Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE

1992

 

PHẦN THỨ NHẤT

Tuyên Xưng Đức Tin

PARS PRIMA
PROFESSIO FIDEI

 

ĐOẠN THỨ HAI
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

SECTIO SECUNDA
FIDEI CHRISTIANAE PROFESSIO

 

CHƯƠNG I
TÔI TIN KÍNH THIÊN CHÚA  CHA

CAPUT PRIMUM
CREDO IN DEUM PATREM

 

TIẾT 5

TRỜI VÀ ĐẤT
Paragraphus 5: Caelum et terra

 

325.     Kinh Tin Kính của các tông đồ tuyên xưng: Thiên Chúa là "Đấng tạo thành trời và đất"; kinh Tin Kính của Công Đồng  Nicêa-Constantinôpôli nói thêm..." muôn vật hữu hình và vô hình".

326 290 1023,2794.    Trong Thánh Kinh, thuật ngữ "trời và đất" có nghĩa là tất cả những gì hiện hữu, là toàn bộ công trình sáng tạo. Thuật ngữ này cũng chỉ mối liên hệ, vừa kết hợp, vừa phân biệt trời với đất: "Đất" là thế giới của con người; (Tv 115, 16) "Trời" hoặc "các tầng trời" có thể chỉ bầu trời (x. Tv 19,2), nhưng cũng có thể chỉ "nơi" Thiên Chúa ngự: "Lạy Cha chúng con ở trên trời" (Mt 5,16) (Tv 115,16); do đó, "trời" cũng là vinh quang cánh chung. Sau hết, "trời" chỉ nơi "cư ngụ" của các thụ tạo thiêng liêng tức là các thiên thần vầy quanh Thiên Chúa.

327 296.          Kinh Tin Kính của Công Đồng Latêranô IV khẳng định Thiên Chúa "ngay lúc khởi đầu, đã tạo dựng từ hư không cả hai loài thụ tạo: loài thiêng liêng và loài có hình thể, nghĩa là các thiên thần và vũ trụ vật chất; kế đến là con người với tính chất của hai loài trên, vừa có tinh thần vừa có thể xác" (CĐ Latêranô IV DS 800; CĐ Vaticanô I DS 3002 và ĐGH Phaolô VI Sollemnis Professio fidei).

 


I. CÁC THIÊN THẦN

Angeli  


Sự hiện hữu của các thiên thần là một chân lý đức tin

Exsistentia angelorum – fidei veritas
328 150.          Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh quen gọi là các thiên thần, là một chân lý đức tin. Thánh Kinh và Thánh Truyền đều nhất trí như thế.

 

Các thiên thần là ai?

Qui sunt?
329.     Thánh Augustinô nói: "Thiên thần " chỉ chức năng chứ không chỉ bản tính. Xét về bản tính là "thuần linh". Xét về chức năng là "thiên thần". Theo hữu thể, là một thuần linh; theo hành động, là một thiên thần (Tv 103,1,15). Tự bản thể, các thiên thần là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Vì các ngài hằng chiêm ngưỡng "Thánh Nhan Cha Ta ở trên trời" (Mt 18,10), nên các vị là "những người đi thực hiện Lời Chúa, sẵn sàng phụng lệnh Người" (Tv 103,20).

330.     Với tư cách là thụ tạo thuần linh, các ngài có trí năng và ý chí: các ngài là những thụ tạo có ngôi vị (Piô XII: DS 3891) và bất tử (Lc 20,36). Các ngài hoàn hảo hơn mọi thụ tạo hữu hình. Vinh quang rực rỡ của các ngài minh chứng điều ấy (Đn 10,9-12).

Đức Kitô "với toàn thể các thiên thần của Ngài"

Christus « cum omnibus angelis Suis »
331 291.          Đức Kitô là trung tâm của thế giới thiên thần. Các thiên thần đều thuộc về Người: "Khi Con Người đến trong vinh quang với toàn thể các thiên thần của Người" (Mt 25,31). Các thiên thần thuộc về Đức Kitô vì đã được dựng nên nhờ Người và cho Người: "Vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình: Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới; tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người" (Cl 1,16). Hơn nữa, các thiên thần còn thuộc về Chúa Kitô, vì Người đặt các ngài làm sứ giả thực hiện ý định cứu độ của Người: "Nào tất cả những vị đó không phải là những bậc thiêng liêng được trao cho một trách vụ, được sai đi phục vụ cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?" (Dt 1,14).

332.     Ngay lúc sáng tạo (G 38,7) và suốt dòng lịch sử cứu độ, các thiên thần có mặt để loan báo về ơn cứu độ và phục vụ cho việc thực hiện ý định đó. Các thiên thần đóng cửa vườn địa đàng (St 3,24), bảo vệ ông Lót (St 19), cứu Agar và con của bà (x. St 21,17), chặn tay Abraham (St 22,11), công bố lề luật cho dân (Cv 7,53), hướng dẫn dân Chúa (Xh 23,20-23), loan báo những cuộc sinh hạ (Thp 13), những ơn gọi (Thp 6,11-24; Is 6,6), trợ giúp các ngôn sứ (x.1 V19,5), đó chỉ là một vài ví dụ. Cuối cùng Thiên Thần Gabriel đã loan báo việc sinh hạ của vị Tiền hô và của chính Chúa Giêsu (Lc 1,11.26).

333 559.          Từ khi nhập thể cho tới khi lên Trời, Ngôi Lời luôn được các thiên thần tôn thờ và phục vụ. "Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa nói: "Mọi thiên thần của Thiên Chúa, hết thảy phải tôn thờ Người" (Dt 1,6). Lời ca tụng của các thiên thần khi Chúa Kitô giáng sinh không ngừng vang lên trong lời ca tụng của Hội Thánh: "Vinh danh Thiên Chúa..." (Lc 2,14). Các thiên thần bảo vệ Đức Giêsu khi thơ ấu (Mt 1,20; 2,13.19), phục vụ Người trong hoang địa (Mt 4,11; Mc 1,12), động viên Người trong cơn lo sợ trước cái chết (Lc 22,43 ), dù có thể cứu Người khỏi tay các kẻ thù (x. Mt 26,53), như đã cứu dân Israel xưa (x.2Mcb 10,29-30 ; 11,8). Chính các thiên thần "rao truyền phúc âm" (Lc 2,10) khi loan báo Tin Mừng Nhập Thể (x.Lc 2,8-14) và Phục sinh (x. Mc 16,5-7) của Đức Kitô. Các ngài loan báo Đức Kitô quang lâm (x. Cv 1,10-11), và khi Người đến, các ngài có mặt để giúp Người trong cuộc thẩm phán (x. Mt 13, 41; 24, 31;Lc 12,8-9 ).

Các thiên thần trong đời sống Hội Thánh

Angeli in vita Ecclesiae
334.     Cho tới ngày Chúa quang lâm, tất cả đời sống Hội Thánh hưởng nhờ sự trợ giúp âm thầm và hữu hiệu của các thiên thần
(x. Cv 5,18-20; 8,26-29; 10,3-8; 12,6-11; 27,23-25).

335 1138.        Trong phụng vụ, Hội Thánh kết hợp mình với các Thiên thần để tôn thờ Thiên Chúa ba lần thánh (Kinh “Thánh, Thánh, Thánh”). Hội Thánh khẩn cầu các Thiên thần trợ giúp (như trong kinh In Paradisum deducant te angeli, Xin các Thiên thần Chúa dẫn đưa bạn về thiên đàng của phụng vụ cầu cho các tín hữu qua đời (Nghi thức an táng), hoặc trong “Thánh thi Cherubim” của phụng vụ Byzantin, và đặc biệt Hội Thánh cử hành việc kính nhớ một số Thiên thần (thánh Micae, thánh Gabriel, thánh Raphael, các Thiên thần Hộ thủ).

336 1020.        Các thiên thần gìn giữ (x. Mt 18,10) và cầu bàu cho ta (x. Lc 16,22) từ lúc khởi đầu (hiện hữu) (x. Tv 34,8;91,10-13) cho đến lúc chết (x. G 33,23-24; Gia. 1,12; Tb 12,12). "Mỗi tín hữu đều có một thiên thần hộ thủ để bảo trợ, và hướng dẫn đến sự sống đời đời (hánh Basiliô, Adversus Eunomium 3,1"). Ngay tại thế, trong đức tin, đời sống Kitô hữu được tham dự vào cộng đoàn diễm phúc của các thiên thần và loài người được hợp nhất trong Thiên Chúa.

 


II. THẾ GIỚI HỮU HÌNH

Mundus visibilis  

 

337 290 293.   Chính Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới hữu hình với sự phong phú, đa dạng và trật tự của nó. Thánh Kinh trình bày cách biểu trưng công trình của Đấng Sáng Tạo như một chuỗi sáu ngày "lao động" của Thiên Chúa và hoàn tất với sự "nghỉ ngơi" vào ngày thứ bảy (St 1,1-2,4). Về việc sáng tạo, Thánh Kinh dạy những chân lý đã được Thiên Chúa mặc khải vì ơn cứu độ chúng ta (CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 11), giúp chúng ta "nhận ra bản chất sâu xa cũng như giá trị và cùng đích của sáng tạo. Cùng đích nầy là vinh quang của Thiên Chúa" (CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium 36).

338 297.          Không có gì hiện hữu mà không do Thiên Chúa sáng tạo. Vũ trụ bắt đầu khi Lời Thiên Chúa tạo dựng nó từ hư không. Tất cả mọi hiện hữu, toàn bộ thiên nhiên, toàn bộ lịch sử loài người đều bắt nguồn từ biến cố tiên khởi đó: đây là khởi điểm hình thành thế giới và bắt đầu thời gian (Thánh Augustinô, De Genesi contra Manichaeos,1,2,4).

339 2501 299 226.      Mỗi thụ tạo, đều có sự tốt lành và hoàn hảo riêng. Về mỗi công trình của "sáu ngày", Sách Thánh viết: "Và Thiên Chúa thấy thế là tốt". Chính vì được sáng tạo, mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thật và tốt lành cùng những định luật và trật tự riêng" (CĐ Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes 36,2). Theo ý Thiên Chúa, các thụ tạo khác nhau đều phản chiếu một chút sự khôn ngoan và sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa, mỗi thụ tạo một cách. Chính vì thế con người phải tôn trọng sự tốt lành riêng của từng thụ tạo để tránh sử dụng nó một cách bừa bãi, nếu không con người sẽ coi thường Đấng Tạo Hóa và kéo theo nhiều hậu quả nguy hại cho mình và môi sinh .

340 1937.        Thiên Chúa muốn các thụ tạo lệ thuộc lẫn nhau. Mặt trời, mặt trăng, cây cối với bông hoa, phượng hoàng và chim sẻ: cảnh thiên hình vạn trạng của sự vật lớn nhỏ khác nhau nói lên rằng không thụ tạo nào có thể tự túc, nhưng tùy thuộc vào nhau, để bổ túc và phục vụ lẫn nhau.

341 283 2500. Vẻ đẹp của vũ trụ: Trật tự và sự hài hòa của thế giới xuất phát từ sự đa dạng và mối liên hệ giữa các thụ tạo. Con người dần dần phát hiện những điều ấy như là quy luật của thiên nhiên. Chúng làm các nhà thông thái phải thán phục. Vẻ đẹp của thụ tạo phản chiếu vẻ đẹp vô biên của Đấng Sáng Tạo. Vẻ đẹp này phải gợi lên nơi trí khôn và ý chí của con người sự kính trọng và phục tùng.

342 310.          Phẩm trật các thụ tạo được diễn tả qua thứ tự của "sáu ngày", từ vật kém hoàn hảo tới bậc hoàn hảo hơn. Thiên Chúa thương yêu tất cả các thụ tạo (Tv 145,9) và chăm sóc mỗi vật, ngay cả những con chim sẻ bé nhỏ. Về con người, Chúa Giêsu nói: "Chúng con còn đáng giá hơn cả muôn ngàn chim sẻ" (Lc 12,6-7), "Người thì quý hơn chim biết mấy" (Mt 12,12).

343 355.          Con người là chóp đỉnh của công trình sáng tạo. Trình thuật Sáng Thế diễn tả điều đó, khi phân biệt rõ ràng việc sáng tạo con người với việc sáng tạo các loài khác (St 1,26).

344 293, 1939 2416.   Tất cả các thụ tạo liên đới với nhau, vì xuất phát từ một Đấng Sáng Tạo, và vì tất cả đều được sắp đặt để làm vinh danh Thiên Chúa:
Chúc tụng Ngài, lạy Chúa, nơi tất cả các thụ tạo của Ngài; đặc biệt là anh Mặt Trời. Nơi anh, Chúa cho chúng con ánh sáng ban ngày, Anh rất đẹp, tỏa chiếu ánh huy hoàng lớn lao. Anh cho chúng con một biểu tượng về Ngài, lạy Đấng Tối Cao.

1218.   Chúc tụng Ngài, lạy Chúa, vì chị Nước, Chị rất hữu ích và rất khiêm tốn, đáng quý và thanh khiết...
Chúc tụng Ngài, lạy Chúa, vì người mẹ chúng con là Trái Đất, cưu mang và nuôi chúng con, sản xuất các loài trái khác nhau, với bông hoa lóng lánh và rực rỡ cỏ xanh...
Hãy chúc tụng và ngợi khen Chúa, Hãy tạ ơn Người và phụng sự Người với lòng khiêm tốn (Thánh Phanxicô Assisi, Canticum Fratris Solis: Opuscula sancti Patris Francisci Assisiensis, Trường ca tạo vật).

345 2168.        Ngày Sabat kết thúc "sáu ngày" làm việc. Sách Thánh nói: "Ngày thứ bảy, Người kết thúc công việc đã làm", như vậy "trời và đất đã hoàn tất". Ngày thứ bảy Thiên Chúa "nghỉ việc", Người thánh hóa và chúc lành cho ngày đó (St 2,1-3). Những lời được linh hứng trên đây chứa đựng rất nhiều giáo huấn có giá trị cứu độ:

346 2169.        Trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa đặt một nền móng và những qui luật trường tồn (Dt 4,3-4). Người tín hữu có thể tin tưởng nương tựa vào đó. Đó là dấu chỉ và bảo chứng về lòng trung tín không hề lay chuyển của Thiên Chúa đối với Giao Ước (Gr 31,35-37;33,19-26). Về phần mình, con người phải trung thành với nền móng này và tôn trọng những qui luật mà Đấng Sáng Tạo đã khắc ghi trên đó.

347 1145-1152.           Công trình sáng tạo hướng về ngày Sabát, tức là nhắm đến việc phụng thờ và tôn vinh Thiên Chúa. Việc phụng thờ được khắc ghi trong trật tự của công trình sáng tạo. Luật dòng Thánh Biển Đức có ghi "Việc phụng thờ Thiên Chúa là việc tối thượng không còn việc gì quan trọng hơn". Đấy là trật tự đúng đắn cho mọi bận tâm của con người.

348 2172.        Ngày Sabát là tâm điểm của lề luật Israel. Tuân giữ các giới răn là sống theo sự khôn ngoan và ý muốn của Thiên Chúa được diễn tả trong công cuộc sáng tạo

349 2174 1046.           Ngày thứ tám, một ngày mới đã rực sáng cho chúng ta: ngày Đức Kitô Sống Lại. Nếu ngày thứ bảy hoàn tất cuộc sáng tạo thứ nhất, thì ngày thứ tám khởi đầu cuộc sáng tạo mới. Như vậy, công trình sáng tạo chỉ đạt tới tột đỉnh trong công trình còn lớn lao hơn nữa là ơn cứu chuộc. Cuộc sáng tạo thứ nhất đã tìm ra ý nghĩa và đạt tới đỉnh cao trong cuộc sáng tạo mới nơi Chúa Kitô, sự rực rỡ của sáng tạo mới này vượt xa vẻ huy hoàng của sáng tạo trước (Canh thức Vượt qua, Lời nguyện sau bài đọc I).

 


TÓM LƯỢC

Compendium


350.     Thiên thần là những thụ tạo thiêng liêng hằng tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ các ý định cứu độ của Người dành cho các thụ tạo khác: "Các thiên thần cộng tác trong mọi việc lành cho chúng ta" (Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, tổng luận I,114,3 ad 3).

351.     Các thiên thần vây quanh Đức Kitô là Chúa mình. Các vị phục vụ Người, đặc biệt trong việc hoàn thành sứ mạng cứu độ nhân loại.

352.     Hội Thánh tôn kính các thiên thần, vì các ngài trợ giúp Hội Thánh trong cuộc lữ hành trần thế và bảo vệ hết mọi người.

353.     Thiên Chúa muốn có các thụ tạo khác biệt nhau, mỗi loài có sự tốt lành riêng của mình. Chúng phải lệ thuộc nhau và tuân theo trật tự của chúng. Tất cả các thụ tạo vật chất là để mưu ích cho con người. Con người, và tất cả vạn vật, nhờ con người, phải làm vinh danh Thiên Chúa.

354.     Tôn trọng các quy luật được ghi khắc trong công trình sáng tạo và những tương quan xuất phát từ bản tính muôn vật, là một nguyên tắc của sự khôn ngoan và là một nền tảng của luân lý.

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ