Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE

1992

 

PHẦN THỨ NHẤT

Tuyên Xưng Đức Tin

PARS PRIMA
PROFESSIO FIDEI

 

ĐOẠN THỨ HAI
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

SECTIO SECUNDA
FIDEI CHRISTIANAE PROFESSIO

 

CHƯƠNG I
TÔI TIN KÍNH THIÊN CHÚA  CHA

CAPUT PRIMUM
CREDO IN DEUM PATREM


TIẾT 2

CHÚA CHA

Paragraphus 2: Pater

 

I. "NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN"
« In nomine Patris et Filii et Spiritus Sancti »  

 

232 189, 1223.            Người Kitô hữu được rửa tội "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28,19). Trước khi lãnh nhận bí tích, họ phải trả lời 3 lần "Tôi tin" để đáp lại những câu thẩm vấn về đức tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. "Đức tin của mọi Kitô hữu đều dựa trên mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi" (Th. Césaire d'Arles, Tuyên xưng đức tin).

233.     Người Kitô hữu được rửa tội "nhân danh một Thiên Chúa" là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chứ không phải "nhân danh ba ngôi vị" riêng lẻ (Tuyên xưng đức tin của Giáo hoàng Vigilô năm 552: DS 415). Vì chỉ có một Thiên Chúa là Cha toàn năng và Con duy nhất Người và Thánh Thần: Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

234 2157 90 1449.      Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo "phẩm trật các chân lý đức tin" (Thánh bộ Giáo sĩ, Directorium catechisticum generale, 43). "Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mặc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi" (Thánh bộ Giáo sĩ, Directorium catechisticum generale, 47).

235.     Tiết này trình bày cách ngắn gọn: (I) Thiên Chúa mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi; (II) Hội Thánh trình bày giáo huấn đức tin về mầu nhiệm đó; (III) Chúa Cha thực hiện "kế hoạch nhân hậu" của Người là tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa qua sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

236 1066 259. Các Giáo phụ phân biệt Theologia (Thần luận) với Oeconomiam (Nhiệm Cục). Thuật ngữ thứ nhất chỉ mầu nhiệm đời sống nội tại nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Thuật ngữ thứ hai chỉ mọi công cuộc Thiên Chúa dùng để tự mặc khải và thông ban sự sống của Người. Nhờ Oeconomiam mà chúng ta được biết Theologia, nhưng đối lại, Theologia soi sáng toàn thể Oeconomiam. Các công trình của Thiên Chúa mặc khải cho ta biết Người, và đối lại, mầu nhiệm đời sống nội tại của Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu các công trình của Người. Cũng thế, trong các tương quan nhân loại, con người biểu lộ mình qua hành động; càng biết một người, càng hiểu rõ hành động của họ hơn.

237 50.            Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm đức tin hiểu theo nghĩa chặt chẽ nhất, một trong những "mầu nhiệm được ẩn giấu trong Thiên Chúa... không ai biết được nếu ơn trên không mặc khải" (CĐ Vatican I, Hiến chế tín lý Dei Filius 16). Chắc chắn Thiên Chúa đã để lại dấu vết của bản thể Ba Ngôi trong công cuộc tạo dựng và trong dòng mặc khải Cựu Ước. Nhưng trước cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa và sứ vụ của Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm Ba Ngôi vẫn là một mầu nhiệm mà nguyên lý trí của loài người và ngay cả đức tin của Israel xưa cũng không thể vươn tới được.

 


II. SỰ MẶC KHẢI VỀ THIÊN CHÚA BA NGÔI
De revelatione Dei tamquam Trinitatis  

 

Chúa Cha được mặc khải bởi Chúa Con

Pater per Filium revelatus
238 2443.        Đã có nhiều tôn giáo biết kêu cầu Thượng Đế với tước hiệu "Cha". Thượng Đế thường được coi là "cha của các thần linh và của người phàm". Trong dân Israel, Thiên Chúa được gọi là Cha vì là Đấng sáng tạo vũ trụ (Đnl 32,6; Ml 2,10 ). Hơn nữa Thiên Chúa còn là Cha vì đã giao ước và ban lề luật cho Israel, "con đầu lòng của Người" (Xh 4,22). Người cũng được gọi là Cha của vua Israel (x. 2 Sm 7,14). Đặc biệt hơn nữa, Người là "Cha của người nghèo", của cô nhi, quả phụ là những kẻ được Người thương yêu che chở (Tv 68,6).

239 370, 2779.            Khi gọi Thiên Chúa là "Cha", ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự và là Đấng uy quyền siêu việt, đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái. Nơi Thiên Chúa, tình cha con trìu mến này cũng có thể diễn tả qua tình mẫu tử (x. Is 66,13; Tv. 131,2) . Hình ảnh này làm rõ nét hơn tính nội tại của Thiên Chúa, mối thâm tình giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Như vậy, ngôn ngữ đức tin được hình thành từ kinh nghiệm về cha mẹ trần thế, những người dưới một khía cạnh nào đó, là đại diện đầu tiên của Thiên Chúa nơi con người.

Nhưng kinh nghiệm đó cũng cho thấy là cha mẹ trần thế có thể sai lệch và bóp méo hình ảnh làm cha làm mẹ. Cho nên, cần phải nhắc lại là Thiên Chúa vượt trên sự phân biệt phái tính của người phàm. Người không là nam mà cũng không là nữ. Người là Thiên Chúa. Vì Người là nguồn gốc và là chuẩn mực (x. Tv 68,6 ) cho chức năng làm cha làm mẹ, nên Người luôn trổi vượt trên cha mẹ trần thế: không ai là cha một cách trọn hảo như Thiên Chúa.

240 2780 441 – 445.   Đức Giêsu đã mặc khải cho ta biết Thiên Chúa là "Cha" theo một nghĩa chưa từng có: Người không chỉ là Cha vì là Tạo Hóa, từ muôn thuở Người là Cha trong tương quan với Con duy nhất, Ngôi Con từ muôn thuở cũng chỉ là Con trong tương quan với Ngôi Cha: "Không ai biết Người Con trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho" (Mt 11,27).

241.     Vì vậy các tông đồ tuyên xưng Đức Giêsu là "Ngôi Lời vẫn có từ lúc khởi đầu bên Thiên Chúa và là Thiên Chúa" (Ga 1,1), là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15), là "phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh của bản thể Thiên Chúa" (Dt 1,3).

242 465.          Tiếp đó, theo truyền thống các tông đồ để lại, năm 325 tại Công Đồng chung thứ nhất Nicêa, Hội Thánh tuyên xưng Chúa Con "đồng bản thể" với Chúa Cha, nghĩa là một Thiên Chúa duy nhất cùng với Người. Công Đồng chung thứ hai Constantinôpôli năm 381, vẫn giữ lại thuật ngữ đó, được đề ra trong bản kinh Tin Kính của Nicêa và đã tuyên xưng: Con Một Thiên Chúa sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha" (Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli 150).

Chúa Cha và Chúa Con được mặc khải bởi Thánh Thần

Pater et Filius a Spiritu revelati
243 683 2780 687.      Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu báo tin sẽ cử một Đấng Bào Chữa khác (Đấng Bảo Vệ), đó là Chúa Thánh Thần. Người tác động từ thuở khai thiên lập địa (x. St 1,2); Người đã dùng "các ngôn sứ mà phán dạy" (Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinôpôli). Nay người sẽ ở với và trong các môn đệ (x.Ga 14,17) để dạy bảo (Ga 14,26) và dẫn đưa họ đến "sự thật trọn vẹn" (Ga 16,13). Chúa Thánh Thần được mặc khải như một ngôi vị Thiên Chúa, khác với Đức Giêsu và với Chúa Cha.

244 732.          Nguồn gốc vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần được mặc khải trong sứ mạng trần thế của Người. Thánh Thần được cử đến với các tông đồ và Hội Thánh, vừa do Chúa Cha nhân danh Chúa Con, và cũng do chính Chúa Con, một khi Người trở về bên Chúa Cha (x.Ga 14,26; 15,26; 16,14). Việc cử Chúa Thánh Thần đến sau khi Đức Giêsu được tôn vinh (x.Ga7,39), mặc khải một cách viên mãn mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh.

245 152 685.   Đức tin tông truyền về Chúa Thánh Thần đã được tuyên xưng tại Công Đồng chung Constantinôpôli năm 381: "Chúng tôi tin kính Chúa Thánh Thần, Người là Chúa, và là Đấng ban sự sống; Người phát xuất từ Chúa Cha" (Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli). Qua đó, Hội Thánh nhìn nhận Chúa Cha là "nguồn gốc và khởi thủy của tất cả thiên tính" (CĐ Tôlêđô VI năm 638: DS 490). Nguồn gốc vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần và của Chúa Con không phải là không có liên hệ với nhau: "Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba, là Thiên Chúa, là một và đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con, cùng bản thể và cũng cùng bản tính... Tuy nhiên, Người không chỉ là Thần Khí của Chúa Cha mà thôi nhưng là Thần Khí cùng lúc của Chúa Cha và Chúa Con" (CĐ Tôlêđô XI năm 675: DS 527). Bản Kinh Tin Kính Công Đồng Constantinôpôli tuyên xưng: "Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con" (Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli 150).

246.     Kinh Tin Kính theo truyền thống La tinh tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần "phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con (Filioque)". Công Đồng Florentina năm 1438 nêu rõ: "Chúa Thánh Thần lãnh nhận bản tính và hữu thể vừa từ Chúa Cha, vừa từ Chúa Con. Đời đời Người phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con như từ cùng một nguyên lý và từ một nhiệm suy duy nhất... Và bởi vì tất cả những gì có nơi Chúa Cha, thì chính Chúa Cha đã ban cho Con Một khi sinh ra Con, trừ hữu thể là Cha. Ngay cả việc Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Con, thì Chúa Con cũng lãnh nhận nơi Chúa Cha từ đời đời, vì từ muôn thuở Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con" (CĐ Florentina, Decretum pro Graecis: DS 1300-1301).

247.     Lời khẳng định “và bởi Đức Chúa Con” (Filioque) không có trong Tín biểu công bố năm 381 tại Constantinôpôli. Nhưng thánh Giáo Hoàng Lêô, dựa theo truyền thống cổ xưa của La tinh và Alexandria, đã công bố điều này như một tín điều vào năm 447 (DS 284). Trước khi Rôma, tại Công đồng Chalcêđônia năm 451, biết đến và tiếp nhận Tín biểu của năm 381. Việc sử dụng công thức này trong Tín biểu được dần dần đưa vào phụng vụ La tinh (từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XI). Tuy nhiên, việc phụng vụ La tinh đưa công thức Filioque vào trong Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli, đã tạo nên sự bất đồng, mãi cho đến nay, với các Giáo Hội Chính Thống.

248.     Truyền thống Đông phương trước hết diễn tả rằng Chúa Cha là cội nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần. Khi tuyên xưng Chúa Thánh Thần “xuất phát từ Chúa Cha” (Ga 15,26), truyền thống đó xác quyết Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Con (a Patre per Filium procedere). Còn truyền thống Tây phương trước hết xác quyết sự hiệp thông đồng bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con, khi nói rằng Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con (ex Patre Filioque procedere). Truyền thống này nói như vậy là “hợp pháp và hợp lý (CĐ Florentina, Decretum pro Graecis năm 1439: DS 1302). Vì theo trật tự vĩnh cữu giữa các Ngôi vị Thiên Chúa trong sự hiệp thông đồng bản thể, Chúa Cha là nguồn gốc tiên khởi tức là "nguyên lý không nguyên lý" của Chúa Thánh Thần (DS 1331) và đồng thời Người là Cha sinh ra Con duy nhất; nên Chúa Cha và Chúa Con là "nguyên lý duy nhất xuất phát Chúa Thánh Thần" (Cđ Lyon II năm 1274: DS 850). Hai truyền thống đều chính đáng và bổ sung cho nhau. Nếu chúng ta đừng quá nhấn mạnh về một phía nào, thì cả hai cùng tin như nhau về thực tại mầu nhiệm được tuyên xưng.

 


III.THIÊN CHÚA BA NGÔI TRONG GIÁO LÝ ĐỨC TIN
Sanctissima Trinitas in doctrina fidei  

 

Sự hình thành tín điều Ba Ngôi

Dogmatis trinitarii efformatio
249 683 189.   Chân lý mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi, ngay từ buổi sơ khai, là nền tảng nguyên thủy của đức tin sống động của Hội Thánh, chủ yếu là qua bí tích Thánh Tẩy. Chân lý đó đã được diễn tả trong lời tuyên xưng đức tin khi rửa tội, được trình bày trong các giảng thuyết, trong huấn giáo và trong kinh nguyện của Hội Thánh. Người ta gặp những công thức như vậy trong các văn thư tông đồ, chẳng hạn lời chào được phụng vụ Thánh Thể lấy lại: "Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em" (2Cr 13,13) (x.1Cr 12,4-6; Eph 4,4-6).

250 94.            Trong những thế kỷ đầu, Hội Thánh đã cố gắng trình bày minh bạch hơn đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa để đào sâu sự hiểu biết của chính mình về đức tin, vừa để bảo vệ đức tin khỏi những lệch lạc. Đó là công trình của các công đồng xưa, qua sự đóng góp của các giáo phụ về thần học và dựa trên cảm thức đức tin của dân Thánh.

251 170.          Để trình bày tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, Hội Thánh triển khai một hệ thống từ ngữ riêng, dựa vào những khái niệm bắt nguồn từ triết học như: "bản thể", "ngôi vị", hoặc "bản vị", "tương quan" v.v... Vì Hội Thánh không muốn đức tin lệ thuộc vào một sự khôn ngoan trần thế nào, nên đã cho các từ ngữ nầy một ý nghĩa mới để chúng có khả năng diễn đạt mầu nhiệm khôn tả, "vượt xa khôn cùng tất cả những gì chúng ta có thể mường tượng được với khả năng của người phàm" (ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei).

252.     Hội Thánh sử dụng từ “bản thể” (substantia), (hoặc “yếu tính” essentia hoặc “bản tính” natura) để chỉ Hữu Thể thần linh trong sự duy nhất của Ngài, từ “ngôi” hoặc “ngôi vị” (persona hoặc hypostasis) để chỉ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong sự phân biệt thật sự với nhau giữa các Ngài, còn từ “tương quan” (relatio) để chỉ sự phân biệt của các Ngài trong vấn đề các Ngài quy chiếu về nhau.

Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi

Sanctissimae Trinitatis dogma
253 2789 590.   Ba Ngôi là Một. Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: "Ba Ngôi đồng bản thể" (CĐ Constantinôpôli II năm 553; DS 421). Các ngôi vị Thiên Chúa không chia nhau một thiên tính duy nhất, nhưng mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn: Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy, và Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy, nghĩa là một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính. Mỗi ngôi vị là thực tại đó, nghĩa là bản thể, yếu tính, bản tính đó".

254 468, 689.  Các Ngôi vị Thiên Chúa thực sự phân biệt với nhau. "Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc" (Fides Damasi: DS71). "Chúa Cha", "Chúa Con", "Chúa Thánh Thần" không đơn thuần là những danh từ chỉ cách thức hiện hữu của hữu thể Thiên Chúa vì Ba Ngôi thực sự phân biệt với nhau: "Chúa Con không phải là Chúa Cha, và Chúa Cha không phải là Chúa Con, và Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con" (Cđ Tôlêđô XI năm 675: DS 530). Ba Ngôi phân biệt nhau do các mối tương quan về nguồn gốc: "Chúa Cha là Đấng sinh ra, Chúa Con là Đấng được Chúa Cha sinh ra, Chúa Thánh Thần là Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con" (CĐ Latêranô IV năm 1215: DS 804). "Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi".

255 240.          Các Ngôi vị Thiên Chúa có liên hệ với nhau. Sự phân biệt đích thực giữa các Ngôi Vị hệ tại những mối tương quan nên không làm mất đi tính duy nhất của Thiên Chúa. "Các danh xưng nói lên mối tương quan giữa các Ngôi vị: Chúa Cha qui về Chúa Con, Chúa Con qui về Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần qui về hai Ngôi trên; dù có nói tới ba ngôi vị khi chú trọng đến các tương quan, chúng ta vẫn tin Thiên Chúa có một bản tính hoặc một bản thể duy nhất (Cđ Tôlêđô XI năm 675: DS 528). Quả thật "mọi sự đều là một (nơi Ba Ngôi) vì không thể có sự đối nghịch trong tương quan" (CĐ Florentina, Decretum pro Iacobitis năm 1442: DS 1330). "Vì sự đơn nhất đó, Chúa Cha hoàn toàn ở trong Chúa Con, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Con hoàn toàn ở trong Chúa Cha, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần ở hoàn toàn trong Chúa Cha, hoàn toàn trong Chúa Con" (CĐ Florentina, Decretum pro Iacobitis năm 1442: DS 1331).

256 236, 684.  Thánh Grêgôriô Nazianzênô, có biệt danh là “Nhà thần học”, cống hiến cho các dự tòng tại Constantinôpôli bản toát yếu đức tin về Ba Ngôi như sau:

84.       Xin giữ cho tôi kho tàng quý báu này, mà vì nó tôi sống và chiến đấu, và còn muốn đem theo khi chết, nhờ nó tôi chấp nhận tất cả mọi gian khổ và khinh chê mọi lạc thú: tôi muốn nói đến bản tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hôm nay tôi trao gửi anh chị em. Với lời tuyên xưng này, lát nữa, tôi sẽ dìm anh chị em xuống nước rồi nâng anh chị em lên. Tôi trao cho anh chị em bản tuyên xưng đó làm người bạn đường, người bảo trợ anh chị em suốt đời. Tôi trao cho anh chị em một Thiên Chúa duy nhất và quyền năng Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi Vị, phân biệt nhau. Một thiên tính không có dị biệt trong bản thể hoặc bản tính, không cấp bậc hơn kém. Cả Ba Ngôi Vị vô tận, cùng chungmột bản tính vô tận. Mỗi Ngôi vị tự thân là Thiên Chúa trọn vẹn... Cả Ba Ngôi kết hợp cũng là Thiên Chúa... Tôi chưa bắt đầu suy tưởng đến Thiên Chúa duy nhất, thì hào quang của Ba Ngôi Thiên Chúa tràn ngập thân tôi. Tôi chưa bắt đầu suy tưởng đến Ba Ngôi, thì Thiên Chúa duy nhất làm tôi sững sờ... (Thánh Grêgôriô Nazianzênô, Oratio 40, 41).

 


IV. CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA VÀ SỨ MẠNG CỦA BA NGÔI

De divinis operibus et missionibus trinitariis  

 

257 221 758 292 850. "Ôi Ba Ngôi ánh sáng diễm phúc. Ôi Đấng duy nhất nguyên thủy!" (Thánh Thi Kinh chiều lễ Ba Ngôi). Thiên Chúa là hạnh phúc trường cửu, sự sống bất diệt, ánh sáng không tàn lụi. Thiên Chúa là tình thương: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa tự ý muốn thông chia vinh quang sự sống hạnh phúc của Người. Đó là "kế hoạch yêu thương" (Ep 1,9) mà Người đã cưu mang từ trước khi tạo dựng vũ trụ trong Con yêu dấu của Người, "Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử trong Con của Người" (Ep 1,4-5), nghĩa là "nên đồng hình đồng dạng với Con của Người" (Rm 8,29) nhờ "Thần trí làm nên nghĩa tử" (Rm 8,15). Kế hoạch này là một "ân sủng được trao ban từ muôn thuở" (2Tm 1, 9-10) xuất phát trực tiếp từ tình thương Ba Ngôi. Tình thương này được trải ra trong công cuộc sáng tạo, trong toàn bộ lịch sử cứu độ sau khi nguyên tổ sa ngã, trong sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần mà sứ mạng Hội Thánh tiếp nối (CĐ Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes 2-9).


258 686.          Toàn bộ nhiệm cục của Thiên Chúa là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì, cũng như Ba Ngôi chỉ có một bản tính, Ba Ngôi cũng chỉ có cùng một hoạt động (CĐ Constantinôpôli II năm 553: DS 421). "Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là ba nguyên lý của thụ tạo mà là một nguyên lý duy nhất" (x.Cđ Florence năm 1442: DS 1331). Nhưng mỗi Ngôi Vị thực hiện công trình chung theo đặc tính riêng. Cho nên, dựa vào Tân Ứơc (x.1Cr 8,6), Hội Thánh tuyên xưng "Một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành mọi sự, một Chúa Giêsu Kitô, cùng đích của mọi sự, và một Chúa Thánh Thần, trong Người muôn vật được hiện hữu" (CĐ Constantinôpôli II năm 553: DS 421). Đặc biệt các sứ mạng của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm nhập thể của Chúa Con và trong việc trao ban Chúa Thánh Thần, tỏ lộ nét đặc thù của từng Ngôi Vị .

259 236.          Vừa là công trình chung, vừa là công trình của mỗi ngôi vị, nên toàn bộ nhiệm cục của Thiên Chúa vừa cho thấy đặc tính của từng ngôi vị vừa cho thấy bản tính duy nhất của Ba Ngôi. Vì thế, người Kitô hữu có hiệp thông với một Ngôi Vị, thì cũng không mảy may tách rời Ba Ngôi. Ai tôn vinh Chúa Cha, thì tôn vinh nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần; ai bước theo Chúa Kitô là do Chúa Cha lôi kéo (x.Ga 6,44) và Chúa Thánh thần thúc đẩy (Rm 8,14)

260 1050,1721 1997.  Cùng đích của toàn bộ nhiệm cục của Thiên Chúa là đưa các thụ tạo vào sự kết hợp trọn vẹn với Ba Ngôi diễm phúc (Ga 17,21-23). Nhưng ngay từ bây giờ, chúng ta được mời gọi trở nên nơi cư ngụ của Ba Ngôi Chí Thánh: "Chúa nói: ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở nơi người ấy" (Ga 14,23)

2565.   “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Ba Ngôi con tôn thờ, xin giúp con quên hẳn mình để an trú trong Chúa, bất động và thanh thản như thể linh hồn con đã ở trong cõi vĩnh hằng; xin đừng để điều gì có thể quấy phá sự bình an của con, và làm con phải ra khỏi Chúa, ôi Đấng Bất Biến của con, nhưng mỗi giây phút xin đem con vào sâu hơn nữa trong mầu nhiệm thẳm sâu của Chúa! Xin ban bình an cho linh hồn con; xin biến linh hồn con thành thiên đàng của Chúa, thành nơi cư ngụ mà Chúa ưa thích, và nơi nghỉ ngơi của Chúa. Ước gì con không bao giờ bỏ mặc Chúa một mình, nhưng ước gì con ở đó với trọn vẹn bản thân, hoàn toàn tỉnh thức trong đức tin, hoàn toàn thờ lạy, và hoàn toàn phó thác cho hoạt động sáng tạo của Chúa” (Lời nguyện dâng Chúa Ba Ngôi, Chân phước Êlisabet).

 


TÓM LƯỢC

Compendium


261.     Mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Chỉ một mình Thiên Chúa mới cho ta biết được mầu nhiệm ấy khi tự mặc khải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

262.     Việc nhập thể của Con Thiên Chúa mặc khải rằng Thiên Chúa là Cha từ muôn thuở, và Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha, nghĩa là Chúa Con ở trong Chúa Cha và cùng với Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất.

263.     Sứ mạng của Chúa Thánh thần, Đấng Chúa Cha cử đến nhân danh Chúa Con (x. Ga 14,26) và được Chúa Con gửi đến "từ nơi Chúa Cha" (Ga 15,26) mặc khải rằng Chúa Thánh Thần cùng với Chúa Cha và Chúa Con là một Thiên Chúa duy nhất. "Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con".

264.     "Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha như nguồn mạch đầu tiên, và bởi Chúa Cha hằng ban tặng mình cho Chúa Con, nên Chúa Thánh Thần cũng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con" (Thánh Augustinô, De Trinitate, tự thuật 15, 26, 47).

265.     Nhờ ân sủng Bí tích Thanh Tẩy "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần", chúng ta được mời gọi chia sẻ sự sống của Ba Ngôi Diễm Phúc, ở trần thế này trong bóng tối của đức tin và sau khi chết trong ánh sáng vĩnh cửu (ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei, 9).

266.     "Đức tin công giáo hệ tại điều này: thờ kính Một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Một Chúa mà không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không chia cắt bản thể: vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần khác biệt nhau; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu" (Symbolum "Quicumque").

267.     Vì không tách rời trong hữu thể, các Ngôi Vị không tách rời trong hành động. Nhưng trong hành động duy nhất của Thiên Chúa, mỗi Ngôi Vị biểu lộ đặc tính riêng của mình trong Ba Ngôi, đặc biệt trong sứ mạng Nhập Thể của Chúa Con và việc tặng ban Chúa Thánh Thần.

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ