Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE

1992

 

PHẦN THỨ NHẤT

Tuyên Xưng Đức Tin

PARS PRIMA
PROFESSIO FIDEI

 

ĐOẠN THỨ HAI
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

SECTIO SECUNDA
FIDEI CHRISTIANAE PROFESSIO

 

CHƯƠNG III
TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN
CAPUT TERTIUM
CREDO IN SPIRITUM SANCTUM

 

Mục 9
"TÔI TIN HỘI THÁNH CÔNG GIÁO"
ARTICULUS 9
«CREDO SANCTAM ECCLESIAM CATHOLICAM»


Tiết 4

CÁC TÍN HỮU CHÚA KITÔ: HÀNG GIÁO PHẨM, GIÁO DÂN, ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Paragraphus 4: Christifideles, Hierarchia, laici, vita consecrata


871 1268-1269 782-786.
"Kitô hữu là những người được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, trở nên Dân Thiên Chúa, do đó tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức K-tô. Theo điều kiện riêng của mình, họ được mời gọi thực thi sứ mạng mà Chúa đã giao cho Hội Thánh thực hiện trên thế giới" (Bộ Giáo Luật, điều 204, 1; x. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 31).

872 1934 794.
"Do được tái sinh trong Đức Kitô, mọi tín hữu đều bình đẳng về phẩm giá và hoạt động. Nhờ sự bình đẳng thật sự này, tất cả đều cộng tác xây dựng Thân Thể Đức Kitô, tùy theo hoàn cảnh và chức vụ riêng của mỗi người" (CIC can 208; Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 32).

873 814,1937.
Những khác biệt Chúa đã muốn đặt giữa những chi thể trong Thân Thể Người, là để phục vụ cho sự hiệp nhất và sứ mạng của Hội Thánh. "Trong Hội Thánh có nhiều thừa tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mạng. Chúa Kitô đã trao phó cho các tông đồ và những người kế nhiệm các ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản.

Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô nên họ cũng đảm nhận phần việc của mình trong sứ mạng chung của toàn Dân Thiên Chúa, trong Hội Thánh và ở giữa trần gian" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 2:). "Trong cả hai thành phần giáo sĩ và giáo dân, có những tín hữu qua việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm theo cung cách riêng của họ", được thánh hiến cho Thiên Chúa để phục vụ sứ mạng cứu độ của Hội Thánh" (CIC can 207,2).

 


I. CƠ CẤU PHẨM TRẬT CỦA HỘI THÁNH

Hierarchica Ecclesiae constitutio

 

Mục đích của thừa tác vụ trong Hội Thánh

Cur ministerium ecclesiale?

874 1544.
Chính Đức Kitô là nguồn cội của thừa tác vụ trong Hội Thánh. Người đã thiết lập, trao quyền và sứ mạng, phương hướng và cứu cánh cho thừa tác vụ Hội Thánh:
"Để chăn dắt và phát triển Dân Chúa luôn mãi, Đức Kitô đã thiết lập các thừa tác vụ khác nhau trong Hội Thánh hầu mưu ích cho toàn thân. Thật vậy, các thừa tác viên sử dụng quyền bính thiêng liêng mà phục vụ các anh em mình, để mọi người thuộc Dân Thiên Chúa... đạt tới ơn cứu độ" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 18).

875 166 1548 1536.
"Làm sao tin nếu không được nghe trước đã? Làm sao nghe nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng nếu không được sai đi?" (x. Rm 10,14-15). Không ai, không cá nhân nào cũng như không cộng đoàn nào, có thể tự loan báo Tin Mừng cho chính mình. "Có đức tin là nhờ nghe giảng" (x. Rm 10,17). Không ai có thể tự cho mình quyền và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Sứ giả của Chúa nói và hành động không phải do quyền lực riêng, nhưng do uy quyền của Đức Kitô; không phải với tư cách là thành viên của cộng đồng nhưng nói với cộng đồng nhân danh Đức Kitô. Không ai có thể ban cho mình ân sủng của Thiên Chúa; ân sủng phải được Thiên Chúa ban cho và trao tặng.

Như thế, phải có các thừa tác viên phân phát ân sủng, được phép và được quyền do Đức Kitô ban. Từ nơi Người, các giám mục và linh mục nhận sứ mạng và quyền năng để hành động thay quyền Đức Kitô là Đầu, các phó tế nhận sức mạnh phục vụ Dân Thiên Chúa bằng "công tác phục vụ" trong phụng vụ, Lời Chúa và bác ái, trong sự hiệp thông với giám mục và hàng linh mục. Thừa tác vụ mà các sứ giả của Đức Kitô sử dụng để cử hành và trao ban, nhờ hồng ân Thiên Chúa, những gì bản thân họ không thể tự cử hành và trao ban, được truyền thống Hội Thánh gọi là "bí tích". Thừa tác vụ của Hội Thánh được trao ban qua một bí tích đặc biệt.

876 1551 427.
Thừa tác vụ của Hội Thánh có tính phục vụ gắn liền với bản tính bí tích. Vì các thừa tác viên hoàn toàn tùy thuộc Đức Kitô là người giao sứ mạng và quyền hạn, nên họ thực sự là "nô lệ của Đức Kitô" (x. Rm 1,1), theo gương Đức Kitô, Đấng tự nguyện vì chúng ta "mặc lấy thân nô lệ" (x. Ph 2,7). Vì lời và ân sủng mà họ phục vụ, không phải là của họ nhưng của Đức Kitô, được ủy thác cho họ để trao lại cho người khác, nên họ tự nguyện trở thành nô lệ cho mọi người (x.1Cr 9,19).

877 1559.
Cũng thế, đặc tính tập đoàn phát xuất từ bản tính bí tích của thừa tác vụ Hội Thánh. Khi bắt đầu thừa tác vụ của mình, Chúa Giêsu đã thiết lập nhóm Mười Hai, "mầm mống của dân Israel mới, đồng thời cũng là nguồn gốc của hàng giáo phẩm" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 5). Được tuyển chọn chung với nhau, họ cùng được sai đi chung với nhau và tình hiệp nhất huynh đệ của họ sẽ giúp cho mọi tín hữu được hiệp thông huynh đệ; sự hiệp thông này sẽ phản ảnh và làm chứng cho sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Ga 17,21-23).

Vì thế, mỗi giám mục thi hành thừa tác vụ của mình trong lòng Giám Mục Đoàn, hiệp thông với Giám Mục Rôma, người kế nhiệm thánh Phêrô và là thủ lãnh Giám Mục Đoàn; các linh mục thi hành thừa tác vụ của mình trong lòng linh mục đoàn giáo phận, dưới sự chỉ đạo của vị Giám mục.

878 1448.
Sau cùng, do bản tính bí tích, thừa tác vụ Hội Thánh còn có đặc tính cá nhân. Các thừa tác viên của Đức Kitô hiệp thông với nhau trong hành động, nhưng họ cũng hành động cách cá nhân. Mỗi người được gọi đích thân: "Phần con, hãy theo Thầy" (Ga 21, 22) (x. Mt 4,19.21; Ga 1,43), để đích thân trở thành một chứng nhân cá thể trong sứ mạng chung, đích thân lãnh trách nhiệm trước Đấng đã trao sứ mạng cho mình, hành động "như đích thân Đức Kitô" phục vụ những cá nhân cụ thể: "Tôi rửa anh, nhân danh Chúa Cha..."; "Tôi tha tội cho anh..."

879.
Như thế, thừa tác vụ bí tích trong Hội Thánh là một việc phục vụ nhân danh Đức Kitô, vừa có tính cá nhân vừa mang hình thức tập thể. Điều này thể hiện rõ trong mối tương quan giữa Giám Mục Đoàn và thủ lãnh Giám Mục Đoàn, người kế nhiệm thánh Phêrô và trong mối tương quan giữa trách nhiệm mục vụ của giám mục đối với giáo phận của mình và sự quan tâm chung của Giám Mục Đoàn đối với Hội Thánh toàn cầu.

Giám Mục Đoàn và người đứng đầu là Đức Giáo Hoàng

Collegium episcopale eiusque caput, Romanus Pontifex

880 552, 862.
"Khi thành lập nhóm Mười Hai, Đức Kitô đã tổ chức các tông đồ này theo cách thức một tập đoàn, nghĩa là một nhóm kiên vững; Người chọn Phêrô, một người trong số họ, làm đầu tập đoàn ấy" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 19). "Cũng như thánh Phêrô và các tông đồ khác tạo thành một tập đoàn tông đồ duy nhất, như Chúa đã thiết lập; thì tương tự như thế, Giám Mục Rôma, người kế nhiệm thánh Phêrô cùng với các giám mục, là những người kế nhiệm các tông đồ, cũng liên kết với nhau và hiệp nhất với nhau" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22; x.CIC, can. 330).

881 553 642
Chúa đã chọn một mình Simon mà Người đặt tên là Phêrô làm đá nền cho Hội Thánh. Người đã trao cho ông các chìa khóa của Hội Thánh (x. Mt 16,18-19), và đặt ông làm mục tử chăn dắt cả đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). "Nhưng quyền tháo gỡ cầm buộc đã ban cho Phêrô, chắc chắn Người cũng ban cho cả đoàn tông đồ hiệp nhất với thủ lãnh" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22). Nhiệm vụ mục tử này của Phêrô và các tông đồ khác là một trong những yếu tố căn bản của Hội Thánh. Các giám mục tiếp tục thi hành nhiệm vụ này dưới quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng.

882
Đức Giáo Hoàng, vừa là Giám Mục Rôma vừa là vị kế nhiệm thánh Phêrô, "là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các giám mục cũng như giữa các tín hữu" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23). "Thật vậy, do nhiệm vụ là đại điện Chúa Kitô và mục tử của toàn thể Hội Thánh, Giám Mục Rôma có quyền bính trọn vẹn, tối cao, phổ quát trên Hội Thánh và bao giờ Ngài cũng được tự do thi hành quyền ấy" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22; CD 2,9).

883.
"Giám Mục Đoàn chỉ có quyền hành khi hiệp nhất với Giám Mục Rôma là thủ lãnh của họ". Như thế, "Giám Mục Đoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Hội Thánh, nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của Giám Mục Rôma" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22; CIC can 336).

884.
"Quyền bính tối cao của Giám Mục Đoàn trên toàn thể Hội Thánh được thi hành cách trọng thể trong Công Đồng Chung" (x. CIC can.337,1). "Nhưng không bao giờ có Công Đồng Chung, nếu không được vị kế nhiệm Phêrô phê chuẩn hay ít ra chấp nhận" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22).

885.
"Gồm nhiều thành phần khác nhau, Giám Mục Đoàn diễn tả đặc tính đa dạng và phổ quát của Dân Thiên Chúa; đồng thời, tập họp dưới quyền một thủ lãnh duy nhất, Giám Mục Đoàn diễn tả sự hiệp nhất của đoàn chiên Chúa Kitô" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22).

886 1560, 833 2448.
"Mỗi giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Hội Thánh địa phương" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23). Như thế, "mỗi giám mục thi hành quyền mục vụ trên phần Dân Thiên Chúa được ủy thác cho mình" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23), với sự trợ giúp của các linh mục và phó tế. Nhưng với tư cách là thành viên Giám Mục Đoàn, mỗi giám mục có bổn phận quan tâm đến toàn thể Hội Thánh (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, 3).

Các ngài thể hiện mối quan tâm đó trước hết bằng việc "điều hành tốt Hội Thánh địa phương như một phần của Hội Thánh toàn cầu", như vậy đã là góp phần hữu hiệu vào "công ích của toàn Nhiệm Thể cũng là thân thể của các Hội Thánh" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23). Các ngài phải đặc biệt quan tâm đến những người nghèo (x. Gl 2,10), những người bị bách hại vì đức tin, cũng như đến các thừa sai đang hoạt động trên toàn thế giới.

887.
Các Hội Thánh địa phương lân cận và có chung nền văn hóa tạo thành những giáo tỉnh, hay những tập thể lớn hơn gọi là giáo miền hay vùng dưới quyền thượng phụ (x. Canon des apôtres 34). Các giám mục thuộc những tập thể này có thể họp hội nghị hay công đồng địa phương. "Cũng thế, ngày nay các Hội Đồng Giám Mục có thể góp phần cách phong phú và đa dạng để cụ thể hóa tinh thần tập đoàn" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23).

85-87 2032-2040.
Nhiệm vụ giáo huấn

Munus docendi

888 2068.
Các giám mục, với những cộng sự viên là các linh mục, "trước tiên có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng Thiên Chúa cho mọi người" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 4), theo lệnh của Chúa Kitô (x.Mc 16,15). Các ngài "là sứ giả đức tin đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô, là thầy dạy đích thực" của đức tin tông truyền, "có uy quyền của Chúa Kitô" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 25).
889 92
Để gìn giữ đức tin tinh tuyền do các tông đồ truyền lại, Chúa Kitô muốn cho Hội Thánh Người tham dự vào sự bất khả ngộ của chính Người, vì Người là Chân lý. Nhờ "cảm thức siêu nhiên về đức tin", Dân Thiên Chúa "gắn bó không sờn với đức tin" dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền sống động của Hội Thánh (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 12; Hiến chế tín lý Dei Verbum, 10).

890 851 1785.
Sứ mạng của Huấn Quyền gắn liền với đặc tính chung cuộc của Giao Ước do Thiên Chúa lập trong Đức Kitô với Dân Người. Huấn Quyền bảo vệ Dân Chúa khỏi những sai lạc và khiếm khuyết, đồng thời bảo đảm cho Dân khả năng khách quan để tuyên xưng không sai lầm đức tin chân chính. Như thế, trách nhiệm mục vụ của Huấn Quyền là giữ gìn Dân Chúa luôn trung thành với chân lý giải thoát. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Chúa Kitô đã ban cho các mục tử đặc sủng không sai lầm về đức tin và phong hóa. Đặc sủng này có thể được hành xử dưới nhiều dạng khác nhau:

891.
"Giám Mục Rôma, vị thủ lãnh của Giám Mục Đoàn, hưởng ơn bất khả ngộ đó do nhiệm vụ của ngài; khi với tư cách là mục tử và thầy dạy tối cao của mọi Kitô hữu, để củng cố anh em mình vững mạnh trong đức tin, ngài công bố một điểm giáo thuyết về đức tin và phong hóa bằng một phán quyết chung thẩm. Ơn bất khả ngộ được hứa ban cho Hội Thánh cũng có nơi Giám Mục Đoàn, khi các ngài thi hành huấn quyền tối thượng kết hiệp cùng với vị kế nhiệm thánh Phêrô", nhất là trong một Công Đồng Chung (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 25; x.Vatican I: DS 3074). Khi Hội Thánh dùng Huấn Quyền tối thượng để đề ra một điều gì "phải tin bởi do Thiên Chúa mặc khải" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 10) và là giáo huấn của Chúa Kitô, chúng ta "phải lấy đức tin mà vâng phục các định tín ấy". Giới hạn của ơn bất khả ngộ này nằm trong giới hạn của kho tàng mặc khải" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 25).

892.
Ơn trợ giúp này của Thiên Chúa cũng được ban cho những người kế nhiệm các thánh tông đồ, khi các ngài dùng huấn quyền thông thường đề ra một giáo huấn giúp hiểu rõ mặc khải hơn về đức tin và phong hóa. Tuy không định tín hay công bố một "cách chung thẩm", các giám mục được ơn Chúa trợ giúp để giảng dạy trong sự hiệp thông với vị kế nhiệm thánh Phêrô, đặc biệt ơn trợ giúp này được ban cho Giám Mục Rôma, vị mục tử của toàn thể Hội Thánh. Dù biết rằng đây là giáo huấn thông thường nên không phải vâng phục như các tín điều, nhưng các tín hữu vẫn phải "vâng theo với lòng kính cẩn" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 25).

Nhiệm vụ thánh hóa

Munus sanctificandi

893 1561.
Vị giám mục vì là thượng tế có "trách nhiệm ban phát ân sủng của Đức Kitô, vị tư tế tối cao" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 26), đặc biệt trong thánh lễ do chính ngài dâng hoặc lo liệu cho có các cộng sự viên là các linh mục dâng. Vì thánh lễ là tâm điểm của đời sống Hội Thánh địa phương, giám mục và các linh mục thánh hoá Hội Thánh địa phương bằng kinh nguyện và công việc của các ngài, bằng thừa tác vụ Lời Chúa và các bí tích, bằng gương mẫu, "đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên" (x. 1Pr 5,3). Nhờ đó, "cùng với đoàn chiên Chúa giao phó, các ngài đạt tới đời sống vĩnh cửu" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 26).

Nhiệm vụ cai quản

Munus regendi

894 801.
"Là đại diện và sứ giả Chúa Kitô, các giám mục điều khiển Giáo Hội địa phương bằng lời khuyên bảo, khích lệ, gương sáng của mình và cũng bằng uy quyền và quyền Thánh Chức nữa" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 27). Các ngài phải thi hành quyền này để xây dựng cộng đoàn trong tinh thần phục vụ của Thầy mình (x. Lc 22,26-27).

895 1558.
"Quyền bính mà các ngài đích thân thi hành nhân danh Đức Kitô, là một quyền bính riêng biệt, thông thường và trực tiếp; nhưng việc thi hành quyền này còn tùy thuộc vào thẩm quyền tối cao của Hội Thánh" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 27 ). Chúng ta không được coi các giám mục như những đại diện của Đức Giáo Hoàng; quyền thường xuyên và trực tiếp của Đức Giáo Hoàng trên toàn Hội Thánh không hủy bỏ mà còn xác nhận và bảo vệ quyền của các ngài. Các ngài phải thi hành quyền này trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng.

896 1550.
Vị mục tử nhân lành phải là khuôn mẫu cho các giám mục trong nhiệm vụ mục vụ. Ý thức những yếu đuối của mình, "giám mục có thể cảm thông với những ai dốt nát và lầm lạc. Ngài nên lắng nghe những kẻ thuộc quyền, và ân cần săn sóc họ như những người con đích thực. Còn các tín hữu, họ phải liên kết với giám mục của mình như Hội Thánh gắn bó với Chúa Giêsu Kitô và như Chúa Giêsu Kitô với Chúa Cha" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 27).
Tất cả anh em hãy theo giám mục như Chúa Kitô theo Chúa Cha; hãy theo linh mục đoàn như theo các tông đồ; hãy kính trọng các phó tế như kính trọng luật Chúa. Đừng ai làm việc gì có liên quan đến Hội Thánh ngoài ý giám mục (Thánh Ignatiô Antiôchia, thư gởi giáo đoàn Smyrn 8,1).

 


II. CÁC GIÁO DÂN

Christifideles laici


897 873.
"Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Hội Thánh công nhận, nghĩa là những tín hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ. Họ là những người đang thi hành sứ mạng của toàn dân Kitô giáo trong Hội Thánh và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 31).

Ơn gọi giáo dân

Laicorum vocatio

898 2105.
"Ơn gọi riêng của giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ có nhiệm vụ đặc biệt là soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng được thực hiện và phát triển theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 31).

899 2442.
Sáng kiến của giáo dân đặc biệt cần thiết khi phải khám phá, và tạo ra những phương thế để đem các đòi hỏi của đạo lý và đời sống Kitô giáo thấm nhập vào các thực tại xã hội, chính trị và kinh tế. Công việc này là chuyện bình thường trong đời sống Hội Thánh.
Giáo dân đứng ở tuyến đầu của Hội Thánh. Nhờ họ Hội Thánh trở thành nguyên lý mang lại sự sống cho xã hội. Chính vì thế họ luôn luôn phải ý thức rất rõ rằng không những họ thuộc về Hội Thánh, mà họ còn là Hội Thánh nữa, nghĩa là cộng đoàn tín hữu đang sống trên trần thế này, dưới sự hướng dẫn của vị thủ lãnh chung là Đức Giáo Hoàng và các giám mục hiệp thông với ngài. Họ là Hội Thánh (Đức Piô XII, diễn từ 20.2.1946; được Đức Gioan Phaolô II, trích dẫn trong CL 9).

900 863.
Cũng như mọi tín hữu được Thiên Chúa trao nhiệm vụ tông đồ qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, người giáo dân có bổn phận và có quyền, một mình hay họp thành nhóm, hoạt động để mọi người khắp mọi nơi biết đến và đón nhận sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa. Bổn phận này càng thúc bách hơn nữa, khi chỉ nhờ họ những người khác mới có thể nghe được Tin Mừng và nhận biết Đức Kitô. Trong các cộng đoàn Hội Thánh, hoạt động của họ cần thiết đến nỗi không có họ, việc tông đồ của các mục tử phần lớn không thể phát huy hiệu quả tối đa (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 33).

Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ tư tế của Chúa Kitô

Participatio laicorum in munere sacerdotali Christi

901 784, 1268.
"Vì giáo dân đã được thánh hiến cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa kết quả nơi họ ngày càng phong phú hơn. Thực vậy, mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên "hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô" (1 Pr 2,5), vì những hiến lễ ấy được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành lễ tạ ơn. Như thế, giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Người bằng đời sống thánh thiện khắp nơi" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 34).

902 1143.
Đặc biệt, các cha mẹ công giáo tham dự vào nhiệm vụ thánh hóa "khi sống đời vợ chồng và giáo dục con cái theo tinh thần Kitô giáo" (CIC, can 835,4).

903 1143.
Nếu hội đủ điều kiện, giáo dân có thể lãnh nhận thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ (CIC, can 230,1). "Nơi nào nhu cầu Hội Thánh đòi hỏi vì thiếu thừa tác viên, giáo dân dù không có nhận thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ, cũng có thể thay thế họ làm một số việc như thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, chủ tọa các buổi cầu nguyện, rửa tội và cho rước lễ theo các quy tắc luật định" (CIC, can 230,3).

Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ ngôn sứ của Chúa Kitô

Eorum participatio in munere prophetico Christi

904 785 92.
"Đức Kitô chu toàn chức vụ ngôn sứ không những nhờ hàng giáo phẩm... nhưng cũng nhờ các giáo dân. Người đã đặt họ làm chứng nhân, bằng cách ban cho họ cảm thức đức tin và ơn dùng ngôn từ" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 35).

Dạy dỗ người khác để đưa họ đến đức tin là nhiệm vụ của mỗi vị giảng thuyết và còn là cộng tác của mỗi tín hữu (Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, tổng luận thần học III 71,4,3).

905 2044.
Giáo dân cũng chu toàn sứ mạng ngôn sứ của họ bằng việc phúc âm hóa, "nghĩa là loan báo Đức Kitô bằng đời sống chứng tá và lời nói". Nơi giáo dân, "hoạt động phúc âm hóa này... mang sắc thái và có một hiệu năng đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh thông thường ở trần gian" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 35).
2472.
"Hoạt động tông đồ này không chỉ là làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn phải tìm dịp loan truyền Đức Kitô bằng lời nói, cho người chưa tin... hoặc cho tín hữu" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 6; Sắc lệnh Ad Gentes, 15).

906 2495.
Những giáo dân có khả năng và đã được huấn luyện, cũng có thể cộng tác trong việc hướng dẫn giáo lý (x. CIC can 774;776;780), giảng dạy các khoa học thánh (x. CIC can 229), việc truyền thông xã hội (x. CIC can 823,1).

907.
"Tùy theo nhiệm vụ kiến thức chuyên môn và uy tín của mình, họ có quyền và đôi khi có bổn phận, bày tỏ cho các vị mục tử có chức thánh biết ý kiến của mình liên quan tới lợi ích của Hội Thánh. Họ cũng có quyền phát biểu ý kiến của mình cho các tín hữu khác, miễn là bảo vệ sự vẹn toàn của đức tin và phong hóa, cũng như sự tôn kính đối với các mục tử, và quan tâm đến công ích và phẩm giá của tha nhân" (CIC can 212,3).

Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ vương giả của Chúa Kitô

Eorum participatio in munere Christi regali

908 786.
Nhờ vâng phục cho đến chết (x. Pl 2,8-9), Đức Kitô thông ban cho các môn đệ hồng ân tự do vương giả "để chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi bản thân họ, bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 36).
"Ai chế ngự thân xác và điều khiển hồn mình, không để dục vọng khuất phục là làm chủ bản thân. Người ấy có thể được gọi là vua, vì có khả năng cai trị chính bản thân; người ấy tự do, độc lập và không làm nô lệ cho tội lỗi" (Thánh Ambrôsiô, Expositio psalmi chú giải Thánh vịnh 118,14,30).

909 1887.
"Ngoài ra, khi các cơ chế và hoàn cảnh sống trong thế gian gây nên dịp tội, giáo dân phải hiệp sức làm cho các cơ chế và hoàn cảnh sống đó trở nên lành mạnh, phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công bình, và giúp phát huy hơn là ngăn trở việc thực hành các nhân đức. Hành động như thế, giáo dân sẽ làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 36).

910 799.
"Các giáo dân cũng có thể cảm thấy được gọi hay thực sự được gọi để cộng tác với các mục tử phục vụ cho sự sống và tăng trưởng của cộng đoàn Hội Thánh, bằng cách thực hành các thừa tác vụ rất khác nhau, tùy theo ân sủng và các đặc sủng Chúa đã ban cho họ" (ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 73).

911 2245
"Theo luật Hội Thánh, giáo dân có thể cộng tác vào việc hành sử quyền cai trị" (x. CIC can 129,2): Họ tham gia các hội đồng tư vấn (x. Can 443,4), các hội nghị giáo phận (x. CIC Can 463,1.2), các hội đồng mục vụ (x. Can 511;536), thi hành trách nhiệm mục vụ trong giáo xứ (x. Can 517,2), hợp tác vào những hội đồng kinh tế (x. Can 492,1), tham gia vào các tòa án đạo (CIC Can 1421,2), v.v...

912 2245.
Các tín hữu phải "lưu tâm phân biệt đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách một phần tử của Hội Thánh, đâu là quyền lợi và nghĩa vụ với tư cách một phần tử trong xã hội loài người. Họ phải cố gắng hòa hợp cả hai loại nghĩa vụ và quyền lợi đó với nhau và hãy nhớ rằng trong mọi lãnh vực trần thế, lương tâm Kitô giáo phải luôn hướng dẫn họ, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 36).


913.
"Vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân, vừa là khí cụ sống động cho chính sứ mạng Hội Thánh, "tùy theo mức độ ân sủng Chúa Kitô ban cho (Eph 4,7)" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 33)".

 


III. ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Vita consecrata


914 2103.
"Bậc sống được thành lập do việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật, nhưng vẫn thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Hội Thánh" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 44).

Các lời khuyên Phúc Âm và đời sống thánh hiến

Consilia evangelica, vita consecrata

915 1973-1974.
Mọi môn đệ Chúa Kitô đều được mời gọi sống các lời khuyên Phúc Âm, vốn có rất nhiều. Mọi tín hữu đều được gọi sống đức ái hoàn hảo, nhưng những ai tự nguyện sống đời tận hiến, thì buộc tuân giữ đức vâng phục, đức nghèo khó, và đức khiết tịnh trong đời sống độc thân vì Nước Trời. Chính việc tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, trong một bậc sống ổn định được Hội Thánh công nhận, diễn tả nét đặc thù của "đời sống thánh hiến" cho Thiên Chúa (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 42-43; CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Perfectae caritatis, 1).

916 2687 933.
Bậc sống thánh hiến là một trong những cách thức để được thánh hiến "sâu xa hơn", bắt nguồn từ bí tích Thánh Tẩy và việc tận hiến cho Thiên Chúa (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Perfectae caritatis, 5). Trong đời sống thánh hiến, các Kitô hữu dưới tác động của Thánh Thần, sẵn sàng theo sát Đức Kitô hơn, tự hiến cho Thiên Chúa là Đấng được yêu mến trên hết mọi sự và theo đuổi đức ái hoàn hảo để phục vụ Nước Trời, bày tỏ và loan báo trong Hội Thánh sự vinh quang của thế giới tương lai (CIC can 573).

 

Cây lớn có nhiều cành

Arbor magna, plures rami

917 2684.
"Như một hạt giống Thiên Chúa đã gieo, nay thành một cây lớn có nhiều cành kỳ diệu trong vườn, cũng thế, trong Hội Thánh phát sinh nhiều lối sống khác nhau, cô tịch hay cộng đoàn; phát sinh nhiều dòng tu khác nhau mà gia sản thiêng liêng của họ vừa sinh ích cho các dòng tu ấy vừa có ích cho toàn Nhiệm Thể của Đức Kitô" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 43).

918.
"Ngay từ thời sơ khai của Hội Thánh, đã có những người nam cũng như nữ qua việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm, quyết theo Chúa Kitô với một tinh thần tự do thanh thoát hơn, bắt chước Người khắng khít hơn, và mỗi người một cách, tất cả đều sống tận hiến cho Thiên Chúa; trong số có nhiều người được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, hoặc là theo đuổi đời sống cô tịch, hoặc đã lập ra những dòng tu mà Hội Thánh đã sung sướng dùng quyền của mình để đón nhận và phê chuẩn" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Perfectae caritatis, 1).

919.
Các giám mục phải luôn luôn cố gắng phân định những hồng ân mới, được Thánh Thần phó thác cho Hội Thánh. Chỉ Tòa Thánh mới có quyền phê chuẩn những hình thức mới của đời thánh hiến (CIC can 605).

Đời sống ẩn tu

Vita eremitica

920.
Các vị ẩn tu thường không công khai tuyên khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm, "họ dâng hiến cuộc đời để ngợi khen Thiên Chúa và cứu độ thế gian, qua việc triệt để lánh xa trần thế, giữ yên lặng cô tịch, cầu nguyện liên lỉ và sống khổ hạnh đền tội" (CIC can 603,1).

921 2719 2015.
Họ cho mọi người thấy mặt trong của mầu nhiệm Hội Thánh là sống mật thiết cá nhân với Đức Kitô. Dù người đời không nhìn thấy, nhưng đời ẩn tu là bài giảng thầm lặng về Đức Kitô mà vị ẩn tu đã tận hiến cuộc đời cho Người, vì Người là tất cả mọi sự đối với họ. Đó là lời kêu gọi đặc biệt để ngay trong hoang mạc, giữa cuộc đời chiến đấu thiêng liêng, họ gặp được vinh quang của Đấng chịu đóng đinh.

Các trinh nữ và góa phụ sống đời thánh hiến

Virgines et viduae consecratae

922 1618-1620.
Từ thời các tông đồ, đã có các trinh nữ và góa phụ Kitô giáo được Chúa mời gọi để tâm hồn, thể xác và tinh thần được tự do hơn mà gắn bó hoàn toàn với Người (x.1Cr 7,34-36). Họ quyết định sống trong bậc đồng trinh hoặc khiết tịnh vĩnh viễn "vì Nước Trời" (Mt 19,12). Lối sống này được Hội Thánh phê chuẩn.

923 1537 1672.
"Để bày tỏ quyết tâm theo sát Đức Kitô hơn, các trinh nữ, được giám mục giáo phận theo nghi thức phụng vụ đã được phê chuẩn, thánh hiến cho Thiên Chúa, kết hôn cách thần bí với Đức Kitô Con Thiên Chúa để phục vụ Hội Thánh" (CIC, can 60 4,1). Qua nghi thức trọng thể này, "người trinh nữ được thánh hiến, trở thành dấu chỉ siêu việt của tình yêu Hội Thánh dành cho Đức Kitô và là hình ảnh cánh chung của vị Tân Nương trong Nước Trời và của đời sống tương lai" (Nghi thức Thánh Hiến Trinh Nữ, tiểu dẫn 1).

924.
"Tương tự với những hình thức khác của đời thánh hiến" (CIC can 604,1), bậc đồng trinh đặt người nữ sống giữa thế gian trong kinh nguyện, sám hối, phục vụ anh chị em mình và làm việc tông đồ tùy theo tình trạng và đặc sủng của mỗi người (Nghi thức Thánh Hiến trinh nữ, tiểu dẫn 2). Các trinh nữ sống đời thánh hiến có thể lập hội, để nhờ sự trợ giúp lẫn nhau, họ thực hiện ý định của họ cách trung thành hơn (CIC can 604,2).

Đời sống tu sĩ

Vita religiosa

925 1672.
Đời sống tu trì phát sinh từ Đông Phương trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 15) và được thể hiện trong các dòng tu được Hội Thánh thành lập theo giáo luật (CIC can 573). Lối sống này phân biệt với những hình thức khác của đời thánh hiến ở các điểm: tổ chức đời sống phụng tự, công khai khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, sống huynh đệ, làm chứng cho sự kết hợp giữa Đức Kitô với Hội Thánh (CIC can 607).

926 796
Đời sống tu trì thuộc về mầu nhiệm Hội Thánh. Đó là hồng ân Hội Thánh tiếp nhận từ Chúa và trao lại như một bậc sống ổn định cho tín hữu được Thiên Chúa mời gọi khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm. Như vậy, Hội Thánh vừa biểu lộ Đức Kitô vừa tự nhận mình là Hiền Thê của Đấng Cứu Thế. Đời sống tu trì được mời gọi để bày tỏ đức ái của Thiên Chúa trong ngôn ngữ thời đại dưới nhiều dạng khác nhau.

927 854.
Tất cả tu sĩ, dù miễn trừ hay không (CIC can 591), đều là những người hợp tác với giám mục giáo phận trong nhiệm vụ mục vụ của ngài (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, 33-35). Các dòng tu rất cần thiết cho việc khai nguyên và phát triển truyền giáo của Hội Thánh ngay từ buổi đầu của công cuộc phúc âm hoá (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes 18; 40). "Lịch sử chứng minh công lao to lớn của các hội dòng trong việc truyền bá đức tin và trong việc gầy dựng các Giáo Hội mới: từ những đan viện đầu tiên và các dòng tu thời trung cổ cho đến những tu hội mới hiện nay" (ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 69).

Các Tu hội đời

Instituta saecularia

928.
"Tu hội đời là một hội sống đời thánh hiến, trong đó các tín hữu sống giữa đời, hướng tới đức ái trọn hảo và nỗ lực góp phần thánh hóa trần gian ngay giữa lòng đời" (CIC can 710).

929 901.
"Nhờ đời sống tận hiến để thánh hóa trần gian" (Piô XII, tông hiến Provida Mater), các thành viên tu hội đời tham dự vào nhiệm vụ phúc âm hóa của Hội Thánh, "ngay giữa đời và từ môi trường đời" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Perfectae caritatis, 11); nơi đó, họ hiện diện và tác động như "men trong bột". Chứng từ đời sống Kitô hữu của họ nhằm chỉnh đốn những thực tại trần thế theo thánh ý Thiên Chúa và được thâm nhập vào thế giới sức mạnh của Tin Mừng. Bằng những mối ràng buộc thánh thiện, họ sống các lời khuyên Phúc Âm và gìn giữ sự hiệp thông huynh đệ thích ứng với lối sống giữa đời của họ (CIC 713,2).

Các hiệp hội có đời sống tông đồ

Societates vitae apostolicae

930.     Bên cạnh những hình thức khác nhau của đời thánh hiến, có các hiệp hội tông đồ. Trong các hiệp hội này, các thành viên tuy không có lời khấn dòng, nhưng theo đuổi nhiệm vụ tông đồ riêng của hội và bằng đời sống chung trong tình huynh đệ; họ hướng tới Đức Ái hoàn hảo theo nếp sống riêng của họ nhờ việc tuyên giữ hiến chương của hội. Trong số các hiệp hội ấy cũng có những hiệp hội mà các thành viên sống các lời khuyên Tin Mừng theo "hiến chương của họ"(CIC, can. 713, 1-2).

Sự thánh hiến và sứ mạng: Loan báo Đức Vua đang đến

Consecratio et missio: Regem annuntiare qui venit

931.     Khi chịu phép Thánh Tẩy, các tín hữu đã được thuộc về Thiên Chúa nhờ trao dâng chính mình cho Thiên Chúa, Đấng họ yêu mến trên hết mọi sự. Họ được thánh hiến thâm sâu hơn để phục vụ Thiên Chúa và mưu ích cho Hội Thánh. Nhờ bậc thánh hiến, Hội Thánh biểu lộ Đức Kitô và cho thấy Thánh Thần hành động một cách kỳ diệu trong Hội Thánh như thế nào. Vậy những ai khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm như thế, có sứ mạng đầu tiên là sống sự thánh hiến ấy. "Nhưng vì đã được thánh hiến để phục vụ Hội Thánh, nên họ có nghĩa vụ góp phần đặc biệt vào việc truyền giáo, theo cách thức riêng của tu hội mình" (CIC, can 783; ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 69).

932 775.
Trong Hội Thánh như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự sống Thiên Chúa, đời thánh hiến là dấu chỉ đặc biệt của mầu nhiệm cứu chuộc. Dõi bước và theo gương Đức Kitô "sát hơn," bày tỏ "rõ hơn" sự tự hạ của Người, là hiện diện "cách sâu sắc hơn" với anh em trong tình yêu Chúa Kitô. Vì những ai đi trong con đường "hẹp hơn" này, cổ vũ anh em bằng gương sáng của mình, họ làm chứng rõ ràng là thế giới "không thể cải tạo và dâng hiến cho Thiên Chúa được nếu không có tinh thần các mối phúc thật" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 31)

933 672.
Việc quang lâm của Đức Kitô luôn là nguồn gốc và phương hướng cho đời sống của tất cả những ai sống đời thánh hiến, dù chứng từ của họ công khai như trong bậc tu trì, hoặc kín đáo hơn hay cả bí mật nữa.
769.
"Bởi dân Thiên Chúa không đặt thành trì vĩnh viễn ở đời này... Vì thế, đời sống thánh hiến tỏ lộ cách hoàn hảo hơn cho mọi tín hữu thấy của cải trên trời đã có ngay dưới trần gian này, và làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, đồng thời tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 44).

 


TÓM LƯỢC

Compendium


934.     "Do Thiên Chúa thiết lập, trong số các tín hữu của Hội Thánh, có những thừa tác viên có chức thánh, theo luật gọi là giáo sĩ; còn những người khác được gọi là giáo dân. "Có những tín hữu thuộc cả hai thành phần trên, được thánh hiến cho Thiên Chúa để phục vụ sứ mạng Hội Thánh qua việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm (CIC, can. 207,1-2.)

935.     Đức Kitô sai các tông đồ và những người kế nhiệm rao truyền đức tin và gầy dựng Nước Trời. Người cho họ tham gia vào sứ mạng của mình. Và ban cho họ quyền hành động thay Người.

936.     Chúa đặt thánh Phêrô làm nền tảng hữu hình của Hội Thánh. Và trao cho ông các chìa khóa Nước Trời. Giám Mục Rôma, vị kế nhiệm thánh Phêrô, là "thủ lãnh Giám Mục Đoàn. người đại diện Đức Kitô và Mục tử của toàn thể Hội Thánh trên thế gian" (CIC, can. 331)

 

937.     Do Chúa thiết lập, Đức Giáo Hoàng "được hưởng quyền tối cao, trọn vẹn, trực tiếp và phổ quát trong việc chăm sóc các linh hồn" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, 2).

938.     Được Thánh Thần thiết đặt, các Giám mục là những người kế nhiệm các tông đồ. "Mỗi Giám mục, là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Hội Thánh địa phương" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23).

939.     Được các cộng sự viên là linh mục và Phó tế giúp đỡ, các giám mục có thẩm quyền chính thức giảng dạy đức tin, cử hành phụng tự, nhất là Thánh thể, điều hành Hội thánh địa phương như mục tử đích thực. Cùng với Đức Giáo Hoàng và dưới quyền Đức Giáo Hoàng, các ngài phải quan tâm đến toàn thể các Hội Thánh.

940.     "Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và lo việc đời, nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi, để nhờ sức mạnh tinh thần Kitô giáo của mình, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 2).

941.     Người giáo dân tham gia vào nhiệm vụ tư tế của Đức Kitô: càng kết hợp với Người, họ càng khai triển ân sủng của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức trong mọi chiều kích của đời sống cá nhân, gia đình, xã hội và Hội Thánh; như vậy, họ đáp lại lời mời gọi nên thánh dành cho những ai đã được rửa tội.

942.     Nhờ sứ mạng ngôn sứ, người giáo dân "còn được kêu gọi làm chứng cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh và giữa cộng đồng nhân loại" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 43).

943.     Nhờ sứ mạng vương giả, người giáo dân có khả năng chiến thắng tội lỗi nơi bản thân và trong thế giới, bằng đời sống từ bỏ và thánh thiện (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 36).

944.     Đặc tính của đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa là công khai khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm về nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục trong một bậc sống ổn định được Hội Thánh phê chuẩn.

945.     Kẻ nhờ Phép Rửa đã được thuộc về Thiên Chúa thì nhờ được thánh hiến cho Thiên Chúa là Đấng họ yêu mến trên hết mọi sự, họ càng dấn thân sâu xa hơn để phục vụ Thiên Chúa và mưu ích cho Hội Thánh.

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ