Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE

1992

 

PHẦN THỨ NHẤT

Tuyên Xưng Đức Tin

PARS PRIMA
PROFESSIO FIDEI

 

ĐOẠN THỨ HAI
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

SECTIO SECUNDA
FIDEI CHRISTIANAE PROFESSIO

 

CHƯƠNG II
TÔI TIN KÍNH ĐỨC GIÊSU KITÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA

CAPUT SECUNDUM
CREDO IN IESUM CHRISTUM, FILIUM DEI UNICUM

 

 

Tin Mừng: Thiên Chúa đã cử Con Một đến

Bonus Nuntius: Deus Filium Suum misit
422 398, 2763.  "Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Mình tới, sinh làm con một người nữ và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử" (Ga 4,4-5). Đây là "Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa" (Mc l,l): Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người (Lc 1,68). Người đã thực hiện lời hứa với Abraham và con cháu ông (x.Lc l,55). Người đã thực hiện hơn cả điều chúng ta mong ước: Người đã cử "Con yêu dấu" của Người đến (Mc l,ll).

423.    Chúng tôi tin và chúng tôi tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu Nazareth, một người Do thái sinh bởi một phụ nữ Israel tại Bêlem dưới thời vua Hêrôđê Cả và hoàng đế Cêsarê Augustô I, vốn làm nghề thợ mộc, đã chịu chết trên thập giá tại Giêrusalem, thời tổng trấn Phongtiô Philatô dưới triều hoàng đế Tibêriô, Chúa Giêsu ấy là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đã làm người, “Người bởi Thiên Chúa mà đến” (Ga 13,3), là “Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13; 6,33), Đấng đã đến trong xác phàm (1Ga 4,2); vì "Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta, chúng ta đã được nhìn thấy Vinh Quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và chân lý (...). Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác" (Ga 1,14.16).

424 638 552.   Nhờ Thánh Thần tác động và nhờ Chúa Cha lôi kéo, chúng tôi tin và tuyên xưng về Đức Giêsu như sau: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Chính trên tảng đá đức tin này như thánh Phêrô tuyên xưng, Đức Kitô đã xây dựng Hội Thánh của Người (x.Mt 16,18; Thánh Lêô Cả, Sermo, bài giảng 4,3; 5l,l; 62,2; 83,3).

"Loan báo sự phong phú khôn lường của Đức Kitô" (Ep 3,8)

« Evangelizare investigabiles divitias Christi » (Eph 3,8)
425 850, 858.  Truyền đạt  đức tin Kitô giáo, trước tiên là loan báo Chúa Giêsu Kitô, để dẫn đưa người ta đến chỗ tin vào Người. Ngay từ đầu, các môn đệ tiên khởi đã khao khát loan báo Đức Kitô: “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20). Các ông đã kêu mời con người trong mọi thời đại vào hưởng niềm vui hiệp thông với Đức Kitô:
“Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời Sự Sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1Ga 1,1-4).

Trọng tâm của huấn giáo: Đức Kitô

In catechesis corde: Christus
426 1698 513 260.      “Phải xác quyết ngay rằng, ở trung tâm của việc dạy giáo lý, chủ yếu chúng ta gặp một nhân vật: đó là Chúa Giêsu Kitô Nazareth, ‘Con Một của Chúa Cha’…. Người đã chịu khổ hình và đã chịu chết vì chúng ta; và Người, từ khi sống lại, luôn luôn sống với chúng ta… Dạy giáo lý là giúp người ta nhận ra toàn bộ kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa trong con người Đức Kitô; là tìm hiểu ý nghĩa các hành động và lời nói của Đức Kitô, và các dấu lạ Người đã thực hiện” (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi tradendae 1979). Mục đích của việc dạy giáo lý là “dẫn đưa con người đến hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô; chỉ một mình Người mới có thể dẫn người ta đến tình yêu của Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và đến chỗ được thông phần vào sự sống của Ba Ngôi Chí Thánh” (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn  Catechesi tradendae 1979)

427 2146 876. “Trong việc dạy giáo lý, phải giảng dạy Đức Kitô, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa, những điều khác phải được quy chiếu về Người; chỉ một mình Đức Kitô giảng dạy, còn bất cứ ai khác giảng dạy đều phải là phát ngôn viên của Người, phải để Đức Kitô nói qua miệng lưỡi họ... Mọi giáo lý viên đều phải có thể áp dụng cho mình lời nói huyền nhiệm này của Chúa Giêsu: ‘Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi’” (Ga 7,l6)

428.     Ai được kêu gọi rao giảng Tin Mừng Đức Kitô, trước hết phải tìm “mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô”; người ấy phải “đành mất hết”, “để được Đức Kitô và được kết hợp với Người”, và để “biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,8-11).

429 851.   Từ việc nhận biết Đức Kitô với tâm tình yêu mến, sẽ nảy sinh ước ao loan báo Người, ước ao “rao giảng Tin Mừng” về Người, và ước ao dẫn đưa người khác đến chỗ “chấp nhận” đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Nhưng đồng thời, người ta cũng cảm thấy nhu cầu phải luôn hiểu biết đức tin ấy một cách tốt hơn. Nhằm mục đích đó, theo thứ tự của Tín biểu, trước hết các tước hiệu chính của Chúa Giêsu sẽ được trình bày: Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa (Mục 2). Tiếp đó Tín biểu tuyên xưng các mầu nhiệm chính yếu của cuộc đời Đức Kitô: các mầu nhiệm về việc Nhập Thể của Người (Mục 3), các mầu nhiệm về cuộc Vượt Qua của Người (Mục 4 và 5) và sau cùng các mầu nhiệm về sự Tôn Vinh Người (Mục 6 và 7).

 

 

Mục 2
"TÔI TIN KÍNH ĐỨC GIÊSU KITÔ, CON MỘT CỦA NGÀI, LÀ CHÚA CHÚNG TÔI”

Articulus 2: « Et in Iesum Christum, Filium Eius unicum, Dominum nostrum »

 

I. ĐỨC GIÊSU

Iesus  


430 210 402.   Trong tiếng Do thái, “Giêsu” có nghĩa là “Deus salvat = Thiên Chúa Cứu Độ”. Khi Truyền tin, thiên thần Gabriel dạy đặt tên cho Người là Giêsu; tên gọi này vừa diễn tả căn tính của Người, vừa diễn tả sứ vụ của Người (x. Lc 1.31). Bởi vì "chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội" (Mc 2,7), cho nên chính Thiên Chúa trong Đức Giêsu là Chúa Con Vĩnh Cửu làm người" sẽ cứu dân Mình khỏi tội" (Mt l,2l). Như thế, trong Đức Giêsu, Thiên Chúa qui tụ tất cả lịch sử cứu độ nhân loại.

431 850,1441 388.      Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa không chỉ bằng lòng với việc giải thoát Israel khỏi "nhà nô lệ" (Đnl 5,6) khi đưa họ ra khỏi Ai-cập, Người còn cứu thoát họ khỏi tội lỗi nữa. Vì tội luôn là một xúc phạm đến Thiên Chúa (x.Tv 51,6), nên chỉ Thiên Chúa mới có thể tha thứ được (x.Tv 51,12). Do đó, dân Israel càng nhận thức được tính phổ quát của tội lỗi, càng thấy chỉ có thể tìm được cứu độ trong việc cầu khẩn danh Thiên Chúa cứu chuộc (x. Tv 79,9).

432 589,2666 389 161.           Danh xưng Giêsu cho thấy chính danh thánh Thiên Chúa hiện diện trong con người Chúa Con (Ga 3,5; Cv 2,21), Đấng làm người để cứu chuộc mọi người khỏi tội cách dứt khoát. Danh xưng Giêsu là danh xưng thần linh, danh xưng duy nhất mang lại ơn cứu độ. Từ nay mọi người có thể kêu cầu Danh Giêsu, vì nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, danh xưng ấy đã liên kết với tất cả mọi người, đến nỗi "dưới gầm trời này không danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào Danh đó mà được cứu độ" (Cv 4,12) (Lv 16, 15-16; GV 50,20; Dt 9,7).

433 615.          Xưa kia, mỗi năm một lần, vị Thượng Tế kêu cầu danh Thiên Chúa Cứu Chuộc để xá tội dân Israel, khi ông rảy máu hy tế lên bàn xá tội trong nơi cực thánh. Bàn xá tội là nơi Thiên Chúa hiện diện (Xh 25,22; Lv 16,2; Ds 7,89; Dt 9,5). Khi thánh Phaolô nói rằng "Thiên Chúa đã định cho Đức Giêsu phải đổ máu mình ra làm phương thế xá tội" (Rm 3,25), ngài muốn nói rằng qua bản tính nhân loại của Đức Kitô, "chính Thiên Chúa đã hòa giải nhân loại với Người" (2Cr 5,l9).

434 2812.        Sự sống lại của Đức Giêsu tôn vinh danh Thiên Chúa cứu độ (Ga 12,28), vì từ nay chính danh Giêsu bày tỏ trọn vẹn quyền năng tối thượng của "Danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu" (Pl 2,9-10). Các thần dữ khiếp sợ Danh Người (Cv 16,16-18). Nhờ Danh đó các môn đệ của Đức Giêsu thực hiện các phép lạ (Mc 16,17), bởi vì tất cả những gì họ xin Chúa Cha nhân danh Người, Chúa Cha sẽ nhận lời (x. Ga l5,l6).

435 2667- 2668 2676.   Hình ảnh Chúa Giêsu nằm ở trung tâm của kinh nguyện Kitô giáo. Tất cả các lời nguyện trong phụng vụ đều kết thúc bằng công thức: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Tột đỉnh của Kinh Kính Mừng Maria là câu “và Giêsu, con lòng Bà gồm phúc lạ”. Lời tâm nguyện của Giáo Hội Đông phương, gọi là “Lời khẩn nguyện Chúa Giêsu” (oratio Iesu) thưa lên rằng: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Nhiều Kitô hữu đã chết khi miệng chỉ kêu danh thánh “Giêsu”, như thánh nữ Jeanne d’Arc

 


II. ĐỨC KITÔ

Christus 


436 690,695 711-716 783.      Danh hiệu “Kitô” là một từ Hy Lạp, dịch từ “Messia” của tiếng Do thái, có nghĩa là “người được xức dầu”. Danh hiệu này trở thành tên riêng của Chúa Giêsu bởi vì Người đã chu toàn cách hoàn hảo sứ vụ thần linh mà danh hiệu ấy bao hàm. Quả vậy, trong Israel, những ai được thánh hiến cho Thiên Chúa để thi hành một sứ vụ Ngài giao phó, đều được xức dầu nhân danh Thiên Chúa. Đó là trường hợp của các vua (1V 1, 39), các tư tế (Xh 29,7; Lv 8,12) và đôi khi cả các ngôn sứ nữa (1V 19,16). Vậy càng đúng hơn cho trường hợp của Đấng Messia do Thiên Chúa cử đến để thiết lập dứt khoát Vương Quốc của Người (Tv 2,2; Cv 4,26-27). Đấng Messia phải được Thánh Thần Chúa xức dầu (Is 11,2), vừa để làm Vua và tư tế (Gcr 4,14; 6,13), vừa để làm ngôn sứ nữa (Is 61,1; Lc 4, 16-21). Đức Giêsu đã thực hiện niềm hy vọng về Đấng Messia của Israel qua ba sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế.

437 525, 486.  Thiên thần đã loan báo cho các mục đồng việc Giáng Sinh của Chúa Giêsu, với tính cách là việc ra đời của Đấng Messia đã được hứa ban cho Israel: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavid, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,11). Ngay từ đầu, Chúa Giêsu là “Đấng Chúa Cha đã hiến thánh và sai đến thế gian” (Ga 10,36), với tư cách là “Đấng Thánh” (Lc 1,35) được cưu mang trong lòng dạ trinh khiết của Đức Maria. Thánh Giuse được Thiên Chúa kêu gọi đón bà Maria vợ ông về, “vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20), để Chúa Giêsu, “cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16), được sinh ra do vợ ông Giuse trong dòng tộc thiên sai (in generatione messianica) của vua Đavid. (Mt 1,16, Rm 1,3; 2Tm.2,8; Kh 22,16).

438 727 535.   Việc Đức Giêsu được hiến thánh làm Đấng Messia bày tỏ sứ mạng thần linh của Người. "Chính tên của Người chỉ rõ điều đó, vì danh hiệu "Kitô" ám chỉ Đấng xức dầu, Đấng được xức dầu, và chính việc xức dầu: Đấng xức dầu là Chúa Cha, Đấng được xức dầu là Chúa Con và Chúa Con được xức dầu trong Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần là sự xức dầu" (Thánh Irênê, Adversus haereses, chống lạc giáo 3,18,3). Việc xức dầu thánh hiến vĩnh cửu của Chúa Giêsu được mạc khải trong cuộc đời trần thế của Người khi Người chịu phép rửa bởi ông Gioan, khi “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38) “để Người được tỏ ra cho dân Israel” (Ga 1,31) trong tư cách là Đấng Messia của Thiên Chúa. Những việc Người làm và những lời Người dạy giúp cho chúng ta nhận biết Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mt 1,24; Ga 6, 69; Cv 3,14).

 

439 528-529 547.       Nhiều người Do Thái, và cả một số người ngoại cùng chia sẻ niềm hy vọng của Israel, đã nhận ra nơi Chúa Giêsu những nét cơ bản của “Con vua Đavid”, Đấng Messia mà Thiên Chúa đã hứa ban cho Israel (Mt 2,2; 9,27, 12,23; 15,22; 20,30; 21,9.15). Đức Giêsu đã chấp nhận danh hiệu Messia mà Người có quyền lãnh nhận (Ga 4,25-26; 11,27;), nhưng một cách dè dặt vì danh hiệu này bị một số người đương thời hiểu theo một quan niệm trần tục (Mt.22,41-46) nặng phần chính trị (Ga 6,15; Lc.24,21).

440 552 550 443.      Khi thánh Phêrô tuyên xưng Người là Đấng Messia, Chúa Giêsu chấp nhận lời tuyên xưng đức tin đó, nhưng Người loan báo ngay cuộc khổ nạn đã gần đến của “Con Người” (Mt.16,16-23). Người đã mặc khải vương quyền Đấng Messia của Người, một mặt hệ tại căn tính siêu việt của Con Người "từ trời xuống" (Ga 3,13) (Ga 6,62; Đn 7,13) và mặt khác trong sứ mệnh cứu chuộc như Người Tôi Tớ đau khổ: "Con Người đến, không phải để được kẻ hầu người hạ nhưng là để hầu hạ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28) (Is 53,10-12). Do đó ý nghĩa thật sự về vương quyền của Người chỉ được biểu lộ trên Thập Giá (Ga 19,11-22; Lc 23,39-43). Chỉ sau khi Người sống lại, thánh Phêrô mới có thể công bố vương quyền Messia của Người trước mặt dân Thiên Chúa: “Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Chúa Giêsu mà anh em đã treo trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36).

 


III. CON MỘT ĐỨC CHÚA CHA
Filius Dei unicus  

 

441.     Trong Cựu Ước "Con Thiên Chúa" là danh hiệu ban cho các thiên thần (Đnl (LXX) 32,8; G 1,6), dân được tuyển chọn (Xh 4,22; Hs 11,1; Gr 3,19; GV 36,11; Kn 18,13), con cái Israel (Đnl 14,1; Hs 2,1) và các vị vua của họ (2Sm 7,14; Tv 82,6). Trong những trường hợp ấy, danh hiệu nầy nói lên quan hệ nghĩa tử. Quan hệ này tạo ra những mối liên hệ thân tình đặc biệt giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Khi được gọi là Con Thiên Chúa (1Sbn 17,13; Tv 2,7), vị Vua Messia của lời hứa không nhất thiết phải trổi vượt hơn phàm nhân, nếu theo sát nghĩa đen của các bản văn. Những người đã gọi Chúa Giêsu là Đấng Messia của Israel (Mt 27,54) có lẽ cũng không muốn nói gì hơn (Lc 23,47).

442 552 424.   Trường hợp thánh Phêrô thì khác, vì khi ông tuyên xưng Đức Giêsu là "Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 6,16), Đức Giêsu đã long trọng trả lời: "Phàm nhân không tài nào mặc khải cho anh điều đó được, nhưng chính là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời đã mặc khải cho anh" (Mt 16,17). Cũng thế, thánh Phaolô khi đề cập đến việc ngài hoán cải trên đường đi Đamascus đã nói: "Thiên Chúa đã chọn tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã kêu gọi tôi, Người đã thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo về Con của Người cho các dân ngoại..." (Gl 1,15-16). "Lập tức, ông bắt đầu rao giảng trong các hội đường rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa" (Cv 9,20). Điều này ngay từ đầu đã trở thành trọng tâm của đức tin tông truyền (x. Ga 20,31) do chính thánh Phêrô là người tuyên xưng đầu tiên với tư cách là nền tảng Hội Thánh (x.Mt 16,18).

443 2786.        Nếu thánh Phêrô có thể nhận ra tính chất siêu việt trong tư cách Con Thiên Chúa của Chúa Giêsu, Đấng Messia, thì đó là bởi vì chính Người đã nói lên điều đó cách rõ ràng. Trước Thượng Hội Đồng, khi những kẻ tố cáo hỏi Người: “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?”, Chúa Giêsu trả lời: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây” (Lc 22,70, Mt 26,64; Mc 14,62). Trước đó, Người tự xưng mình là "Con" biết rõ Cha (Mt 11,27; 21,37-38); Người phân biệt mình với các "tôi tớ" khác mà trước kia Thiên Chúa đã sai đến với dân; Người (Mt.21,34-36) vượt trên cả các thiên thần (Mt 24,36). Người cho thấy tư cách là "Con" của Mình khác với các môn đệ vì không bao giờ Người gọi "Cha chúng ta", trừ lúc truyền dạy họ: “Anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con’” (Mt 6,9); và Người nhấn mạnh sự khác biệt giữa “Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17).

 

444 536, 554.  Vào hai thời điểm quan trọng, Phép Rửa và Hiển Dung của Đức Kitô, các sách Tin Mừng ghi lại tiếng Chúa Cha gọi Đức Giêsu là "Con yêu dấu" (Mt.3,17; 17,5) của Người. Chính Đức Giêsu cũng tự xưng là "Con Một của Thiên Chúa" (Ga 3,l6) và qua danh hiệu đó, xác nhận Mình tiền hữu từ muôn thuở (x.Ga l0,36). Người đòi phải tin vào "danh Con Một Thiên Chúa" (Ga 3,l8). Lời tuyên xưng này của Kitô giáo đã xuất hiện ngay từ trong tiếng kêu của viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu trên Thập Giá: "Quả thật ông này là Con Thiên Chúa" (Mc l5,39). Chỉ trong mầu nhiệm Phục Sinh, người tín hữu mới hiểu được đầy đủ danh hiệu "Con Thiên Chúa".

445 653.          Sau Phục sinh, bản tính Con Thiên Chúa của Đức Kitô mới tỏ rạng trong quyền năng nhân tính được tôn vinh. "Xét như Đấng đã được Thánh Thần thánh hóa, do việc Người từ cõi chết sống lại, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng" (Rm 1,4) (Cv 13,33). Các tông đồ có thể tuyên xưng: "Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và chân lý" (Ga 1,14).

IV. CHÚA

Dominus  


446 209.          Trong bản dịch các sách Cựu ước ra tiếng Hy lạp, YHWH, danh không thể xưng mà Thiên Chúa dùng để tự mạc khải cho ông Môisen (Xh 3, 14), được dịch là Kyrios (Dominus = “Chúa”). Từ đó, tước hiệu “Chúa” trở thành danh xưng thông dụng nhất để nói lên chính thần tính của Thiên Chúa Israel. Tân Ước dùng tước hiệu “Chúa”, theo nghĩa mạnh như trên, cho Chúa Cha, và đồng thời, và đây là điều mới mẻ, cũng dùng cho Chúa Giêsu, qua đó nhìn nhận Người chính là Thiên Chúa (1Cr 2,8).

447 548.          Chính Đức Giêsu cũng tự nhận danh hiệu ấy một cách kín đáo khi tranh luận với các người Pharisêu về ý nghĩa thánh vịnh 110 (Mt 22,41-46; Cv 2, 34-36; Dt 1,13) và một cách rõ rệt khi nói chuyện với các Tông đồ. Trong suốt thời công khai, Đức Giêsu thực hiện những hành vi đầy quyền năng trên thiên nhiên, bệnh tật, ma quỷ, sự chết và tội lỗi; điều này cho thấy Người có quyền tối thượng của Thiên Chúa.

448 208, 683 641.       Trong các sách Tin Mừng, người ta thường gọi Đức Giêsu là "Chúa". Danh hiệu này chứng tỏ rằng những kẻ đến gần Người đều tôn trọng và tin tưởng vào Người, mong đợi Người cứu giúp và chữa lành (Mt 8,2; 14,30; 15,22). Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, khi tuyên xưng như vậy, người ta cũng nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa (Lc 1,43; 2,11). Sau khi Đức Giêsu Phục sinh, cách tuyên xưng này diễn tả tâm tình thờ lạy: "Lạy Chúa của con! lạy Thiên Chúa của con!" (Ga 20,28). Và còn mang thêm sắc thái yêu thương trìu mến là nét riêng của truyền thống Kitô giáo, như khi Gioan nói nhỏ với Phêrô: "Chúa đó" (Ga 2l,7).

449 461 653.   Khi dành cho Chúa Giêsu tước hiệu thần linh là “Chúa”, những lời tuyên xưng đức tin tiên khởi của Hội Thánh xác quyết ngay từ đầu (Cv 2,34-36) rằng quyền năng, danh dự và vinh quang của Chúa Cha cũng thuộc về Chúa Giêsu (Rm 9,5; Tt 2,13; Kh 5,13), vì Người có "địa vị ngang hàng với Thiên Chúa" (Pl 2,6), và Chúa Cha đã bày tỏ quyền tối thượng của Đức Giêsu khi cho Người sống lại từ cõi chết và biểu dương Người trong vinh quang (1Cr 12,3; Pl 2,9-11; Rm 10,9).

450 668,672 2242.      Ngay từ đầu lịch sử Kitô giáo, khi xác nhận quyền Chúa tể của Đức Giêsu trên trần thế và trên lịch sử (Kh 11,15), Kitô Giáo khẳng định rằng: con người không được dùng tự do cá nhân để tùng phục bất cứ quyền bính trần thế nào cách tuyệt đối, mà chỉ tùng phục Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô: Hoàng đế Cêsar không phải là “Chúa” (Mc 12,17; Cv 5,29). "Hội Thánh tin rằng chìa khóa trung tâm và cứu cánh của mọi lịch sử con người chỉ tìm thấy trong Chúa và Thầy của mình" (CĐ Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 10,2; 45,2).

451 2664- 2665 2817. Kinh nguyện Kitô giáo đầy những lời kêu cầu danh hiệu "Chúa", như khi mời gọi cầu nguyện: "Chúa ở cùng anh chị em", hay khi kết thúc lời nguyện "nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con", hoặc trong tiếng kêu đầy tín thác và hy vọng "Maran atha" ("Chúa đến!") hay"Marana tha" ("Lạy Chúa, xin Chúa đến") (1 Cr 16,22); "Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến" (Kh 22,20).

 


TÓM LƯỢC

Compendium


452.     Thánh Danh Giêsu có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Hài nhi sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria được gọi là “Giêsu”: “Vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

453.     Danh hiệu “Kitô” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”, “Đấng Messia”. Chúa Giêsu là Đấng Kitô bởi vì “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38). Người là “Đấng phải đến” (Lc 7,19), là đối tượng của niềm hy vọng của Israel (Cv 28, 20).

454.     Danh xưng "Con Thiên Chúa" nói lên mối tương quan duy nhất và hằng hữu giữa Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa Cha của Người: Người là Con Một của Chúa Cha (Ga 1,14.18; 3,16.18) và là chính Thiên Chúa (Ga 1,1) là điều cần thiết trở nên người kitô hữu. 

455.     Danh xưng "Chúa"nói lên quyền tối thượng của Thiên Chúa. Tuyên xưng hay kêu cầu Chúa Giêsu là Chúa, là tin vào thần tính của Người. “Không ai có thể nói rằng‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3).

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ