SECTIO PRIMA CHƯƠNG III CAPUT TERTIUM Mục 2 Articulus 2: Gratia et iustificatio 1996 153. III. CÔNG PHÚC Compendium Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE
1992
PHẦN THỨ BA
Ðời Sống Trong Ðức Kitô
PARS TERTIA
VITA IN CHRISTO
ĐOẠN THỨ NHẤT
ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI: SỐNG TRONG THÁNH THẦN
VOCATIO HOMINIS: VITA IN SPIRITU
THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ: LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG
SALUS DEI: LEX ET GRATIA
ÂN SỦNG VÀ SỰ CÔNG CHÍNH HOÁ
I. CÔNG CHÍNH HÓA
1987 734.
Ân sủng của Chúa Thánh Thần có quyền năng công chính hóa chúng ta, nghĩa là thanh tẩy chúng ta sạch tội lỗi, và được "Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô" (Rm 3,22) và nhờ bí tích Thánh Tẩy: (T. Tô-ma A-qui-nô 1-2; 90,4)
"Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô , chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, đó là niềm tin của chúng ta. Vì biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ, nay Người sống là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, vì được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô" (Rm 6, 8-11).
1988 654.
Nhờ quyền năng Thánh Thần, chúng ta dự phần vào cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô bằng cách chết cho tội lỗi, và dự phần vào sự phục sinh của Người bằng việc tái sinh vào đời sống mới; chúng ta là những chi thể của Thân Thể Người là Hội Thánh (x. 1Cr 12), là những ngành nho được ghép vào Thân nho là chính Đức Ki-tô (x. Ga 15,1-4):
460.
"Nhờ Thánh Thần chúng ta được tham dự vào đời sống Thiên Chúa. Nhờ lãnh nhận Thánh Thần, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa... Vì thế, những kẻ nào được Chúa Thánh Thần ở cùng, đều được thần hóa (T. Atanasiô 1, 24).
1989 1427.
Công trình đầu tiên Chúa Thánh Thần thực hiện nơi con người là sự hoán cải, nghĩa là cho họ nên công chính như lời rao giảng của Đức Giê-su từ buổi đầu của Tin Mừng: "Anh em phải sám hối, vì triều đại Thiên Chúa đã đến gần" (Mt 4,17). Dưới tác động của ân sủng, con người quay về với Thiên Chúa và từ bỏ tội lỗi, nhờ đó được Thiên Chúa ban ơn tha thứ và sự công chính. "Như thế, công chính hóa không chỉ là tha tội, mà còn thánh hóa và canh tân con người nội tâm" (Cđ Trentô: DS 1528).
1990 1446 1733.
Ơn công chính hóa giải thoát con người và thanh luyện tâm hồn khỏi tội lỗi nghịch với tình yêu Thiên Chúa. Ơn công chính hóa xuất phát từ sáng kiến của Thiên Chúa giàu lòng thương xót và hằng tha thứ. Khi được công chính hóa, con người được hòa giải với Thiên Chúa, được giải phóng khỏi ách tội lỗi và được chữa lành.
1991 1812.
Ơn công chính hóa còn là việc chúng ta đón nhận sự công chính Chúa ban cho, nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Sự công chính ở đây chỉ sự công minh chính trực của tình yêu Thiên Chúa. Cùng với ơn công chính hóa, Thiên Chúa ban cho chúng ta đức tin, cậy và mến, và ơn biết phục tùng thánh ý Chúa.
1992 617 1266 294.
Chúng ta được công chính hóa nhờ cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô, Đấng đã dâng mình trên Thánh Giá làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, và Máu Người trở nên phương tiện đền tội cho mọi người. Chúng ta lãnh nhận ơn công chính hóa nhờ bí tích Thánh Tẩy, bí tích của đức tin. Ơn công chính hóa giúp ta sống phù hợp với sự công chính của Thiên Chúa, Đấng dùng quyền năng của lòng thương xót biến đổi nội tâm ta nên công chính. Mục đích của ơn công chính hóa là tôn vinh Thiên Chúa, tôn vinh Đức Ki-tô, và ban tặng cho ta sự sống vĩnh cửu (Cđ. Trentô: DS 1529).
"Nhưng ngày nay, Thiên Chúa đã cho thấy cách Người làm cho người ta nên công chính mà không cần đến luật Mô-sê. Điều này sách luật Mô-sê và các ngôn sứ làm chứng. Quả thế, Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính nếu họ tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế: bất kể là người Do thái hay dân ngoại. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Giê-su Ki-tô. Thiên Chúa đã định cho Đức Ki-tô Giê-su phải đổ máu mình ra làm hi lễ đem lại ơn tha tội cho những ai tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng, Người là Đấng Công Chính, nghĩa là Người vừa công chính vừa làm cho kẻ sống nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô được nên công chính" (Rm 3,21-26).
1993 2008.
Ơn công chính hóa mở đầu cho sự cộng tác giữa ân sủng Thiên Chúa và sự tự do của con người.Về phía con người, ơn công chính hóa được biểu lộ qua sự ưng thuận tin theo lời Thiên Chúa mời gọi hoán cải, và qua sự cộng tác bằng đức mến vào tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng khởi xướng và gìn giữ sự ưng thuận đó:
2068.
Khi Thiên Chúa dùng ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, đánh động tâm hồn con người, con người không phải là không làm gì nhưng đã đón nhận ơn soi sáng này và là ơn họ có thể khước từ. Tuy nhiên, không có ân sủng Chúa, họ cũng không thể nhờ ý chí tự do của mình đạt tới sự công chính trước mặt Thiên Chúa (Cđ. Trentô, DS 1525).
1994 312 412.
Ơn công chính hóa là công trình tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúađược biểu lộ trong Đức Giê-su Ki-tô và được Chúa Thánh Thần ban tặng. Thánh Âu-tinh cho rằng "việc công chính hóa kẻ vô đạo là một công trình còn lớn lao hơn cả việc tạo dựng trời đất", bởi vì "trời đất sẽ qua đi, còn ơn cứu độ và công chính hóa các kẻ được tuyển chọn vẫn tồn tại" (x. Ev, G 72,3). Thánh nhân còn cho rằng sự công chính hóa các kẻ tội lỗi vượt trên công trình tạo dựng các thiên thần trong sự công chính, vì cho thấy rõ hơn lòng thương xót lớn lao của Thiên Chúa.
1995 741.
Chúa Thánh Thần là vị thầy nội tâm. Ơn công chính hóa khai sinh "con người nội tâm" (x. Rm 7,22; Eph 3,16) và đem lại ơn thánh hóa toàn thể con người:
"Trước đây, anh em đã dùng chi thể của anh em làm nô lệ những điều ô uế và sự vô luân, để trở thành vô luân, thì nay, anh em cũng hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công chính để trở nên thánh thiện... Giờ đây, anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa, anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc được sống đời đời" (x. Rm 6,19.22).
II. ÂN SỦNG
Gratia
Chúng ta được công chính hóa nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Ân sủng là một ân huệ, một trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban để chúng ta đáp lại tiếng gọi của Người: trở thành con cái Thiên Chúa (x. Ga 1,12-18), làm nghĩa tử (x. Rm 8,14-17), tham dự vào bản tính Thiên Chúa (x. 2Pr 1, 3-4) và vào sự sống đời đời (x. Ga 17,3).
1997 375 260.
Ân sủng cho chúng ta tham dự vào sự sống Thiên Chúa, vào đời sống thâm sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu tham dự vào ân sủng của Đức Ki-tô, Đầu của Thân Thể. Nhờ kết hiệp với "Con Một Thiên Chúa", họ trở thành nghĩa tử và được gọi Thiên Chúa là "Cha". Họ lãnh nhận sự sống của Chúa Thánh Thần, Đấng thông ban đức mến và xây dựng Hội Thánh.
1998 1719.
Ơn gọi vào sự sống vĩnh cữu là một ơn siêu nhiên, tùy thuộc hoàn toàn vào sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa, vì chỉ mình Người mới có thể tự mặc khải và tự hiến. Ơn gọi ấy vượt mọi khả năng của trí tuệ và ý chí con người, cũng như của mọi thụ tạo (x. 1Cr 2,7-9).
1999 1966
Ân sủng của Đức Ki-tô là ân huệ nhưng không, qua đó Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống của Người. Nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa ban sự sống đó vào linh hồn để chữa trị tội lỗi và thánh hóa chúng ta. Đó là ơn thánh hóa hay ơn thần hóa nhận được trong bí tích Thánh Tẩy. Trong chúng ta, ơn này là căn nguyên của công trình thánh hóa (x. Ga 4,14; 7, 38-39):
"Phàm ai kết hợp với Đức Ki-tô đều là thụ tạo mới, cái cũ đã qua, cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa, là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hòa giải với Người" (2 Cr 5,17-18).
2000.
Ơn thánh hóa là một ân huệ thường tồn, một trạng thái siêu nhiên bền vững, hoàn thiện linh hồn để chúng ta có thể sống với Thiên Chúa và hành động nhờ tình yêu của Người. Chúng ta phân biệt ơn thường sủng và ơn hiện sủng. Ơn thường sủng là trạng thái thường xuyên để sống và hành động theo tiếng gọi của Thiên Chúa, và ơn hiện sủng là những can thiệp của Thiên Chúa lúc khởi đầu cuộc hoán cải hoặc trong quá trình thánh hóa.
2001 490.
Chuẩn bị cho con người đón nhận ân sủng cũng đã là một công trình của ân sủng. Việc chuẩn bị này cần thiết để khơi dậy và nâng đỡ sự cộng tác của chúng ta vào việc công chính hóa nhờ đức tin, vào việc thánh hóa nhờ đức mến. Thiên Chúa hoàn thành nơi ta điều Người đã khởi sự "vì Người khởi sự bằng cách tác động thế nào để chúng ta ước muốn, và Người hoàn thành bằng cách hợp tác với ý muốn đã được hoán cải của chúng ta" (T.Âu-tinh, 17):
"Chúng ta cũng làm việc nhưng chỉ cùng làm với Thiên Chúa, Đấng đang hoạt động. Thiên Chúa giàu lòng thương xót đi bước trước để chữa lành chúng ta và một khi chúng ta được chữa lành, Người vẫn dõi theo để chúng ta được tác sinh; Thiên Chúa giàu lòng thương xót đi bước trước để kêu gọi chúng ta, Người vẫn dõi theo chúng ta để chúng ta được vinh quang; Thiên Chúa giàu lòng thương xót đi bước trước để giúp chúng ta sống theo lòng nhân hậu, người vẫn dõi theo chúng ta để chúng ta sống mãi với Người; vì không có Người, chúng ta chẳng làm được gì" (T.Âu-tinh, 31).
2002 1742.
Thiên Chúa tự do khởi xướng và Người muốn con người đáp trả với tất cả tự do. Khi tạo dựng con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa không chỉ ban cho họ sự tự do mà còn ban khả năng nhận biết và yêu mến Người. Chỉ khi tự nguyện, con người mới có thể bước vào hiệp thông tình yêu. Thiên Chúa trực tiếp lay động lòng người. Thiên Chúa đặt trong con người khát vọng chân lý và điều thiện mà chỉ có Người mới có thể thỏa mãn. Lời hứa ban sự sống đời đời đáp lại khát vọng này, vượt trên mọi mong ước của con người:
2550.
"Chúa đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy sau khi hoàn tất công trình rất tốt đẹp của Chúa... chính là để nói trước với chúng ta qua lời Sách Thánh rằng, sau khi hoàn tất công trình rất tốt đẹp của chúng con mà chính Chúa đã ban tặng, thì đến lượt chúng con, chúng con cũng hưởng ngày hưu lễ của cuộc sống trường sinh và nghỉ ngơi trong Chúa" (T.Âu-tinh, tự thuật 13, 36. 51)
2003 1108 1127 799-801.
Ân sủng trước tiên và chính yếu là hồng ân Thánh Thần để công chính hóa và thánh hóa chúng ta. Nhưng ân sủng cũng gồm các hồng ân Chúa Thánh Thần ban để liên kết chúng ta vào công trình của Người, ban cho chúng ta khả năng cộng tác vào công trình cứu độ tha nhân và làm phát triển Thân Thể Chúa Ki-tô là Hội Thánh. Đó là các ân sủng bí tích, mỗi bí tích ban ơn riêng. Ngoài ra, còn có các ân sủng đặc biệt gọi là đặc sủng theo từ Hi Lạp thánh Phao-lô sử dụng có nghĩa là đặc ân, quà tặng nhưng không, ân huệ (x. LG 12). Dù có đặc tính nào đi nữa, đôi khi là ngoại thường, như ơn làm phép lạ hay nói tiếng lạ, các đặc sủng cũng đều quy hướng về ơn thánh hóa và có mục đích phục vụ lợi ích chung của Hội Thánh. Các đặc sủng đều phục vụ cho đức mến để xây dựng Hội Thánh (x. 1Cr 12).
2004.
Trong các ân sủng, phải nêu lên các ơn chức phận được ban cho người thi hành các bổn phận của đời sống ki-tô hữu và các thừa tác vụ trong lòng Hội Thánh:
"Chúng ta có những đặc sủng khác nhau tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Ai được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Ai được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai được ơn giảng dạy, thì hãy giảng dạy. Ai được ơn khuyên bảo, thì hãy khuyên bảo. Ai chia cơm sẻ áo thì phải thật lòng. Ai chủ tọa thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái, thì hãy vui vẻ mà làm" (Rm 12, 6-8).
2005.
Ân sủng thuộc bình diện siêu nhiên, nên vượt tầm kinh nghiệm của chúng ta, và chỉ nhận biết được bằng đức tin. Cho nên chúng ta không thể dựa trên tình cảm hay các việc làm của chúng ta để suy luận rằng, chúng ta đã được công chính hóa và được cứu rỗi (Cđ. Trentô: DS 1533-15324 ). Tuy nhiên, theo lời Chúa phán: "Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai" (Mt 7,20), việc nhìn xem các ân huệ của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và trong đời sống các thánh, cống hiến cho chúng ta một bảo đảm rằng ân sủng đang hoạt động trong chúng ta và khuyến khích chúng ta tiến tới một đức tin lớn mạnh hơn, và một thái độ nghèo khó đầy tín thác.
"Một trong những minh họa đẹp nhất của thái độ này là câu trả lời của thánh nữ Gioana thành Ars trước một câu hỏi gài bẫy của các quan tòa: "Khi bị hỏi: cô biết mình có ân nghĩa với Chúa không; Người trả lời: "nếu tôi chưa có, xin Chúa ban cho tôi, nếu tôi có rồi, xin Chúa thương gìn giữ tôi trong ân nghĩa Người" (T.Gio-a-na thành Ars).
"Chúa được tôn vinh nơi cộng đồng chư thánh, vì khi tuyên dương công trạng của họ, Chúa tuyên dương ân sủng của Người" (x. Sách lễ Rô-ma, tiền tụng lễ các thánh, dựa theo lời của thánh Âu-tinh, vị tiến sĩ về ân sủng, Tv 102,7).
2006 1723 1807.
Cộng đoàn hay tập thể phải "trả công" cho hành động của một thành viên: thưởng khi có công, phạt khi có tội. Đây là đòi hỏi của đức công bình vì phù hợp với nguyên tắc bình đẳng. Hành động đáng thưởng được gọi là "công trạng" của một người.
2007 42
Theo đúng nghĩa, con người không có công trạng gì trước mặt Thiên Chúa. Giữa Thiên Chúa và con người có một sự chênh lệch vô tận, vì tất cả những gì chúng ta có đều nhận được từ Đấng Sáng Tạo.
2008 306 155 .970.
Vì Thiên Chúa đã tự do an bài cho con người cộng tác với ân sủng nên trong cuộc sống, người ki-tô hữu có thể lập được công trạng trước mặt Thiên Chúa. Khởi điểm cho sự cộng tác này luôn là hành động của Thiên Chúa là Cha, Đấng thôi thúc con người hành dộng tự do đến mức có thể nói, công trạng đầu tiên thuộc về ân sủng của Thiên Chúa, sau đó mới quy về người tín hữu. Hơn nữa, công trạng của con người phải quy về Thiên Chúa, vì những việc lành của họ xuất phát từ Đức Ki-tô, nhờ Chúa Thánh Thần gợi hứng và trợ lực.
2009 604.
Khi nhận chúng ta làm nghĩa tử, Thiên Chúa cho chúng ta thông hiệp bản tính của Người. Ơn nghĩa tử cũng đem lại cho chúng ta một công trạng đích thực dựa theo đức công chính nhưng không của Thiên Chúa. Đây là một quyền xuất phát từ ân sủng, quyền vô song xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa biến chúng ta thành kẻ "đồng thừa tư" với Đức Ki-tô và xứng đáng lãnh nhận "gia tài đã hứa là đời sống vĩnh cửu" (Cđ. Tren-tô: DS 1546). Công trạng các việc lành của chúng ta là hồng ân do lòng nhân hậu của Thiên Chúa. "Ân sủng đã đi bước trước, giờ đây chúng ta phải đền đáp những gì đã lãnh nhận... Công trạng là hồng ân của Thiên Chúa" (T. Âu-tinh, bài giảng 298,4-5)
2010 1998.
Trên bình diện ân sủng, không ai lập được công trạng để đáng lãnh nhận ân sủng tiên khởi mở đầu cho các ơn hoán cải, tha thứ và công chính hóa, vì sáng kiến là do Thiên Chúa. Sau đó dưới tác động của Thánh Thần và đức mến, chúng ta mới có thể lập công để đáng lãnh nhận cho mình và cho tha nhân, những ân sủng hữu ích cho việc thánh hóa, gia tăng ân sủng và tình yêu, cũng như đạt được đời sống vĩnh cữu. Theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể lập công để đáng lãnh nhận những lợi ích trần thế như sức khỏe, tình bạn. Kitô hữu vẫn nguyện xin Thiên Chúa ban cho mình các ân sủng và lợi ích này. Lời cầu nguyện có thể làm Thiên Chúa thương, ban ân sủng cần thiết giúp chúng ta thực hành những việc đáng thưởng công.
2011 492.
Tình yêu Đức Ki-tô trong ta là nguồn mọi công trạng của ta trước mặt Thiên Chúa. Ân sủng kết hợp chúng ta với Đức Ki-tô trong tình yêu năng động, bảo đảm tính siêu nhiên của các việc chúng ta làm và do đó bảo đảm công trạng trước mặt Thiên Chúa và con người. Các thánh luôn ý thức mãnh liệt, công trạng của họ hoàn toàn do ân sủng.
1460.
“Sau cuộc lưu đày trần thế, con hy vọng được vui hưởng nhan Chúa nơi quê thật trên trời. Con không muốn thu thập công trạng để được lên thiên đàng, con làm việc chỉ vì tình yêu Chúa mà thôi... Cuối cuộc đời này, con đến trình diện trước mặt Chúa với đôi bàn tay không, vì, lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các việc con làm. Mọi điều công chính của chúng con đều mang tì vết trước nhan Chúa. Con chỉ ao ước mặc lấy sự công chính của Chúa và đón nhận từ tình yêu Chúa phần gia nghiệp đời đời là chính Chúa (FT. Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, tận hiến cho tình yêu nhân từ”)
IV. SỰ THÁNH THIỆN KITÔ GIÁO
2012 459.
"Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người... Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang" (x. Rm 8, 28-30).
2013 915, 2545 825.
"Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng, tất cả các ki-tô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Ki-tô giáo và đến sự trọn lành của đức mến" (x. LG 40). Thiên Chúa mời gọi con người nên thánh: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha của anh em, Đấng ngự trên trời là Đấng hoàn thiện" (x. Mt 5,48).
"Để đạt được sự trọn lành đó, tín hữu phải sử dụng những sức lực mà Chúa Ki-tô đã ban nhiều ít tùy ý Người, để... khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng tìm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. Như thế, sự thánh thiện của dân Thiên Chúa sẽ sinh hoa trái dồi dào, như lịch sử Hội Thánh đã từng minh chứng rõ ràng qua đời sống của bao vị thánh" (x. LG 40).
2014 774.
Người Ki-tô hữu phát triển đời sống thiêng liêng nhằm kết hiệp ngày càng mật thiết hơn với Đức Ki-tô. Sự kết hiệp này được gọi là " thần bí", vì nhờ các bí tích và các mầu nhiệm thánh, người tín hữu được tham dự vào mầu nhiệm Đức Ki-tô, và trong Đức Ki-tô, họ còn được tham dự vào mầu nhiệm của Ba Ngôi Chí Thánh. Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta tới kết hiệp mật thiết với Người, dù Thiên Chúa chỉ ban những ân sủng đặc biệt và dấu chỉ ngoại thường về đời sống thần bí này cho một số người, để làm nổi bật những ân sủng Người ban tặng cho tất cả chúng ta.
2015 407, 2725 1438.
Con đường tiến đến hoàn thiện phải ngang qua Thập Giá. Không thể nào đạt được sự thánh thiện, nếu không có từ bỏ và chiến đấu nội tâm. Sự tiến bộ thiêng liêng đòi phải có tu luyện và khổ chế, từng bước giúp người tín hữu sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc thật.
"Muốn lên cao, phải bắt đầu lại mãi, bắt đầu này tiếp nối bắt đầu kia. Ai trèo lên sẽ không ngừng mơ ước điều họ đã biết" (T. Ghê-gô-ri-ô thành Nit-sê, bài giảng 8)
2016 162 , 1821 127.
Là con cái của Mẹ Hội Thánh, chúng ta hy vọng Thiên Chúa là Cha sẽ ban ơn trợ lực giúp chúng ta bền đỗ đến cùng và ban phần thưởng cho các việc làm, mà nhờ ân sủng của Người, chúng ta đã làm trong sự kết hiệp với Đức Giê-su. Vì cùng sống theo một quy luật, chúng ta được chia sẻ "niềm hy vọng hồng phúc" với những người mà Thiên Chúa nhân hậu đã quy tụ trong "thành thánh Giê-ru-sa-lem mới từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang" (Kh 21,2).
TÓM LƯỢC
2017
Ân sủng của Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự công chính của Thiên Chúa. Qua đức tin và bí tích Thánh Tẩy, Chúa Thánh Thần kết hợp chúng ta vào cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô và cho chúng ta tham dự vào cuộc sống của Đức Ki-tô.
2018
Cũng như ơn hoán cải, ơn công chính có hai mặt. Dưới tác động của ân sủng, con người quay về với Thiên Chúa và từ bỏ tội lỗi ; nhờ đó, được Thiên Chúa ban ơn tha thứ và sự công chính.
2019
Ơn công chính hóa bao gồm ơn tha thứ tội lỗi, ơn thánh hóa và canh tân con người nội tâm.
2020
Cuộc Khổ Nạn của Đức Ki-tô là nguồn ơn công chính hóa cho mọi người. Ơn này được ban cho chúng ta qua bí tích Thánh Tẩy, giúp chúng ta sống phù hợp với sự công chính của Thiên Chúa, Đấng làm cho ta nên công chính. Ơn công chính hóa nhằm vào việc tôn vinh Thiên Chúa, tôn vinh Đức Ki-tô và ban tặng cho ta sự sống vĩnh cửu. Đây là công trình tuyệt hảo của Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
2021
Ân sủng là sự trợ giúp của Thiên Chúa để chúng ta đáp lại lời mời gọi làm nghĩa tử của Người. Ân sủng đưa chúng ta vào cuộc sống thâm sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
2022
Trong công trình của ân sủng, Thiên Chúa có sáng kiến khởi xướng, chuẩn bị và gợi lên lời đáp trả tự do của con người. Ân sủng đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người tự do. Ân sủng kêu gọi con người tự do cộng tác và kiện toàn sự tự do của họ.
2023
Ơn thánh hóa là ơn nhưng không, qua đó Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống của Người. Chúa Thánh Thần ban ơn này vào linh hồn, để chữa trị tội lỗi và thánh hóa chúng ta.
2024
Ơn thánh hóa làm cho chúng ta nên đẹp lòng Thiên Chúa. Còn đặc sủng là những ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần, quy về ơn thánh hóa, nhằm mưu ích chung cho Hội Thánh. Thiên Chúa còn hành động qua nhiều ân sủng trợ lực, rất đa dạng, mà chúng ta phân biệt với thường sủng vẫn hoạt động nơi chúng ta.
2025
Chúng ta có lập được công trạng trước mặt Chúa là do ý định tự do của Người muốn chúng ta cộng tác vào công trình ân sủng. Công trạng đầu tiên thuộc về ân sủng của Thiên Chúa, thứ đến mới tới sự cộng tác của con người. Công trạng của con người phải quy về Thiên Chúa.
2026
Vì Thiên Chúa đón nhận chúng ta làm nghĩa tử, nên ân sủng của Thánh Thần có thể đem lại cho chúng ta một công trạng đích thực dựa theo đức công chính nhưng không của Thiên Chúa. Đức mến trong ta là cội nguồn chính yếu, để ta có được công trạng trước mặt Thiên Chúa.
2027
Không ai lập được công trạng để lãnh nhận ân sủng tiên khởi mở đầu cho hoán cải. Dưới tác động của Thánh Thần, chúng ta có thể lập được công trạng cho mình và cho tha nhân để đón nhận tất cả những ân sủng hữu ích nhằm đạt tới đời sống vĩnh cửu, cũng như các lợi ích cần thiết ở trần gian.
2028
"Mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các ki-tô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Ki-tô giáo và đến sự trọn lành của đức mến" (x. LG 40). "Sự trọn lành Ki-tô giáo chỉ có một giới hạn, đó là không có giới hạn nào cả" (T. Ghê-gô-ri-ô thành Nit-sê ).
2029
"Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" ( Mt 16, 24).
Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho