Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE

1992

 

PHẦN THỨ BA

Ðời Sống Trong Ðức Kitô

PARS TERTIA 
VITA IN CHRISTO


ĐOẠN THỨ NHẤT
ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI: SỐNG TRONG THÁNH THẦN

SECTIO PRIMA 
VOCATIO HOMINIS: VITA IN SPIRITU


CHƯƠNG I
PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ CON NGƯỜI

CAPUT PRIMUM 
PERSONAE HUMANAE DIGNITAS 


Mục 8
TỘI LỖI

Articulus 8: Peccatum


I. LÒNG THƯƠNG XÓT NGƯỜI TỘI LỖI

Misericordia et peccatum


1846 430 1365.
Tin Mừng là mặc khải được thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thiên thần loan báo cho Thánh Giu-se: "Ông phải đặt tên con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi" (Mt 1, 21). Đức Giê-su cũng nói về bí tích Thánh Thể, bí tích cứu chuộc. "Đây là máu Thầy, máu giao ước, sẽ đổ ra cho mọi người được tha tội" (Mt 26,28).

1847 387,455.
"Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta không cần có chúng ta cộng tác; nhưng Người đã không muốn cứu độ chúng ta mà không có chúng ta góp phần" (T. Augustinô bài giảng169, 11,13). Để đón nhận lòng thương xót của Người chúng ta cần thú nhận tội lỗi. "Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi mình, thì Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính (1Ga 1, 8-9).

1848 385.
Thánh Phao-lô quả quyết: "Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội". Thiên Chúa ban ân sủng để vạch trần tội lỗi nhằm hoán cải lòng ta và "làm cho ta nên công chính, để được sống đời đời nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta" (Rm 5,20-21). Như bác sĩ xem xét vết thương trước khi băng bó, Thiên Chúa dùng lời và Thánh Thần giúp chúng ta thấy rõ tội lỗi:

1433
Hoán cải đòi hỏi tội nhân phải ý thức rõ về tội lỗi của mình; do đó bao hàm một phán quyết từ bên trong của lương tâm. Phán quyết này là bằng chứng Thánh Thần chân lý hoạt động trong tâm hồn con người và cũng là khởi điểm để Thiên Chúa ban lại ân sủng và tình yêu: "Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần". Như thế trong việc ý thức tội lỗi, chúng ta nhận ra một hồng ân kép: ơn giúp lương tâm nhận biết chân lý, ơn giúp chúng ta tin chắc được ơn cứu chuộc. Thánh Thần chân lý cũng là Đấng an ủi (DV 31).

 

 

II. ĐỊNH NGHĨA TỘI LỖI

Peccati definitio


1849 311 1952.
Tội là lỗi phạm đến lý trí, chân lý, lương tâm ngay chính, là thiếu tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân, vì quyến luyến lệch lạc với thụ tạo. Tội làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới giữa nhân loại. Vì thế, tội được định nghĩa như: "Một lời nói, một hành vi, một ước muốn trái với lề luật vĩnh cửu" (T. Âu-tinh, chống Faust 22,27; T.Tô-ma Aquinô, Tổng Luận Thần Học 1-2, 71,6).

1850 1440 397 615.
Tội là xúc phạm đến Thiên Chúa. "Con đã xúc phạm đến Chúa, đến một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài" (Tv 51,6). Tội chống lại tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và khiến lòng ta xa lánh Người. Cũng như đầu tiên tội là một sự bất tuân, một sự nổi loạn chống Thiên Chúa, lại muốn "trở nên như những vị thần" biết và quyết định điều thiện, điều ác, (St 3, 5). Như thế, tội là "yêu mình đến mức khinh thị Thiên Chúa" (T.Augustinô14,28). Vì kiêu căng tự cao tự đại, tội hoàn toàn trái ngược với thái độ vâng phục của Đức Giê-su, Đấng thực hiện ơn cứu độ (x. Pl 2,6-9).

1851 598 2746 616.
Chính trong cuộc khổ nạn, khi lòng thương xót của Đức Ki-tô chiến thắng tội lỗi, mà tội lỗi lộ rõ nhất tính hung bạo và đa dạng của nó: các thủ lãnh và dân chúng cứng lòng tin, căm thù, chối bỏ và nhạo báng Người; Phi-la-tô hèn nhát; quân lính tàn bạo; Giu-đa phản bội, gây đau đớn cho Chúa Giê-su; Phê-rô chối Thầy và các tông đồ bỏ trốn. Tuy nhiên, chính vào giờ của bóng tối và thủ lãnh thế gian này có vẻ thắng thế (x. Ga 14,30), Đức Ki-tô đã tự hiến và âm thầm trở nên nguồn mạch vô tận thông ban ơn tha tội cho chúng ta.

 


III. CÁC THỨ TỘI KHÁC NHAU

Peccatorum diversitas


1852.
Tội lỗi rất đa dạng. Thánh Kinh nhiều lần liệt kê các thứ tội. Thư Ga-lát đối nghịch các công việc của xác thịt với hoa trái của Thánh Thần. "Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôm, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho anh em, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa" (Gl 5,19-21; x. Rm 1,28-32).


1853 1751 2067 368.
Chúng ta có thể phân biệt tội lỗi theo đối tượng, như đối với các hành vi nhân linh, hoặc theo các nhân đức mà chúng đối nghịch cách thái quá hay bất cập, hoặc theo các điều răn mà chúng vi phạm. Chúng ta cũng có thể phân loại tội lỗi dựa theo tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân hoặc với chính bản thân; "Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế" (Mt 15,19-20). Nhưng trong lòng con người cũng còn có đức mến, nguồn gốc của các việc lành và thanh sạch, dù đức mến cũng bị tội làm tổn thương.

 


IV. MỨC ĐỘ NẶNG NHẸ CỦA TỘI LỖI: TỘI TRỌNG VÀ TỘI NHẸ

Gravitas peccati: peccatum mortale et veniale


1854.
Tội được đánh giá theo mức độ nghiêm trọng. Kinh nghiệm của con người cũng xác nhận điều này. Truyền thống Hội Thánh nhận cách phân biệt tội trọng và tội nhẹ như đã có trong Thánh Kinh. Kinh nghiệm con người xác nhận điều này.

1855 1395.
Tội trọng phá hủy đức mến trong lòng con người do vi phạm nghiêm trọng luật Thiên Chúa. Khi phạm tội, con người quay lưng với Thiên Chúa là cùng đích và chân phúc của mình, bằng cách yêu chuộng một thụ tạo thấp kém hơn.

Tội nhẹ không phá hủy nhưng xúc phạm và gây tổn thương đức mến.

1856 1446.
Tội trọng đánh vào nguyên lý sống còn trong chúng ta là đức mến, nên cần đến một sáng kiến của Thiên Chúa giàu lòng xót thương và một cuộc hoán cải nội tâm trong bí tích Giao Hòa.

“Khi ý chí hướng về một điều nghịch lại với đức mến là nhân đức quy hướng ta về cùng đích, thì do đối tượng, tội này là tội trọng... khi nghịch với lòng mến Chúa, như lộng ngôn, bội thề, v.v... hay nghịch với lòng yêu người, như sát nhân, ngoại tình, v.v... Ngược lại, khi ý chí của tội nhân đôi khi hướng chiều về một điều tự nó là một sự vô trật tự nhưng không nghịch với lòng mến Chúa yêu người, thí dụ như ăn nói bừa bãi, cười cợt lố lăng v.v... Đó là những tội nhẹ (T. Tô-ma A-qui-nô, Tổng Luận Thần Học 1-2,88).

1857.
Một tội được coi là trọng khi hội đủ ba điều kiện: "Phạm một lỗi nặng, với đầy đủ ý thức và cố tình" (x. RP: Tông Huấn Sám hối và Hòa giải 17).

1858 2072 2214.
Lỗi nặng được xác định trong Mười Điều Răn, như Đức Giê-su trả lời người thanh niên giàu có: "Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thảo kính cha mẹ" (Mc 10,19). Tội có thể nặng hoặc nhẹ: tội giết người nặng hơn trộm cắp. Phải xét đến cả phẩm giá của những người bị xúc phạm: tội hành hung cha mẹ nặng hơn tội hành hung một người lạ.

1859 1734.
Tội trọng đòi phải có nhận thức đầy đủ và hoàn toàn ưng thuận. Điều này giả thiết người phạm tội phải biết hành vi đó là tội, trái với luật Thiên Chúa. Tội trọng bao hàm một sự ưng thuận có suy nghĩ cặn kẽ để trở thành một lựa chọn cá nhân. Việc thiếu hiểu biết do lỗi mình và lòng chai đá không làm giảm bớt, mà còn gia tăng tính cách cố tình của tội lỗi.

1860 1735 1767.
Nếu thiếu hiểu biết ngoài ý muốn, người phạm lỗi nặng có thể được giảm hoặc miễn trách nhiệm. Nhưng không ai được coi là không biết đến những nguyên tắc của luân lý đã được ghi khắc trong lương tâm mỗi người. Các thúc đẩy của bản năng, các đam mê, các áp lực bên ngoài, hoặc những rối loạn do bệnh tật, cũng có thể làm cho hành vi phạm lỗi bớt tính cách tự ý và tự do. Nặng nhất là tội phạm do ác tâm, vì chủ ý lựa chọn điều xấu.

1861 1742 1033.
Cũng như tình yêu, tội trọng là một chọn lựa triệt để của tự do con người. Khi phạm tội trọng, con người đánh mất đức mến, tự tước bỏ ơn thánh hóa, tức là tình trạng ân sủng. Nếu tội trọng không được chuộc lại bằng việc hối cải của tội nhân và bằng ơn tha thứ của Thiên Chúa, người mắc tội trọng sẽ bị loại khỏi vương quốc của Đức Ki-tô và bị án phạt đời đời trong hỏa ngục, vì tự do của chúng ta có khả năng thực hiện những lựa chọn vĩnh viễn, không đảo ngược được. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể phán đoán một hành vi là lỗi nặng, chúng ta vẫn phải dành quyền phán xét người đó cho Thiên Chúa công bình và giàu lòng thương xót.

1862.
Chúng ta phạm tội nhẹ khi vi phạm luật luân lý trong điều nhẹ, hay lỗi điều nặng nhưng không hoàn toàn hiểu biết hay ưng thuận.

1863 1394 1472.
Tội nhẹ làm suy yếu đức mến, cho thấy lòng quyến luyến lệch lạc của cải trần thế, ngăn cản chúng ta tiến triển trong việc thực hành các đức tính và điều thiện. Người phạm tội nhẹ đáng chịu những hình phạt hữu hạn. Ai cố tình phạm tội nhẹ và không sám hối sẽ đi dần đến chỗ phạm tội trọng, Tuy nhiên, người phạm tội nhẹ không cắt đứt giao ước với Thiên Chúa, với ân sủng Thiên Chúa trợ giúp, con người có thể điều chỉnh lại tình trạng này. "Tội nhẹ không làm mất ơn thánh hóa hay ơn thần hóa và đức mến, nên cũng không làm mất phúc thật vĩnh cửu".

Bao lâu con người còn mang thân xác, thì không thể tránh được mọi tội, ít là các tội nhẹ. Nhưng các tội mà ta gọi là nhẹ, bạn chớ xem nó như vô hại: nếu bạn coi chúng như vô hại khi bạn cân nhắc chúng, thì bạn hãy run sợ khi bạn đếm chúng. Nhiều vật nhỏ hợp thành một khối to, nhiều giọt nước làm đầy một con sông, nhiều hạt lúa làm thành một đụn. Vậy thì còn hy vọng gì? Trước hết đi xưng tội đã... (T. Âu-Tinh, Thư Gio-an)

1864 2091 1037.
"Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm thượng đến Thần Khí sẽ chẳng được tha" (Mt 12, 31) (x. Mc 3,29; Lc 12,10). Lòng Thiên Chúa thương xót không có giới hạn, nhưng ai cố tình không hối cải và khước từ lòng Thiên Chúa thương xót thì cũng khước từ sự tha tội và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban cho (x. DV 46). Lòng chai dạ đá như thế có thể đưa tới chỗ không hối cải trong giờ sau hết và phải hư mất đời đời.


V. TỘI LỖI SINH SÔI NẢY NỞ

Peccati multiplicatio 


1865 401 1768.
Đã phạm tội một lần, người ta bị lôi cuốn phạm tội nữa. Những hành vi xấu được lặp đi lặp lại sinh ra thói xấu. Hậu quả là con người nghiêng chiều về điều ác, mờ tối lương tâm và lệch lạc trong việc đánh giá cụ thể điều lành và điều dữ. Như thế tội lỗi sinh sôi nảy nở thêm lên, nhưng không thể phá hủy hoàn toàn cảm thức luân lý.

1866 2539.
Các thói xấu có thể được xếp loại dựa theo các nhân đức mà chúng đối nghịch hay theo các mối tội đầu như bản liệt kê của thánh Gio-an Ca-si-a-nô và Grê-gô-ri-ô Cả (x. Mor. 31,45). Được gọi là các mối tội đầu vì chúng sinh ra những tội khác, những thói xấu khác. Các mối tội đầu là: kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, ghen ghét, hờn giận, mê ăn uống, làm biếng.

1867 2268
Truyền thống huấn giáo cũng nhắc đến các thứ "tội kêu thấu đến trời". Đó là: máu của A-ben (x. St 4,10), tội của dân Sô-đô-ma (x. St 18,20;19,13); tiếng kêu than của dân bị áp bức ở Ai Cập (x. Xh 3,7-10); tiếng than van của người ngoại kiều cư trú trên đất nước, của các cô nhi quả phụ (x. Xh 22,20-22); người làm thuê bị đối xử bất công (x. Đnl 24,14-15; Gc 5,4).

1868 1736
Tội là một hành vi cá nhân. Ngoài ra, chúng ta còn có trách nhiệm mang các tội do những người khác phạm, khi chúng ta cộng tác vào đó, bằng cách:
- tham gia cách trực tiếp và cố tình;
- ra lệnh, xúi giục hoặc tán thành;
- che đậy, hoặc không ngăn cản, khi có bổn phận phải can ngăn;
- bao che những người làm điều ác.

1869 408 1887.
Tội làm cho con người trở thành đồng lõa với nhau, và để cho dục vọng, bạo lực, bất công thống trị. Tội lỗi tạo nên những tình trạng xã hội và những định chế nghịch lại với lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Các "tổ chức tội ác" vừa biểu lộ vừa là hậu quả của các tội cá nhân. Chúng xúi giục các nạn nhân cùng phạm tội. Hiểu nghĩa loại suy, có thể gọi chúng là "tội xã hội", "tội tập thể " (x. RP 16).

 


TÓM LƯỢC

Compendium


1870.
"Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người" (Rm 11, 32).

1871.
Tội là "một lời nói, một hành vi hoặc ước muốn trái với lề luật vĩnh cửu" (T. Augustinô chống Faust, 22). Tội là xúc phạm đến Thiên Chúa. Ai phạm tội là chống lại Thiên Chúa qua một hành vi bất tuân trái ngược với thái độ vâng phục của Đức Ki-tô.

1872.
Tội là một hành vi nghịch với lý trí, làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới giữa nhân loại.

1873.
Nguồn gốc của mọi tội lỗi phát xuất từ lòng con người. Các loại tội và mức độ nghiêm trọng được xem xét chủ yếu theo đối tượng của tội.

1874.
Con người phạm tội trong khi chủ ý lựa chọn, nghĩa là biết rõ và muốn một sự việc trái với lề luật Thiên Chúa và với cùng đích tối hậu của con người một cách nghiêm trọng. Tội trọng phá hủy đức mến là nhân đức cần thiết để được hưởng phúc thật vĩnh cửu. Ai phạm tội trọng mà không sám hối, sẽ phải chết đời đời.

1875
Tội nhẹ gây nên một xáo trộn luân lý. Điều này có thể được sửa chữa nhờ đức mến vẫn còn tồn tại trong ta.

1876.
Phạm đi phạm lại các tội, dù là tội nhẹ, người ta sẽ rơi vào những thói xấu, trong đó có các mối tội đầu.

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ