SECTIO PRIMA CHƯƠNG II CAPUT SECUNDUM Mục 3 Articulus 3: Iustitia socialis Aequalitas et differentiae inter homines Compendium Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE
1992
PHẦN THỨ BA
Ðời Sống Trong Ðức Kitô
PARS TERTIA
VITA IN CHRISTO
ĐOẠN THỨ NHẤT
ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI: SỐNG TRONG THÁNH THẦN
VOCATIO HOMINIS: VITA IN SPIRITU
CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI
COMMUNITAS HUMANA
CÔNG BẰNG XÃ HỘI
1928 2832.
Xã hội bảo đảm công bằng xã hội khi tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi để các đoàn thể cũng như mỗi cá nhân có được những gì họ có quyền hưởng theo bản tính và ơn gọi của họ. Công bằng xã hội liên hệ mật thiết với công ích và với việc thực thi quyền bính.
I. TÔN TRỌNG NHÂN VỊ
1929 1881.
Chỉ có được công bằng xã hội khi phẩm giá siêu việt của con người được tôn trọng. Con người là mục đích tối hậu của xã hội, vì xã hội nhằm phục vụ con người:
"Đấng Tạo Hóa đã trao cho chúng ta trách nhiệm bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người. Trong mọi hoàn cảnh lịch sử, mọi người nam cũng như nữ, đều phải đảm nhận trọng trách này" (x. SRS 47).
1930 1700 1902.
Tôn trọng nhân vị gồm cả việc tôn trọng các quyền phát sinh từ phẩm giá của thụ tạo là con người. Các quyền này không do xã hội ban cho và xã hội phải công nhận chúng. Các quyền ấy là cơ sở để mọi quyền bính có được hợp pháp về mặt luân lý (x. PT 65). Khi chà đạp hay phủ nhận các quyền ấy trong luật pháp hiện hành của mình thì xã hội tự phá hoại tính hợp pháp về mặt luân lý của chính mình. Không có sự tôn trọng nhân vị, quyền bính chỉ có thể dựa trên sức mạnh hay bạo lực, để bắt buộc các thành viên phải tùng phục. Hội thánh có bổn phận nhắc nhở những người thiện chí về những quyền này và phân biệt chúng với những đòi hỏi quá đáng hay sai lầm.
1931 2212 1825.
Để tôn trọng nhân vị phải tôn trọng nguyên tắc: "Mỗi người đều phải xem người đồng loại, không trừ một ai, như "cái tôi thứ hai", nên phải quan tâm đến sự sống của họ và những phương tiện cần thiết giúp họ sống xứng đáng nhân phẩm" (x. GS 27,1). Không một luật pháp nào tự mình có thể xóa bỏ được các nỗi sợ hãi, những thành kiến, những thái độ kiêu căng và ích kỷ, ngăn trở việc xây dựng những xã hội thực sự huynh đệ. Chỉ có đức ái Ki-tô giáo mới có thể lướt thắng những thái độ đó, vì giúp chúng ta đón nhận người khác như một người "thân cận", một người anh em.
1932 2449.
Bổn phận "trở nên người thân cận" của tha nhân và hết lòng phục vụ họ khẩn thiết hơn khi có người gặp khốn khổ trong bất kỳ lãnh vực nào. "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (x. Mt 25,40).
1933.
Bổn phận này cũng được thực thi đối với những kẻ suy nghĩ hay hành dộng khác chúng ta. Giáo huấn của Đức Ki-tô đòi buộc chúng ta phải tha thứ mọi xúc phạm (x. Mt 5,43-44). Giới răn của luật mới dạy chúng ta yêu thương cả kẻ thù. Sống theo Tin Mừng, chúng ta không được oán ghét kẻ thù, dù ghét điều ác do họ gây ra.
II. CON NGƯỜI: DỊ BIỆT NHƯNG BÌNH ĐẲNG
1934 225.
Mọi người có cùng một bản tính và cùng một nguồn gốc, vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa duy nhất, và được ban cho một linh hồn. Nhờ hy tế của Đức Ki-tô cứu chuộc, mọi người được mời gọi đến hưởng vinh phúc của Thiên Chúa, nên bình đẳng về phẩm giá.
1935 357.
Con người bình đẳng với nhau chủ yếu dựa trên nhân phẩm và các quyền phát xuất từ nhân phẩm:
"Phải vượt lên trên và loại bỏ mọi hình thức kỳ thị về những quyền lợi căn bản của con người, trong phạm vi xã hội hoặc văn hóa, phái tính, chủng tộc, màu da, địa vị xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo, vì như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa" (x. GS 29,2).
1936 1879.
Khi chào đời, con người không có sẵn trong tay tất cả những gì cần thiết để phát triển đời sống thể xác và tinh thần của mình. Con người cần đến tha nhân. Con người khác nhau về tuổi tác, thể lực, những năng lực trí tuệ và tinh thần, những cơ hội mỗi người có được và của cải được phân phối. Thiên Chúa không trao cho mỗi người số "nén bạc" như nhau.
1937 340 791 1202.
Những dị biệt này nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn mỗi người đón nhận điều mình cần từ người khác. Ai lãnh được những "nén bạc" đặc biệt, phải biết thông truyền những lợi ích của các tài năng đó cho những ai cần đến. Các dị biệt khuyến khích và thường đòi buộc mọi người sống độ lượng, hảo tâm và chia sẻ, kích thích các nền văn hóa trao đổi, làm phong phú cho nhau:
"Ta không ban cho mọi người các đức tính như nhau, nhưng kẻ này được đức tính này, kẻ khác được đức tính khác... Ta ban cho người này đức ái, kẻ khác được đức công chính, sự khiêm nhường hay đức tin sống động... Còn về những điều cần thiết cho đời sống con người, Ta đã không phân phối đồng đều, không muốn mỗi người có đủ mọi sự, để buộc họ phải thực thi đức ái. Ta muốn họ cần đến nhau và trở thành những thừa tác viên của Ta để phân phát những ân sủng và mọi thứ Ta đã quảng đại ban cho họ" (T. Catarina thành Siênna 1,7).
1938 2437.
Tuy nhiên có hàng triệu người nam cũng như nữ bị đối xử bất bình đẳng. Điều này rõ ràng nghịch với Tin Mừng.
2317
"Sự bình đẳng về nhân phẩm đòi hỏi người ta phải tiến tới mức sống nhân đạo hơn và xứng hợp với con người hơn. Thực vậy, những chênh lệch quá đáng về kinh tế và xã hội giữa những thành phần hay giữa những dân tộc trong cùng một gia đình nhân loại thực là những gương xấu và đi ngược với công bằng xã hội, lẽ phải, nhân phẩm và nền hòa bình xã hội cũng như quốc tế (x. GS 29,3).
III. TÌNH LIÊN ĐỚI NHÂN LOẠI
1939 2213
Nguyên tắc liên đới, còn gọi là "thân hữu" hay "bác ái xã hội", là một đòi hỏi xuất phát trực tiếp từ tình huynh đệ nhân bản và Ki-tô giáo (x. SRS 38-40;CA 10).
360
Một sự sai lầm "khá phổ biến ngày nay, là quên đi cái luật về tình liên đới nhân loại và về bác ái, một luật đã được ban ra và được áp đặt bởi sự tất cả mọi người cùng có chung một nguồn gốc và cùng có bản tính lý trí như nhau, dù thuộc về dân tộc nào mặc lòng, cũng như bởi Chúa Giêsu Kitô trên bàn thờ Thập giá, dâng lên Cha Ngài để đền tội cho nhân loại tội lỗi"
1940 2402.
Tình liên đới biểu lộ trước tiên qua việc phân phối của cải và trả lương lao động. Tình liên đới đòi phải có một nỗ lực xây dựng trật tự xã hội công bình hơn, trong đó những căng thẳng có thể dàn hòa tốt đẹp và những xung khắc được giải quyết dễ dàng nhờ thương lượng.
1941 2317.
Những vấn đề kinh tế xã hội chỉ có thể được giải quyết nhờ các hình thức liên đới: liên đới giữa những người nghèo với nhau, giữa giàu với nghèo, giữa những người lao động, giữa chủ và thợ, giữa các quốc gia và dân tộc. Tình liên đới quốc tế là một đòi hỏi của trật tự luân lý. Hòa bình thế giới cũng tùy thuộc một phần vào tình liên đới này.
1942 1887 2632.
Tình liên đới không chỉ nhằm vào của cải vật chất. Khi phân phát các ân huệ thiêng liêng của đức tin, Hội Thánh giúp con người phát triển những lợi ích trần thế, bằng cách khai mở những con đường mới cho cuộc phát triển này. Như thế, Lời Chúa được ứng nghiệm qua dòng thời gian: "Trước hết phải lo tìm kiếm Nước Chúa và ăn ở ngay lành như Người đòi hỏi, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho"(Mt 6,33):
Hai ngàn năm qua, trong lòng Hội Thánh vẫn có một tâm tình sống động đã và đang thúc đẩy nhiều người sống đời tận hiến đến mức anh hùng - các đan sĩ cày sâu cuốc bẫm, những nhà giải phóng nô lệ, những người chữa trị bệnh nhân, các sứ giả mang đức tin văn minh và khoa học đến với mọi thế hệ và dân tộc, nhằm tạo ra những hoàn cảnh xã hội khả dĩ giúp mọi người có được một đời sống xứng đáng với phẩm giá con người và phẩm giá của một ki-tô hữu (x. Pi-ô XII, diễn từ ngày 1-6-1991).
TÓM LƯỢC
1943.
Xã hội bảo đảm công bằng xã hội bằng cách tạo ra những hoàn cảnh giúp các tập thể và cá nhân nhận được những gì họ có quyền hưởng.
1944.
Tôn trọng nhân vị là coi kẻ khác như chính mình. Điều này đòi buộc phải tôn trọng những quyền căn bản phát xuất từ phẩm giá đích thực của con người.
1945.
Mọi người đều bình đẳng dựa trên nhâm phẩm và các quyền xuất phát từ nhân phẩm.
1946.
Những dị biệt giữa con người nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Người muốn chúng ta cần đến nhau. Những dị biệt ấy đòi con người sống bác ái với nhau.
1947.
Vì con người bình đẳng về nhân phẩm nên phải cố gắng giảm thiểu những chênh lệch quá đáng về xã hội và kinh tế, xóa bỏ bất bình đẳng.
1948.
Tình liên đới là một đức tính nổi bật của Ki-tô giáo. Tình liên đới thúc bách chúng ta chia sẻ của cải vật chất và hơn nữa, cả của cải tinh thần.
Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho