đình được sắp xếp hướng về thiện ích của đôi vợ chồng, về việc sinh sản và giáo dục con cái. Giữa các thành viên trong gia đình có những mối liên hệ cá nhân và những trách nhiệm hàng đầu. Trong Đức Kitô, gia đình trở thành một Hội thánh tại gia, vì đó là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến. 


457. Gia đình có vai trò gì trong xã hội ?
2207-2208
Gia đình là tế bào nguyên thủy của xã hội loài người, có trước bất kỳ sự công nhận nào của chính quyền. Các nguyên tắc và giá trị của gia đình tạo thành nền tảng cho đời sống xã hội. Đời sống gia đình là khởi điểm của đời sống xã hội.  


458.  Xã hội có trách nhiệm gì đối với gia đình ?
2209-2213
2250
Xã hội có trách nhiệm nâng đỡ và củng cố hôn nhân và gia đình, nhưng vẫn tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ. Các chính quyền phải tôn trọng, bảo vệ và cổ võ bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, đạo đức chung, các quyền của cha mẹ và sự thịnh vượng của các gia đình. 

 
459.  Con cái có những bổn phận nào đối với cha mẹ ?
2214-2220
2251
Con cái phải hiếu thảo, biết ơn, ngoan ngoãn và vâng phục cha mẹ. Nhờ những tương quan tốt đẹp với anh em, con cái góp phần làm tăng thêm sự hòa thuận và thánh thiện của toàn bộ đời sống gia đình. Khi cha mẹ nghèo túng, bệnh tật, cô đơn hay già yếu, con cái đã trưởng thành phải trợ giúp các ngài về vật chất và tinh thần. 


460.  Cha mẹ có những trách nhiệm nào đối với con cái ?
2221-2231
Vì được tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, và cũng là những người đầu tiên giáo dục đức tin cho con cái. Họ có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái, là những nhân vị và con cái của Thiên Chúa; Họ có nhiệm vụ cung cấp cho con cái, theo hết khả năng mình, những nhu cầu vật chất và tinh thần, chọn cho chúng những trường học thích hợp, và với những lời khuyên khôn ngoan, giúp chúng chọn lựa nghề nghiệp hay bậc sống. Đặc biệt, cha mẹ có sứ vụ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái. 


461.  Làm thế nào cha mẹ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái  ?
2252-2253
Cha mẹ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái chủ yếu bằng gương sáng, kinh nguyện, dạy giáo lý trong gia đình và tham dự vào đời sống giáo hội.  


462.  Các mối liên hệ trong gia đình có giá trị tuyệt đối không ?
2232-2233
Các mối liên hệ trong gia đình, dù rất quan trọng, nhưng không phải tuyệt đối, bởi vì ơn gọi tiên quyết của người Kitô hữu là bước theo Đức Kitô bằng cách yêu mến Người : “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy. Ai yêu con trai con gái mình hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy” (Mt 10,37). Cha mẹ phải vui mừng giúp đỡ con cái bước theo Chúa Giêsu trong tất cả các bậc sống, kể cả trong đời sống thánh hiến hay thừa tác vụ linh mục. 


463.  Quyền bính phải được thực thi thế nào trong những lãnh vực khác nhau của xã hội dân sự ?
2234-2237
2254
Quyền bính phải được thực thi như một sự phục vụ, nhờ tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người, một bậc thang giá trị đúng đắn, các luật lệ, sự công bằng phân phối và nguyên lý hỗ trợ. Khi thực thi quyền hành, mỗi người phải tìm lợi ích cho tập thể chứ không phải cho bản thân. Các quyết định của họ phải dựa trên chân lý về Thiên Chúa, về con người và về thế giới. 


464.  Người công dân có những bổn phận nào đối với chính quyền dân sự ?
2238-2241
2255
Công dân phải coi cấp trên như những người đại diện Thiên Chúa, góp phần cộng tác cách chính trực với họ để đời sống công cộng và xã hội được hoạt động tốt đẹp. Điều này bao gồm cả tình yêu và việc phục vụ tổ quốc, quyền lợi và bổn phận bầu cử, đóng thuế, bảo vệ tổ quốc và quyền phê phán mang tính chất xây dựng. 


465.  Khi nào người công dân không được vâng phục chính quyền dân sự ?
2242-2243
2256
Theo lương tâm, người công dân không được vâng phục những mệnh lệnh của chính quyền dân sự, khi chúng đi ngược lại các đòi hỏi của trật tự luân lý: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người” (Cv 5,29). 

 

 


ĐIỀU RĂN THỨ NĂM
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI

 

466.  Tại sao phải tôn trọng sự sống con người ?
2258-2262
2318-2320
Vì sự sống con người là điều linh thánh.  Ngay từ đầu, sự sống cần đến một tác động sáng tạo của Thiên Chúa và sự sống mãi mãi nằm trong một liên hệ đặc biệt với Đấng Sáng Tạo, là cùng đích duy nhất của mình. Không ai được phép trực tiếp huỷ hoại một con người vô tội, vì điều này đối nghịch cách nghiêm trọng với phẩm giá con người và với sự thánh thiện của Đấng Sáng Tạo. “Ngươi không được giết người vô tội và người công chính” (Xh 23,7). 


467.  Tại sao bảo vệ con người và xã hội một cách hợp pháp không đối nghịch với luật tuyệt đối này ?
2263-2265
Qua việc bảo vệ hợp pháp, người ta chọn sự tự vệ và bảo vệ mạng sống cho bản thân hay cho người khác, chứ không phải chọn việc giết người. Đối với những người có trách nhiệm về mạng sống của người khác, việc bảo vệ hợp pháp không những là một quyền mà còn là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, không được sử dụng bạo lực vượt quá những gì cần thiết. 


468. Hình phạt có mục đích gì ?
2266
Hình phạt được chính quyền dân sự hợp pháp đề ra có mục đích để sửa chữa những xáo trộn do lỗi lầm gây nên, để bảo vệ trật tự công cộng và an ninh cho mọi người, và để góp phần cải hóa phạm nhân.


469.  Người ta có thể đề ra những hình phạt nào ?
2267
Hình phạt được chính quyền dân sự đề ra phải tương xứng với tính chất trầm trọng của hành vi tội ác. Ngày nay với những khả năng Nhà Nước có thể sử dụng để dẹp được tội ác bằng cách vô hiệu hoá kẻ phạm tội, những trường hợp tuyệt đối cần thiết phải sử dụng án tử hình “từ nay sẽ hiếm đi, nếu như trong thực tế có thể nói là không còn tồn tại nữa” (Evangeliun vitae). Nếu các phương tiện không gây đổ máu là đủ, thì chính quyền phải sử dụng các phương tiện này, vì chúng tương ứng hơn với những điều kiện cụ thể của công ích, chúng phù hợp hơn với phẩm giá con người và không xoá sổ cách vĩnh viễn khả năng sửa sai của kẻ phạm tội.  


470.  Điều răn thứ năm cấm những gì ?
2268-2283
2321-2326
Điều răn thứ năm cấm những tội trái ngược cách nghiêm trọng với luật luân lý :
-   tội giết người cố ý và trực tiếp, cũng như việc đồng lõa trong tội đó;
-   tội phá thai trực tiếp, có ý coi đó là mục đích hay phương tiện, cũng như việc cộng tác vào tội này. Hội thánh đã ra vạ tuyệt thông cho người phạm tội này, bởi vì những con người, ngay từ lúc được thụ thai, phải được bảo vệ và che chở một cách tuyệt đối trong sự toàn vẹn của nó;
-   tội an tử trực tiếp, có mục đích chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, đau yếu hay hấp hối, bằng một hành động hay bỏ không làm một hành động cần kíp;
-   tội tự sát và chủ ý cộng tác vào việc tự sát, tội này là một xúc phạm nghiêm trọng đến tình yêu chính đáng đối với Thiên Chúa, đối với chính mình và đối với tha nhân. Về phần trách nhiệm, tội tự sát có thể nghiêm trọng hơn khi gây gương xấu, nhưng cũng có thể giảm thiểu vì những rối loạn tâm lý đặc biệt hoặc vì những sợ hãi trầm trọng.  


471.  Những chữa trị y dược nào được phép khi cái chết như sắp gần kề ?
2278-2279
Việc cắt ngang những chăm sóc thường xuyên cho bệnh nhân không thể coi là hợp pháp được. Tuy nhiên, được phép sử dụng các thuốc giảm đau nào không có mục đích làm cho chết, và được phép từ chối “việc trị liệu khắc nghiệt,” nghĩa là việc chữa trị quá tốn kém, nhưng không đem lại chút hy vọng nào để đạt được kết quả tích cực.  


472.  Tại sao xã hội có trách nhiệm phải bảo vệ mọi thai nhi ?
2273-2274
Quyền sống của con người, ngay từ lúc được thụ thai, là một yếu tố làm thành xã hội dân sự và luật pháp của xã hội. Khi Nhà Nước không cố gắng phục vụ cho các quyền lợi của mọi người, và đặc biệt cho những người yếu đuối nhất, trong số đó có các em béù đã được thụ thai mà chưa được sinh ra, thì chính những nền tảng của Nhà Nước pháp quyền đã bị xói mòn.    


473.  Làm thế nào để tránh gương xấu ?
2284-2287
Gương xấu hệ tại ở việc dẫn người khác đến chỗ phạm tội. Người ta phải loại bỏ gương xấu vì tôn trọng linh hồn và thể xác con người. Nếu ai cố ý dẫn dắt người khác phạm một điều xấu nặng nề, thì chính người dẫn dắt đã phạm một tội nghiêm trọng. 


474.  Chúng ta có trách nhiệm nào đối với thân xác ?
2288-2291
Chúng ta phải chăm sóc sức khỏe thân xác của mình và của tha nhân cách hợp lý, nhưng phải tránh xa việc tôn thờ thân xác và mọi thứ thái quá. Ngoài ra còn phải tránh việc sử dụng ma túy, vì nó gây nên sự hủy hoại trầm trọng cho sức khỏe và đời sống con người, cũng phải tránh sự lạm dụng các thứ như thực phẩm, rượu, thuốc hút và các thứ thuốc men. 


475.  Khi nào các thí nghiệm khoa học, y khoa hay tâm lý, trên con người hay nhóm người, là hợp pháp về mặt luân lý ?
2292-2295
Về mặt luân lý, các thí nghiệm ấy là hợp pháp nếu chúng phục vụ cho lợi ích toàn vẹn của cá nhân và xã hội, mà không gây ra những rủi ro không cân xứng cho sự sống và sự toàn vẹn thể lý hay tâm lý của các cá nhân; những người nhận thí nghiệm phải được thông báo trước, và đã ưng thuận.  


476.  Trước và sau khi chết, có được phép hiến tặng và ghép các bộ phận hay không ?
2296
Về mặt luân lý, việc ghép các bộ phận cơ thể có thể được chấp nhận với sự ưng thuận của người cho và không gây nguy hiểm quá đáng cho người đó. Hiến tặng các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý, nhưng trước khi lấy các bộ phận đó, phải xác định người hiến tặng chắc chắn đã chết.  


477.  Những việc nào đối nghịch với việc tôn trọng sự toàn vẹn thể lý của con người ?
2297-2298
Những việc đó là : bắt cóc, bắt người làm con tin, khủng bố, tra tấn, bạo lực, trực tiếp làm người ta vô sinh. Việc cắt bỏ một phần thân thể của một người chỉ được chấp nhận về mặt luân lý nếu mục đích là để chữa bệnh cho chính người đó.  


478.  Phải chăm sóc những người hấp hối như thế nào ?
2299
Những người hấp hối có quyền được sống xứng đáng với phẩm giá vào những giây phút cuối cùng của đời sống trần thế, nhất là được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện và các Bí tích, giúp họ chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống. 


479.  Phải đối xử với thân xác kẻ chết như thế nào ?
2300-2301
Thi hài người quá cố phải được đối xử với lòng tôn trọng và bác ái. Hội thánh cho phép hỏa táng, nếu việc này không gây rắc rối cho đức tin về sự phục sinh thân xác.  


480.  Chúa đòi hỏi mỗi người điều gì về vấn đề hòa bình ?
2302-2303
Đức Kitô, Đấng đã tuyên bố “phúc cho ai xây dựng hòa bình” (Mt 5, 9), đòi hỏi sự bình an của tâm hồn và kết án thái độ giận dữ, là muốn báo thù vì điều xấu đã phải gánh chịu, và lòng thù ghét, là ao ước điều xấu cho tha nhân. Những thái độ này, nếu cố ý và ưng theo trong những vấn đề rất quan trọng, đều là những tội trọng nghịch lại với đức ái. 


481.  Hòa bình trên thế giới là gì ?
2304-2305
Hòa bình trên thế giới cần thiết để đời sống con người được tôn trọng và phát triển. Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh hay là sự cân bằng các thế lực đối lập, nhưng là sự “ổn định trật tự” (thánh Augustinô), “thành quả của công lý” (Is 32, 17) và hiệu quả của đức ái. Hòa bình trần thế là hình ảnh và hoa trái bình an của Đức Kitô.  


482. Hòa bình trên thế giới đòi buộc điều gì  ?
2304;
2307-2308
Hòa bình trên thế giới đòi buộc sự phân phối cách công bằng và bảo vệ tài sản của con người, sự tự do giao tiếp giữa con người, sự tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc, sự kiên trì thực hiện công bằng và tình huynh đệ. 


483. Về mặt luân lý, khi nào được phép sử dụng sức mạnh quân sự?
2307-2310
Việc sử dụng sức mạnh quân sự chỉ được biện minh về mặt luân lý khi hội đủ những điều kiện sau đây : chắc chắn về sự thiệt hại phải chịu là trầm trọng và kéo dài; tất cả các giải pháp hòa bình đều thất bại; những điều kiện quan trọng để thành công; việc loại bỏ những thiệt hại lớn nhất, sau khi đã cân nhắc về sức tàn phá của những phương tiện chiến tranh hiện đại. 


484. Trong trường hợp có nguy cơ chiến tranh, ai có quyền phán đoán về những điều kiện đó ?
2309
Quyền này tùy thuộc vào sự phán đoán khôn ngoan của những vị cầm quyền, những vị này cũng có quyền đề ra cho công dân nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc. Những ai vì lý do lương tâm không thi hành nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, phải phục vụ xã hội  bằng những hình thức khác. 


485. Trong trường hợp chiến tranh, luật luân lý đòi buộc điều gì ?
2312-2314
2328
Ngay cả trong trường hợp chiến tranh, luật luân lý vẫn luôn có hiệu lực. Luật này đòi buộc phải xử sự cách nhân đạo với những người không chiến đấu, các chiến binh bị thương và các tù binh. Các hành động cố ý đi ngược với quyền lợi của các dân tộc và các mệnh lệnh buộc thi hành các hành động đó, đều là những tội ác mà sự vâng phục tối mặt không đủ để chạy tội. Phải kết án những sự huỷ diệt hàng loạt, cũng như việc tiêu diệt một dân tộc hay một sắc tộc thiểu số. Đó là những tội rất nặng nề. Về mặt luân lý, phải chống lại các mệnh lệnh buộc thi hành các tội ác như thế. 


486. Chúng ta phải làm gì để tránh chiến tranh ?
2315-2317
2327-2330
Vì chiến tranh gây ra những sự dữ và bất công, nên chúng ta phải làm tất cả những gì hợp lý để ngăn chận chiến tranh bằng bất cứ giá nào. Đặc biệt phải tránh việc tích trử và buôn bán vũ khí không do các chính quyền hợp pháp qui định; phải tránh những bất công về mặt kinh tế và xã hội;  tránh việc kỳ thị chủng tộc và tôn giáo; phải tránh ganh ghét, thách thức, kiêu căng và tinh thần báo thù. Tất cả những gì được thực hiện để khắc phục các tệ hại này và những xáo trộn khác, đều giúp xây dựng hòa bình và đẩy xa chiến tranh. 

 

 


ĐIỀU RĂN THỨ SÁU
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC NGOẠI TÌNH

487.  Con người có bổn phận gì đối với phái tính của mình ?
2331-2336
2392-2393
Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, có cùng một phẩm giá nhân bản. Ngài đã khắc ghi ơn gọi yêu thương và hiệp thông nơi mỗi người. Mỗi người phải chấp nhận phái tính riêng của mình và nhận ra tầm quan trọng của nó đối với toàn thể con người, tính đặc thù của mỗi phái tính và việc hai phái tính bổ túc cho nhau.   


488.  Khiết tịnh là gì ?
2337-2338
Khiết tịnh là sự hoà nhập phái tính trong con người của mình cách thành công. Tính dục thực sự nhân bản khi được hoà nhập cách đúng đắn trong liên hệ giữa người và người. Khiết tịnh là một nhân đức luân lý, một ơn huệ của Thiên Chúa, một ân sủng, một hoa trái của Chúa Thánh Thần.    


489.  Nhân đức khiết tịnh đòi hỏi những gì  ?
2339-2341
Nhân đức khiết tịnh đòi hỏi sự rèn luyện để làm chủ bản thân, như cách biểu lộ sự tự do nhân bản, hướng đến việc tự hiến bản thân. Để đạt được mục đích này, cần phải có sự giáo dục đầy đủ và thường xuyên, được thực hiện qua từng giai đoạn tăng trưởng.

490.  Có những phuơng tiện nào giúp chúng ta sống khiết tịnh ?
2340-2347
Có nhiều phuơng tiện như ân sủng Thiên Chúa, sự trợ giúp của các Bí tích, việc cầu nguyện, sự tự biết mình, việc thực hành khổ chế tùy theo những hoàn cảnh khác nhau, việc thực hành các nhân đức luân lý, đặc biệt là nhân đức tiết độ, nhằm để lý trí hướng dẫn các đam mê. 


491. Tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội được mời gọi sống đức khiết tịnh theo cách nào ?
2348-2350
2394
Các người Kitô hữu luôn nhìn Đức Kitô là khuôn mẫu đời sống khiết tịnh; họ được mời gọi sống khiết tịnh tuỳ theo bậc sống của mình : những người sống bậc đồng trinh hay độc thân của đời thánh hiến, là cách sống trổi vượt để sẵn sàng hiến mình cho Thiên Chúa với trọn tâm hồn; những nguời lập gia đình được mời gọi sống khiết tịnh theo bậc vợ chồng; những người không lập gia đình cũng đuợc mời gọi sống khiết tịnh bằng cách tiết dục. 


492. Những tội chính phạm đến đức khiết tịnh là những tội nào ?
2351-2359
2396
Những tội nặng phạm đến đức khiết tịnh, tùy theo bản chất của từng đối tượng, đó là ngoại tình, thủ dâm, tà dâm, khiêu dâm, mại dâm, hiếp dâm, các hành vi đồng tính luyến ái. Các tội này là biểu hiện của đam mê dâm đãng. Nếu phạm các tội này với các trẻ vị thành niên, thì sẽ xúc phạm cách nặng nề hơn vào sự toàn vẹn thể lý và luân lý của các em. 


493. Tại sao giới răn thứ sáu “Ngươi không được ngoại tình” lại ngăn cấm tất cả các tội lỗi nghịch với đức khiết tịnh ?
2336
Dù trong bản văn Thánh Kinh về Mười điều răn, chúng ta chỉ đọc “Ngươi chớ phạm tội ngoại tình” (Xh 20,14), nhưng Truyền thống Hội thánh vẫn theo sát các giáo huấn luân lý của Cựu Ước và Tân Ước, luôn xem giới răn thứ sáu như bao gồm tất cả các tội phạm đến đức khiết tịnh.


494.  Đâu là trách nhiệm của chính quyền dân sự đối với đức khiết tịnh ?
2354
Chính quyền có trách nhiệm cổ võ sự tôn trọng phẩm giá con người, cũng có trách nhiệm góp phần tạo ra một môi truờng xã hội thuận lợi cho đức khiết tịnh. Nhờ những luật lệ thích hợp, chính quyền phải ngăn chận việc bành trướng các trọng tội nghịch đức khiết tịnh đã kể trên, đặc biệt để bảo vệ các trẻ vị thành niên và những người yếu đuối.

 
495.  Tình yêu hôn nhân, gồm cả tính dục được Thiên Chúa định hướng vào hôn nhân, có được những điều tốt lành nào ?
2360-2361
2397-2398
Đối với những người đã được rửa tội, những điều tốt lành của tình yêu hôn nhân, một tình yêu đã được thánh hoá bằng Bí tích Hôn phối, đó là sự duy nhất, chung thủy, tính bất khả phân ly và sẵn sàng đối với việc truyền sinh. 


496.  Hành vi vợ chồng có ý nghĩa gì ?
2362-2367
Hành vi vợ chồng có hai ý nghĩa : sự kết hợp (là hành vi hiến thân cho nhau của đôi vợ chồng), và việc truyền sinh (là hành vi mở ngỏ cho việc sinh sản con cái). Không ai được phép phá vỡ sự liên kết bất khả phân ly, do Thiên Chúa thiết lập, giữa hai ý nghĩa đó của hành vi vợ chồng, bằng cách loại bỏ một trong hai ý nghĩa đó.  


497.  Khi nào việc điều hòa sinh sản là phù hợp với luân lý ?
2368-2369
2399
Việc điều hòa sinh sản là một trong những phương diện của trách nhiệm làm cha làm mẹ. Việc làm này phù hợp cách khách quan với luật luân lý, khi được chính đôi vợ chồng thực hiện, mà không bị một áp lực bên ngoài, cũng không do ích kỷ, nhưng vì những lý do chính đáng và bằng những phương pháp phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan của luân lý, nghĩa là nhờ việc tiết dục định kỳ và sử dụng những thời kỳ không thể thụ thai. 


498.  Đâu là những phương pháp điều hòa sinh sản không phù hợp với luân lý ?
 2370-2372
Những hoạt động sau đây phải coi là không phù hợp với luân lý, đó là trực tiếp triệt sản hoặc ngừa thai, được thực hiện trước hoặc trong khi giao hợp, hoặc trong quá trình dẫn đến kết quả tự nhiên của việc giao hợp, nhằm mục đích hay tạo phương thế để ngăn cản sự truyền sinh.

 
499.  Tại sao thụ tinh và thụ thai nhân tạo không hợp với luân lý ?
2373-2377
Thụ tinh và thụ thai nhân tạo không thể chấp nhận về mặt luân lý, vì tách rời việc sinh sản với sự giao hợp, trong hành động này đôi vợ chồng trao hiến cho nhau, và như vậy, đặt kỹ thuật lên trên nguồn gốc và vận mệnh của con người. Hơn nữa, việc thụ tinh và thụ thai do người khác, tức là có một người thứ ba can thiệp vào hành vi vợ chồng nhờ qua kỹ thuật; hành động này vi phạm quyền của đứa bé được sinh ra từ người cha và người mẹ của nó, hai người được liên kết với nhau bằng hôn nhân và có độc quyền là chỉ nhờ nhau mà cả hai mới được làm cha, làm mẹ. 

 
500.  Người ta phải nhìn em bé như thế nào ?
2378
Em bé là một tặng phẩm của Thiên Chúa, tặng phẩm tuyệt hảo nhất của hôn nhân.  Không có một quyền nào để có những đứa con (theo nghĩa là được quyền có con với bất cứ giá nào). Trái lại, đứa con có quyền là hoa trái của hành vi hôn nhân của cha mẹ em, cũng như có quyền được tôn trọng là một nhân vị ngay từ lúc em được thụ thai.   


501.  Đôi vợ chồng có thể làm gì nếu họ không có con ?
2379
Nếu không đuợc Thiên Chúa ban tặng con cái, sau khi đã tận dụng mọi trợ giúp chính đáng của y khoa, đôi vợ chồng có thể sống quảng đại qua việc bảo trợ hay nhận con nuôi, hay tham gia những công tác phục vụ tha nhân. Như vậy họ thực hiện một sự sinh sản quý giá về mặt thiêng liêng.   


502.  Những tội nào phạm đến phẩm giá của hôn nhân ?
2380-2391
2400
Những tội phạm đến phẩm giá của hôn nhân là : ngoại tình, ly dị, đa thê, loạn luân, tự do sống chung (chung sống không hôn nhân, nhân tình), hành vi tính dục trước hôn nhân hay ngoài hôn nhân.

 

 


ĐIỀU RĂN THỨ BẢY
NGUƠI KHÔNG ĐUỢC TRỘM CẮP

503.  Điều răn thứ bảy nói lên điều gì ?
 2401-2402
Điều răn này nói lên sự xác định và phân phối của cải cách phổ quát, nói về quyền tư hữu, việc tôn trọng con người và tài sản của họ, việc tôn trọng tính toàn vẹn của công trình tạo dựng. Hội thánh nhìn giới răn này là nền tảng cho giáo huấn xã hội của mình, để xét đến hành động đúng đắn trong lãnh vực kinh tế, trong đời sống xã hội và chính trị, trong quyền lợi và trách nhiệm lao động của con người, trong công bằng và tình liên đới giữa các quốc gia, trong tình thương đối với người nghèo.  


504.  Đâu là những điều kiện của quyền tư hữu ?
2403
Người ta có quyền tư hữu với điều kiện là tài sản đó đạt được hay nhận được một cách chính đáng, và việc sử dụng của cải là nhằm thỏa mãn những nhu cầu căn bản của mọi người. 


505.  Mục đích của quyền tư hữu là gì ?
2404-2406
Tài sản riêng có mục đích bảo đảm sự tự do và phẩm giá của các cá nhân, giúp họ thoả mãn những nhu cầu căn bản cho những người mà họ có trách nhiệm, và cho cả những ai đang sống thiếu thốn. 


506.  Điều răn thứ bảy quy định những gì ?
2407
2450-2451
Điều răn thứ bảy buộc phải tôn trọng tài sản của người khác, qua việc thực thi công bằng và bác ái, sống tiết độ và liên đới. Đặc biệt, điều răn này đòi buộc :
-   tôn trọng các lời hứa và các hợp đồng đã cam kết;
-   đền bù những điều bất công đã gây ra và hoàn trả những gì đã trộm cắp;
-   tôn trọng sự toàn vẹn của công trình sáng tạo, bằng cách sử dụng khôn ngoan và chừng mực những tài nguyên khoáng chất, thực vật và động vật trong vũ trụ, đặc biệt quan tâm đến những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. 


507.  Con nguời phải có thái độ nào đối với các động vật ?
2416-2418
2457
Con nguời phải đối xử tốt đẹp với các động vật vì chúng là những thụ tạo của Thiên Chúa, tránh cách yêu thương thái quá hoặc sử dụng mù quáng, nhất là với các thí nghiệm khoa học vượt quá giới hạn hợp lý và gây đau đớn vô ích cho chúng. 


508.  Điều răn thứ bảy cấm những điều gì ?
2408-2413
2453-2455
Điều răn thứ bảy cấm :
-   trộm cắp, đó là việc chiếm đoạt tài sản người khác trái với ý muốn hợp lý của họ.
-   trả lương không công bằng,
-   lũng đoạn giá trị của cải để từ đó rút ra lợi nhuận cho mình mà làm thiệt hại cho người khác,
-   việc giả mạo các thương phiếu hay hóa đơn.
-    trốn thuế hoặc buôn bán gian lận, cố ý phá hoại tài sản cá nhân cũng như công cộng,
-   đầu cơ, tham nhũng, lạm dụng tài sản công làm của riêng, cố ý làm sai trái trong lao động, lãng phí.  


509.  Nội dung Học thuyết xã hội của Hội thánh  là gì ?
2419-2423
Học thuyết xã hội của Hội thánh, là sự khai triển có hệ thống các chân lý của Tin Mừng về phẩm giá con nguời và chiều kích xã hội của con nguời, đề ra những nguyên tắc để suy tư, qui định những tiêu chuẩn để phán đoán, và trình bày những qui luật và định huớng để hành động. 


510.  Khi nào Hội thánh can thiệp vào lãnh vực xã hội ?
2420
2458
Hội thánh can thiệp khi các quyền căn bản của con nguời, thiện ích chung hoặc phần rỗi các linh hồn bị vi phạm. Hội thánh can thiệp bằng việc đưa ra một phán đoán luân lý trong lãnh vực kinh tế và xã hội.  


511.  Đời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện như thế nào ?
2459
Đời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện theo những phương pháp riêng của mình, trong vòng trật tự luân lý, để phục vụ con người trong sự toàn vẹn của họ và phục vụ cho toàn thể cộng đồng nhân loại, trong sự tôn trọng công bằng xã hội. Đời sống kinh tế và xã hội phải lấy con nguời làm đối tượng, trung tâm và cùng đích của nó. 


512.  Điều gì đi nguợc với Học thuyết xã hội của Hội thánh ?
2424-2425
Đi ngược với Học thuyết xã hội của Hội thánh là các hệ thống kinh tế và xã hội chủ trương hy sinh những quyền lợi căn bản của con người, hay coi lợi nhuận là quy luật tuyệt đối và mục đích tối hậu của chúng. Do đó, Hội thánh phi bác các ý thức hệ trong thời đại mới dưới hình thức “chủ nghĩa cộng sản”, hay dưới những hình thức vô thần và độc tài khác của “chủ nghĩa xã hội”. Ngoài ra, trong việc thực hành “chủ nghĩa tư bản”, Hội thánh phi bác chủ nghĩa cá nhân và quan niệm coi luật thị trường có vị trí tuyệt đối trên lao động của con nguời. 


513.  Lao động có ý nghĩa gì đối với con người ?
2426-2428
2460-2461
Đối với con người, lao động vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi, nhờ đó con người cộng tác với Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Thật vậy, bằng lao động cách cẩn trọng và tinh thông, con nguời phát huy những khả năng đã được ghi khắc trong bản tính của mình, biểu lộ những hồng ân của Đấng Sáng Tạo và những tài năng mà họ đã lãnh nhận; thỏa mãn những nhu cầu của bản thân và những người thân cận; cũng như phục vụ cộng đồng nhân loại. Ngoài ra, với ân sủng của Thiên Chúa, lao động có thể là một phương tiện để thánh hóa và cộng tác với Đức Kitô để cứu độ những người khác.    


514.  Mọi nguời đều được quyền gì về vấn đề lao động ?
Mọi người đều được quyền có một việc làm ổn định và luơng thiện, không bị kỳ thị bất công, được quyền tự do chọn lựa về mặt kinh tế và được quyền hưởng đồng lương công bằng. 


515.  Nhà Nước có trách nhiệm gì với lao động ?
2431
Nhà Nước có trách nhiệm bảo đảm sự tự do cá nhân và quyền tư hữu, cũng như giá trị tiền tệ ổn định và những việc phục vụ xã hội có hiệu quả, phải trông coi và hướng dẫn việc thực thi các quyền con người trong lãnh vực kinh tế. Thích ứng với hoàn cảnh, xã hội phải trợ giúp các công dân tìm được việc làm.  


516.  Những nguời lãnh đạo xí nghiệp có trách nhiệm gì ?
2432
Những người lãnh đạo xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về hậu quả kinh tế và môi sinh do các công việc của họ. Họ phải chú tâm đến thiện ích của con người chứ không chỉ nhắm làm gia tăng các lợi nhuận, mặc dầu lợi nhuận cũng cần thiết để bảo đảm các cuộc đầu tư, tương lai của xí nghiệp, việc làm, và sự phát triển tốt đẹp của đời sống kinh tế.

 
517.  Các công nhân có trách nhiệm gì ?
2435
Họ phải chu toàn các công việc của mình một cách có lương tâm, thành thạo và nhiệt tình, tìm cách giải quyết các tranh chấp bằng đối thoại. Việc sử dụng đình công bất bạo động là hợp pháp về mặt luân lý khi đó là một phương cách cần thiết để đạt được quyền lợi chính đáng, nhưng phải nhắm đến công ích. 

 
518.  Làm thế nào thực hiện sự công bằng và tình liên đới giữa các quốc gia ?
 2437-2441
Trên bình diện quốc tế, tất cả các quốc gia và các cơ chế phải hoạt động trong tình liên đới và nguyên tắc hỗ trợ, nhằm mục đích loại bỏ hay ít là giảm thiểu sự khốn cùng, sự bất bình đẳng về tài nguyên và các phương tiện kinh tế, các bất công kinh tế và xã hội, việc bóc lột con người, sự gia tăng mức nợ của các nước nghèo, những chủ thuyết máy móc bất nhân gây chướng ngại cho sự phát triển của các quốc gia chậm tiến.  


519.  Các người Kitô hữu tham gia vào đời sống chính trị và xã hội như thế nào ?
2442
Các người Kitô hữu giáo dân trực tiếp tham gia vào đời sống chính trị và xã hội bằng cách làm cho tinh thần Kitô giáo thấm nhập vào các thực tại trần thế, cộng tác với mọi người, như những chứng nhân đích thực của Tin Mừng và là những người kiến tạo hòa bình và công lý.  


520.  Tình yêu đối với người nghèo dựa trên nền tảng nào ?
2443-2449
2462-2463
Tình yêu đối với người nghèo dựa trên nền tảng Tin Mừng của các Mối phúc và theo gương của Chúa Giêsu, Đấng luôn quan tâm đến người nghèo. Chúa Giêsu đã nói : “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Tình yêu đối với kẻ nghèo thể hiện qua việc dấn thân chống lại sự nghèo khổ về vật chất và rất nhiều hình thức nghèo đói về văn hoá, luân lý và tôn giáo. Các việc bác ái, tinh thần hay vật chất, và nhiều tổ chức từ thiện đã xuất hiện trải qua bao thế kỷ, là một chứng từ cụ thể về tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo, là nét đặc trưng của các môn đệ Chúa Giêsu.  

 

 

 
ĐIỀU RĂN THỨ TÁM
NGUƠI KHÔNG ĐUỢC LÀM CHỨNG GIAN

521.  Con nguời có bổn phận nào đối với chân lý ?
2464-2470
2504
Mọi người đều được kêu gọi phải thành thật và trung thực trong hành động cũng như trong lời nói, buộc phải tìm kiếm và gắn bó với chân lý, hướng cuộc đời mình theo các đòi hỏi của chân lý. Trong Đức Giêsu Kitô, chân lý về Thiên Chúa được tỏ hiện cách trọn vẹn. Người là Chân Lý. Ai bước theo Người, phải sống trong Thánh Thần chân lý và tránh xa lối sống hai mặt, dối trá và giả hình. 


522.  Người Kitô hữu làm chứng cho chân lý như thế nào ?
2471-2474
2505-2506
Người Kitô hữu phải làm chứng cho chân lý Tin Mừng trong mọi lãnh vực của hoạt động công khai và riêng tư, dù phải hy sinh mạng sống mình, nếu cần thiết. Tử đạo là chứng từ cao cả nhất cho chân lý đức tin. 


523.  Điều răn thứ tám cấm những gì ?
2475-2487
2507-2509
Điều răn thứ tám cấm:
làm chứng dốithề thốt và dối trá; mức độ nặng nhẹ căn cứ trên sự sai lệch của sự thật, trên những hoàn cảnh, trên những ý hướng của kẻ nói dối và mức độ thiệt hại mà các nạn nhân phải gánh chịu;
phán đoán hồ đồ, nói xấu, vu khống, bôi nhọ, là những tội làm giảm hay phá hoại uy tín và  danh dự mà mỗi người có quyền hưởng.
nịnh hót, tâng bốc và xu nịnh, nhất là khi nhằm mục đích phạm tội trọng hay thủ lợi bất chính.
Tất cả tội phạm nghịch với sự thật buộc phải đền bù lại nếu gây tai hại cho kẻ khác. 


524.  Điều răn thứ tám đòi buộc những gì ?
2488-2492
2510-2511
Điều răn thứ tám đòi buộc chúng ta phải tôn trọng sự thật, kèm theo sự tế nhị của đức ái:  trong lãnh vực truyền thông và thông tin, phải biết đánh giá lợi ích riêng và lợi ích chung, bảo vệ đời sống riêng tư, tránh gây gương xấu. Phải luôn bảo vệ các bí mật nghề nghiệp, trừ những trường hợp ngoại lệ, và vì những lý do nghiêm trọng và cân xứng. Cũng phải tôn trọng những chuyện tâm sự mà chúng tađã hứa giữ bí mật.  


525.  Phải sử dụng những phuơng tiện truyền thông xã hội thế nào?
2493-2499
2512
Thông tin bằng các phương tiện truyền thông phải phục vụ ích lợi chung; về nội dung, thông tin phải luôn đúng sự thật và trong giới hạn của công lý và bác ái, phải mang tính chất toàn vẹn. Mặt khác, thông tin phải được diễn tả cách chân thật và thích hợp, cẩn thận tuân giữ các luật luân lý, các quyền lợi chính đáng và phẩm giá con nguời.

 
526.  Đâu là tuơng quan giữa chân lý, vẻ đẹp và mỹ thuật thánh ?
2500-2503
2513
Chân lý tự bản chất là đẹp. Chân lý bao gồm sự huy hoàng của vẻ đẹp tinh thần. Ngoài lời nói, còn có nhiều cách diễn tả chân lý, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật. Chúng là hoa trái của một tài năng được Thiên Chúa trao ban, và cố gắng của con người. Mỹ thuật thánh được xem là chân thật và đẹp đẽ, phải gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô, phải dẫn đến tình yêu của Thiên Chúa và thờ lạy Ngài là Đấng Sáng Tạo và Cứu Độ, là Vẻ đẹp tối cao của Chân lý và Tình yêu.

 

 


ĐIỀU RĂN THỨ CHÍN
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC HAM MUỐN VỢ NGƯỜI TA

527.  Điều răn thứ chín đòi buộc điều gì ?
2514-2516
2528-2530
Điều răn thứ chín đòi buộc phải chiến thắng đam mê xác thịt trong tư tưởng cũng như trong ước muốn. Cuộc chiến đấu chống lại dục vọng phải cần đến việc thanh luyện tâm hồn và thực hành đức tiết độ.  


528.  Điều răn thứ chín cấm điều gì ?
 2517-2519
2531-2532
Điều răn thứ chín cấm nuôi dưỡng những ý tưởng và ước muốn về những hành vi bị giới răn thứ sáu cấm đoán. 


529.  Làm thế nào để đạt tới sự thanh sạch của tâm hồn ?
2520
Với ơn Chúa, trong cuộc chiến đấu chống lại các ước muốn sai trái, người tín hữu đạt được sự thanh sạch của tâm hồn nhờ nhân đức và hồng ân khiết tịnh, nhờ sự trong sáng nơi ý hướng, nơi cái nhìn bên ngoài và bên trong, nhờ chế ngự các giác quan và trí tưởng tượng, và nhờ cầu nguyện. 


530.  Sự thanh sạch còn có những đòi buộc nào khác nữa không ?
2521-2527
2533
Sự thanh sạch đòi hỏi phải có nết na; gìn giữ những gì thầm kín của con nguời, diễn tả sự tế nhị của đức khiết tịnh, kiểm soát cái nhìn và cử chỉ cho phù hợp với phẩm giá của con người và những giao tế của họ. Sự thanh sạch đòi buộc phải ngăn chặn thói khiêu dâm đang lan tràn và tránh xa những gì đưa đến sự tò mò không lành mạnh. Điều này còn đòi buộc phải thanh tẩy môi trường xã hội, bằng cuộc chiến đấu chống lại sự suy thoái phong hóa dựa trên một quan niệm sai lạc về tự do của con nguời. 

 

 


ĐIỀU RĂN THỨ MƯỜI
NGƯƠI KHÔNG ĐUỢC HAM MUỐN TÀI SẢN CỦA NGƯỜI TA

531.  Điều răn thứ mười đòi buộc điều gì và cấm điều gì ?
2534-2540
2551-2554
Điều răn này bổ túc cho điều răn truớc, buộc phải có thái độ tôn trọng tài sản của kẻ khác. Điều răn này cấm : tham lam và ham muốn bất chính  tài sản của người khác; cấm ganh tị, nghĩa là cảm thấy buồn phiền khi thấy nguời khác có tài sản, và ước ao vô độ muốn chiếm đoạt tài sản đó. 


532.  Chúa Giêsu đòi buộc điều gì khi dạy tinh thần nghèo khó ?
2544-2547
2556
Chúa Giêsu đòi buộc các môn đệ yêu mến Nguời trên hết mọi sự và mọi nguời. Việc từ bỏ sự giàu sang trong tinh thần khó nghèo theo Tin Mừng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi những âu lo của ngày mai, sẽ chuẩn bị cho chúng ta hưởng mối phúc của “những người nghèo khó trong tinh thần, vì Nước Trời đã thuộc về họ” (Mt 5, 3). 


533.  Khao khát lớn nhất của con người là gì ?
2548-2550
2557
Khao khát lớn nhất của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Tiếng kêu khát vọng của con người là : “Tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa.” Thật vậy, con người chỉ có thể tìm được hạnh phúc đích thực và trọn vẹn của mình trong sự hưởng kiến và hạnh phúc nơi Đấng đã dựng nên họ vì tình yêu và cũng là Đấng lôi kéo họ về với Ngài trong tình yêu vô tận.  
“Ai thấy Thiên Chúa thì đã đạt được mọi phúc lộc mà nguời ta có thể nghĩ tuởng ra đuợc” (thánh Grêgôriô thành Nysse).

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ