Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE

1992

 

PHẦN THỨ NHẤT

Tuyên Xưng Đức Tin

PARS PRIMA
PROFESSIO FIDEI

 

ĐOẠN THỨ HAI
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

SECTIO SECUNDA
FIDEI CHRISTIANAE PROFESSIO

 

CHƯƠNG III
TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN
CAPUT TERTIUM
CREDO IN SPIRITUM SANCTUM

 

Mục 9
"TÔI TIN HỘI THÁNH CÔNG GIÁO"
ARTICULUS 9
«CREDO SANCTAM ECCLESIAM CATHOLICAM»

 

Tiết 6

ĐỨC MARIA, MẸ CHÚA KITÔ, MẸ GIÁO HỘI

Paragraphus 6: Maria – Mater Christi, Mater Ecclesiae

 

963 487-507 721-726.
Sau khi đã nói về vai trò Đức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm Đức Kitô và Thánh Thần, giờ đây chúng ta nói về địa vị của Mẹ trong mầu nhiệm Hội Thánh. "Thật vậy, Đức Trinh Nữ Maria... được công nhận và tôn kính như Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Chuộc... Mẹ cũng thật là "mẹ các chi thể của Đức Kitô... vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Hội Thánh, là những chi thể của Đức Kitô là Đầu" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 53; Thánh Augustinô, De sancta virginitate, về đức trinh khiết 6, 6). "Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, là Mẹ Hội Thánh" (ĐGH Phaolô VI, diễn từ 21-11-1964).

 


I. TÌNH MẪU TỬ CỦA MẸ MARIA ĐỐI VỚI GIÁO HỘI

Maternitas Mariae relate ad Ecclesiam

 

Đức Maria hoàn toàn kết hợp với Con...
Tota suo Filio unita...

964.     Đức Maria kết hợp với Chúa Kitô, đó là nền tảng vai trò của Mẹ đối với Hội Thánh. "Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu độ được tỏ rõ từ khi Đức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết, cho đến lúc Chúa Kitô chết; đặc biệt trong cuộc Khổ Nạn:

534 618.
"Đức Trinh Nữ tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên Thập Giá, là nơi theo ý Thiên Chúa, Mẹ đã đứng ở đó (x.Ga 19,25). Đức Maria chịu đau khổ kinh khủng với người Con duy nhất của mình, dự phần vào hy lễ của Con, với tâm tình của người mẹ ưng thuận hiến dâng lễ vật do lòng mình sinh ra, để cuối cùng khi hấp hối trên Thập Giá, Chúa Giêsu Kitô đã trối Mẹ làm mẹ của môn đệ: "Thưa Bà, này là con Bà (Ga 19,26-27)" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 58).

965.     Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Mẹ Maria đã "trợ giúp Hội Thánh sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 69). Cùng với các tông đồ và vài phụ nữ, "Đức Maria tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần là Đấng đã bao phủ lấy ngài trong ngày truyền tin" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 59).

 

... Cả khi Mẹ được đưa lên trời...
...etiam in Assumptione sua...

966 491.
"Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Mẹ trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 59; ĐGH Piô XII, Tông hiến Munificentissimus Deus 1-11-1950). Được lên trời cả hồn và xác, Đức Maria tham dự cách độc đáo vào cuộc Phục Sinh của Đức Kitô và thể hiện trước sự Phục Sinh của các Kitô hữu khác:
Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, khi sinh con, Mẹ vẫn khiết trinh; khi yên nghỉ, Mẹ vẫn không lìa bỏ thế gian. Mẹ đã cưu mang Thiên Chúa hằng sống và giờ đây trở về với Thiên Chúa nguồn sống, xin cầu cho linh hồn chúng con được thoát tay tử thần (Phụng vụ Byzantin, điệp ca lễ Đức Mẹ an nghỉ ngày 15 tháng 08)

...Đức Maria là Mẹ chúng ta trên bình diện ân sủng
...ipsa est Mater nostra in ordine gratiae

967 2679 507.
Vì hoàn toàn gắn bó với Thánh Ý Chúa Cha, với công trình cứu chuộc của Con Mẹ với mọi tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Trinh Nữ Maria là mẫu mực đức tin và đức ái cho Hội Thánh. Do đó, Mẹ là một "chi thể trổi vượt và độc đáo nhất của Hội Thánh" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 53), có thể nói Mẹ là "kiểu mẫu" của Hội Thánh (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 63).

968 494.
Vai trò của Đức Maria đối với Hội Thánh và toàn thể loài người còn cao trọng hơn nữa. "Đức Maria đã cộng tác một cách hoàn toàn độc nhất vô nhị vào công trình của Đấng Cứu Thế, bằng lòng vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để hoàn trả sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Mẹ thật là mẹ chúng ta" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 61).

969 149,501 1370.
"Trong nhiệm cục ân sủng, kể từ khi Mẹ tin tưởng ưng thuận trong ngày truyền tin, sự ưng thuận mà Mẹ đã kiên quyết giữ trọn cho đến bên Thập Giá. Đức Maria tiếp tục thiên chức làm Mẹ cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng ngài vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được cứu độ đời đời... Vì thế, trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 62).

970 2008 1545 308.
"Vai trò làm mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay suy giảm vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu độ của Đức Trinh Nữ trên nhân loại, đều bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 60). "Thực vậy, không bao giờ có thể đặt một thụ tạo nào ngang hàng với Ngôi Lời Nhập Thể và Cứu Chuộc.

Nhưng cũng như chức tư tế của Chúa Kitô được thông ban dưới nhiều hình thức khác nhau cho các thừa tác viên và giáo dân, và cũng như sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa được ban phát nhiều cách cho các thụ tạo, thì sự trung gian duy nhất của Đấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ tạo cộng tác dưới nhiều hình thức khác nhau, trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 62).

 


II. VIỆC SÙNG KÍNH ĐỨC TRINH NỮ DIỄM PHÚC

Beatae Virginis cultus

 

971 1172 2678.
"Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc" (Lc 1,48): "Lòng hiếu thảo của Hội Thánh đối với Đức Trinh Nữ Maria là yếu tố nội tại của phụng tự Kitô giáo" (ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Marialis cultus 56). " Do đó Đức Trinh Nữ đáng được Hội Thánh tôn vinh bằng một sự sùng kính đặc biệt. Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Đức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa", và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó...

Sự tôn kính ấy, như vẫn luôn có trong Hội Thánh, tuy hoàn toàn đặc biệt, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời nhập thể, lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; việc tôn kính Đức Maria khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 66). Sự tôn kính này được diễn tả qua các lễ phụng vụ dành cho Thánh Mẫu Thiên Chúa và trong kinh nguyện kính Đức Mẹ như kinh Mân Côi, được xem như "tóm lược toàn bộ Tin Mừng" (ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Marialis cultus, 42).

 


III. ĐỨC MARIA - HÌNH ẢNH CÁNH CHUNG CỦA HỘI THÁNH

Maria – icon eschatologica Ecclesiae

 

972 773 829.
Để kết thúc phần giáo lý về Hội Thánh, về nguồn gốc, sứ mạng và chung cuộc của Hội Thánh, tốt nhất là chúng ta hướng nhìn về Đức Maria. Nơi Mẹ, chúng ta có thể chiêm ngắm Hội Thánh đang trên đường "lữ hành đức tin"; chúng ta cũng có thể chiêm ngắm Hội Thánh mai sau, khi kết thúc hành trình tại quê hương trên trời, ở đó, Đấng Hội Thánh tôn kính như Mẹ Chúa Cứu Thế và Mẹ của mình đang chờ đợi Hội Thánh "trong vinh quang của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và bất khả phân ly", "trong sự hiệp thông với tất cả các thánh" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 69):
2853.
Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Hội Thánh sẽ hoàn thành đời sau thế nào thì cũng thế, dưới đất này cho tới ngày Chúa đến, Mẹ chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho Dân Chúa đang lữ hành (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 68).

 


TÓM LƯỢC

Compendium


973.     Khi thưa "Xin vâng" trong ngày Truyền Tin và đón nhận mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Maria cộng tác với toàn thể công trình Con Mẹ sẽ thực hiện. Ai nhận Đức Kitô là Đấng cứu độ, và là đầu của Nhiệm Thể, đều là con của Đức Maria.

974.     Sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh được Chúa đưa cả hồn lẫn xác lên hưởng vinh quang trên trời, nơi Mẹ dự phần vào vinh quang Phục Sinh của Con Mẹ, thể hiện trước sự Phục Sinh của tất cả các chi thể của Nhiệm Thể.

975.     "Chúng tôi tin Thánh Mẫu của Thiên Chúa, Bà Evà mới, Mẹ Hội Thánh, vẫn tiếp tục trên trời vai trò làm mẹ đối với các chi thể Đức Kitô" (ĐGH Phaolô VI, Solemnis Professio fidei, 15).

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ